Bánh mì cá nục kho rục mềm xương
Nhà tôi ở vùng trung du, song chỉ cách trung tâm TP Đà Nẵng khoảng 25 km về hướng Tây. Cứ mỗi buổi sáng, có 2 xe tải nhỏ chở thực phẩm tươi sống lên bán dạo ven QL14G, trong đó có bán nhiều loại cá biển còn tươi như cá chuồn, cá chim, cá tín, cá đuối, cá nục... Sáng nay, tôi mua mấy lạng cá nục tươi xanh về kho rục ăn với bánh mì nướng giòn để nhớ về thời thơ bé trong vòng tay nâng niu của mẹ.
Bánh mì cá nục kho rục ăn rất thơm ngon, lạ miệng. |
Hè về, tiếng ve kêu râm ran báo hiệu mùa cá nục lại về vừa rẻ lại vừa ngon, dành cho người thu nhập thấp cho nên người dân quê tôi thường gọi cá nục là "cá nhà nghèo". Lúc bấy giờ, các bà mẹ quê tha hồ mua cá nục về chế biến các món như kho rim, chiên, nấu canh chua, nướng, hấp cuốn bánh tráng rau muống… Tuy nhiên, ngon nhất vẫn là món cá nục hấp hay cá nục kho rục (kho mềm) để ăn với cơm hay bánh mì là món ngon "nhức nách".
Nhớ lại lúc sinh thời, mẹ tôi thường mua cá nục về chế biến các món ăn, món cá nục hấp được mẹ chế biến như sau: Mẹ chọn mua những con cá nục thật tươi (loại vừa) mang về bóc mang, bỏ ruột, chặt đuôi rồi rửa sạch, để ráo và xếp cá vào cặp lồng (có lót lá chuối), ướp với nước mắm ngon, mì chính (bột ngọt), tiêu, vài lát ớt. Xếp thêm các thứ như cà chua, hành tây thái lát mỏng, xếp hành lá, rau mùi lên trên cá.
Mẹ đậy cái vung lên cặp lồng rồi đặt vào soong hấp cách thủy. Sau 20 phút là cá chín. Lúc này mùi thơm nức mũi bay ra. Cá nục ăn nóng với cơm hoặc cuốn bánh tráng rau sống, nhưng hợp nhất là rau muống non. Xoa nước lên bánh tráng, gắp một con cá (bỏ đầu, cá nục suôn có thể ăn cả xương) và cuốn với rau muống non, chấm với nước mắm ngon pha đường, ớt, tỏi. Nếu nước chấm mặn, có thể pha thêm nước hấp cá vào nước chấm để tăng độ thơm, ngon.
Để nấu món "cá nục kho rục" mềm xương thì mẹ nấu lâu hơn như sau: Sau khi làm sạch cá nục, mẹ cắt cá ra làm 2-3 đoạn cho vừa ăn và xếp cá vào soong ướp cùng với nước mắm ngon, mì chính, tiêu bột, tỏi và ớt giã nhỏ, thêm một muỗng canh dầu ăn, 3 trái cà chua chín đã bỏ hạt xắt nhỏ rãi trên bề mặt của cá. Muốn thơm ngon hơn thì cho tiếp vào soong 1 chén nước dừa tươi và 1 chén nước mía tươi (có thể thay bằng đường) và bắc soong cá lên bếp nấu đến khi sôi thì cho nhỏ lửa để "chế độ" sôi liu riu cho gia vị thấm dần vào cá. Tiếp tục nấu khoảng 3 tiếng cho đến khi chỉ còn lắp xắp nước thì tắt bếp. Nhờ nước dừa tươi và nước mía sẽ làm cho cá rục (mềm) ra nhưng thân cá vẫn không bị rã.
Cá nục kho bở với nhiều hương vị. |
Bánh mì mẹ nướng lại trên than hoa cho giòn và thơm, sau đó mẹ xẻ ổ bánh mì ra và cho cá nục kho rục vào cùng với dưa leo thái dài, hành tây thái dọc, rau thơm, vài lát ớt và kẹp lại và mỗi người cầm mỗi ổ thưởng thức. Mùi thơm bánh mì nướng giòn tan hòa quyện với mùi cá nục (lúc này phảng phất như mùi cá hộp) cùng với hương rau thơm, hành tây, người ăn cắn bánh mì kẹp cá tới đâu ngon tới đó và mong rằng ổ bánh mì cá còn hoài để mà thưởng thức.
Nhớ lại ngày thơ bé, mẹ thường bắc soong kho cá nục trên đống trấu mẹ un để lấy tro trồng rau. Than trấu cháy âm ỉ nóng cả ngày đêm làm cho soong cá nục mẹ nấu thêm thơm ngon, đậm đà, nhất là xương cá mềm nhủn, ăn rất là ngon. Anh em chúng tôi đi học về đói bụng, gắp cá ra ăn với cơm nguội gạo quê thì không gì ngon bằng. Gặp lúc trong nhà có đồng nát, "chai bao dép đứt" mang ra đổi bánh mì về nướng lại trên "than trấu" giòn rụm và ăn với cá nục mẹ nấu thì là món ngon "nhức nách" của tuổi thơ tôi.
Giờ đây, cả nhà tôi quây quần bên nồi cơm thơm mùi gạo mới ăn với cá nục kho bở và cá nục hấp thơm ngon, bùi béo và đầy hương vị kèm với đĩa dưa leo tươi xanh và với bánh mì nướng giòn cũng rất ngon, lạ miệng với nhiều hương vị đặc trưng. Song cái dư vị món ăn cũng không thể nào sánh với món cá nục mẹ kho thời thơ bé. Có lẽ là thiếu bàn tay nâng niu, chế biến của mẹ hiền.
Nay xa quê đã lâu, mái tóc sắp lên màu "sương khói", nhưng mỗi lần mùa cá nục lại về, lòng tôi bâng khuâng nhớ mẹ, nhớ quê, nhớ nồi cá nục kho rục dân dã và những ổ bánh mì nướng giòn tan với nhân là cá nục nấu rục mềm xương tỏa mùi thơm ngào ngạt mà mẹ tôi thường chế biến vào ngày hè lúc tôi còn thơ ấu. Tôi bâng khuâng nhớ về cá kho rục thì ít, nhớ mẹ thì nhiều, hai cái nhớ đó hòa quyện vào nhau trở thành nỗi nhớ mẹ da diết đã theo tôi suốt cả cuộc đời.
Tiên Sa