“Bắn nhầm” máy bay Ukraine, Iran đối mặt “thù trong, giặc ngoài”

Thứ ba, 14/01/2020 12:45

Cảnh sát chống bạo động Iran sử dụng hơi cay để giải tán hàng ngàn người biểu tình tại Quảng trường Azadi của Tehran khi cơn giận dữ của công chúng leo thang sau vụ Iran thừa nhận vô tình bắn hạ một máy bay chở khách của Ukraine, khiến tất cả 176 người trên máy bay thiệt mạng.

Nến và hoa đặt trước di ảnh của 5 thành viên phi hành đoàn và các nạn nhân khác trong vụ rơi máy bay Ukraine ở Iran, tại Kiev ngày 11-1.   Ảnh: Reuters

Biểu tình lan rộng

Các cuộc tuần hành bày tỏ niềm thương tiếc những nạn nhân thiệt mạng trong vụ tai nạn đã nhanh chóng biến thành các cuộc biểu tình chống chính phủ. Nạn nhân của chuyến bay 752 của Hãng hàng không quốc tế Ukraine (UIA) bị bắn hạ hôm 8-1 đến từ khắp nơi trên thế giới, nhưng ở Iran, nhiều người coi vụ việc là một thảm kịch đặc biệt đối với nước này. Nhiều người tức giận cho rằng chính phủ đã giết rất nhiều người dân của họ bởi hầu hết những người trên máy bay là công dân Iran hoặc có nguồn gốc từ Iran.

Các cuộc biểu tình lan sang các thành phố khác, bao gồm Shiraz, Esfahan, Hamedan và Orumiyeh cho thấy sự bất mãn với chế độ đang lan rộng. Hình ảnh đám đông giận dữ lần này khác biệt rõ rệt so với hình ảnh của một quốc gia thống nhất để tang sau cái chết của chỉ huy hàng đầu Qassem Soleimani, người đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ ở Baghdad, Iraq tuần trước. Sau cái chết của ông, hàng chục ngàn người đã xuống đường ở Tehran, nắm chặt bức ảnh của nhân vật đáng kính này và mạnh mẽ và hô vang "Cái chết phải đến với Mỹ". Sự tôn kính của người dân đối với tướng Soleimani dường như đã đoàn kết người dân Iran từ tất cả các thành phần chính trị.

Nhưng tại các cuộc biểu tình cuối tuần qua, mọi thứ đã khác. Lực lượng an ninh được triển khai tại các khu vực trọng điểm của thủ đô, bao gồm Quảng trường Azadi gần Đại học Sharif, Quảng trường Engrcab gần Đại học Tehran và Quảng trường Ferdowsi. Cảnh sát chống bạo động đi tuần tra cùng với vòi rồng và những xe màu đen đôi khi được sử dụng làm nơi giam giữ di động những người biểu tình quá khích. Nhưng những người biểu tình dường như không hề nao núng.

Thông qua mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ sự ủng hộ của ông dành cho người biểu tình ở Iran. "Chúng tôi đang dõi theo chặt chẽ cuộc biểu tình của các bạn và ấn tượng trước sự dũng cảm của các bạn... Cả thế giới đang dõi theo", ông Trump viết. Thủ lĩnh Phong trào Xanh - phe đối lập của Iran - là ông Mehdi Karroubi, kêu gọi lãnh tụ tối cao, đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei, từ chức vì vụ bắn hạ chuyến máy bay.

Áp lực trong và ngoài nước

Trong phiên họp mở của Quốc hội Iran tại Tehran hôm 12-1, Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, ông Hossein Salami, đã xin lỗi vì vô tình bắn hạ máy bay Ukraine và xin tha thứ. "Chúng tôi đã phạm sai lầm. Một số đồng bào của chúng tôi đã chết vì lỗi của chúng tôi nhưng đó là vô ý", ông Salami nói. "Trong cả cuộc đời tôi, tôi chưa bao giờ xin lỗi nhiều như bây giờ. Chưa bao giờ. Tôi ước tôi đã ở trên máy bay và bị cháy cùng với họ", ông Salami tiếp tục. Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng cho biết Iran "vô cùng hối hận về sai lầm tai hại này" và ông xin gửi “lời cầu nguyện của ông dành cho tất cả các gia đình nạn nhân".

Những lời xin lỗi này hầu như chẳng thể dập tắt các cuộc biểu tình và, trong khi giới lãnh đạo Iran phải đối mặt với sự phản đối của công chúng trong nước, áp lực quốc tế buộc Tehran phải nhanh chóng điều tra vụ tai nạn và những người gây ra lỗi lầm phải chịu trách nhiệm. Những lời chỉ trích mới cũng xuất hiện sau vụ việc Iran bắt giữ tạm thời Đại sứ Anh Rob Macaire hôm 11-1. Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab gọi vụ bắt giữ ông Macaire là "vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế", một nhận định mà Bộ Ngoại giao Đức và Pháp cũng có cùng quan điểm. Sau khi ông Macaire được thả ra hôm 12-1, những người biểu tình đã tập trung bên ngoài Đại sứ quán ở Tehran.

Trong khi đó, Lãnh đạo tối cao Khamenei hôm 12-1 đổ lỗi cho "sự hiện diện của Mỹ và quân đội" gây ra "tình hình hỗn loạn hiện nay" và kêu gọi tăng cường quan hệ giữa các nước trong khu vực. "Tình hình tại khu vực là không thích đáng bởi vì Mỹ và bè lũ của họ, và giải pháp duy nhất để giải quyết điều này là dựa vào hợp tác liên khu vực”, ông Khamenei cho biết tại buổi tiếp Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad al-Thani đang ở thăm Tehran.

AN BÌNH