Bánh mì "Phượng" - từ Hội An ra thế giới
(Cadn.com.vn) - Lâu nay, nhiều du khách trong và ngoài nước thường coi tiệm bánh mì “Phượng” là một trong những địa điểm nhất định phải trải nghiệm khi đến Hội An. Nếu nói ẩm thực thể hiện bản sắc văn hóa thì bánh mì Phượng đã làm được điều này ở cách người chủ thể hiện sự cảm nhận tinh tế về mức độ trong quá trình chế biến, gia giảm nguyên liệu để tạo ra những ổ bánh mì rất... Hội An. Thương hiệu bánh mì Phượng được tạo ra bởi điều đó chăng?
Từ Hội An...
Cha Nam, mẹ Bắc, ngày đất nước thống nhất chị Phượng mới được về Hội An cùng gia đình nhưng “chất” Hội An, Quảng Nam khá đậm trong chị. Gần 30 năm trước, khi tiệm bánh chưa nổi tiếng trên thế giới cho đến bây giờ, chị vẫn là người thích sự rõ ràng, cụ thể, theo kiểu “cái chi ra cái nấy”. Dù nấu ăn cho mình, cho gia đình hay chế biến bánh mì cho khách, chị đều linh hoạt gia giảm nguyên liệu để phù hợp khẩu vị của mỗi người nhưng chị có một nguyên tắc không thay đổi đó là thực phẩm phải sạch sẽ, rõ ràng về nguồn gốc. Chị chấp nhận mua các loại rau, hành với giá cao gấp 2-3 lần từ làng rau Trà Quế, Hội An chứ không mua ở nơi khác. Các loại thịt cũng được chị tự tay chọn cẩn thận, mua giá cao hơn để khi chế biến miếng thịt ngon mà không ngấy. Vào những khi Hội An có dịch bệnh heo, chị có thể ra Đà Nẵng hay đến những địa phương khác không có dịch để mua thịt heo về chế biến nhưng chị chưa một lần làm như vậy. Chị nói: “Đang có dịch bệnh, mình cứ tưởng tượng là đã ăn không ngon rồi, huống hồ khách hàng”. Chị chấp nhận bán số lượng bánh ít đi và thay thế thịt heo bằng thịt gà, hoặc khi gà bị dịch bệnh thì chị thay thế nguồn thực phẩm bằng thịt heo.
Không chỉ nổi tiếng kỹ tính, cẩn thận ở việc lựa chọn nguyên liệu, chị còn chăm chút cho từng phần của mỗi ổ bánh mì để mỗi miếng bánh vừa đậm đà, thấm thía gia vị vừa giữ được hương thơm đặc trưng của từng loại rau, từng loại thịt chế biến theo những cách khác nhau. Trong một ổ bánh mì Phượng, thực khách sẽ được thưởng thức nhiều hương vị phong phú đan xen từ thịt nguội, thịt xíu, chả, jambon, pate, xúc xích, phô mai và đương nhiên không thể bỏ qua các loại nước xốt, mayonnaise đặc chế theo bí quyết riêng của quán. Sự tổng hòa và đa dạng ấy tạo nên cái ngon đặc sắc cho ổ bánh mì Phượng.
Du khách đến mua bánh mì "Phượng". |
...Ra thế giới
Điều làm cho thực khách năm châu nhớ bánh mì Phượng là sự thể hiện cảm nhận về mức độ, về liều lượng của từng loại nhân, từng loại rau mà người phụ nữ này dành cho từng công đoạn chế biến. Không hề quá lời khi nhiều người khách ngoại quốc nói họ được thưởng thức một bản hòa âm vị giác trong một ổ bánh mì mới trông qua tưởng rất phổ biến, phổ thông. Còn nhớ, ngày Hội An bắt đầu đón những du khách quốc tế đầu tiên, ý thức tiệm bánh mì của mình giờ không chỉ phục vụ cho những người Hội An mà còn cho du khách các nước, chị Phượng đã tìm hiểu về sở thích ẩm thực của các quốc gia qua những người thân, qua bạn bè và qua chính những khách hàng ngoại quốc của mình. Để chế biến thực phẩm làm nhân bánh, bên cạnh việc áp dụng kinh nghiệm nấu nướng của ông bà thể hiện ở những câu thành ngữ như “Con gà cục tác lá chanh, con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi”, chị tăng thêm nhiều tỏi, sả vì biết khách nước ngoài đặc biệt thích hai vị này. Khi các loại thịt, các loại nước sốt đã được chế biến xong để làm nhân bánh, chị vẫn tiếp tục linh hoạt điều chỉnh liều lượng của các loại nhân trong từng ổ bánh mì để phù hợp với thực khách đến từ mỗi quốc gia khác nhau. Mỗi ổ bánh mì Phượng là sản phẩm của nghệ thuật ẩm thực sáng tạo không trùng lặp.
Sau khi được đầu bếp danh tiếng thế giới Anthony Boundain ghé ăn, quay phim và giới thiệu "bánh mì ngon nhất Việt Nam” với thế giới, chị càng chăm chút cho từng ổ bánh mì. Nhất là khi chuyển tiệm bánh về nơi khang trang hơn tại số 2-Phan Châu Trinh (Hội An) hiện nay, chị có thể quan sát việc thưởng thức bánh mì của khách ngay tại tiệm nhiều hơn trước, nếu thấy người nào không ăn hết một ổ bánh mì, chị đều đến hỏi tỉ mỉ và trò chuyện thân tình để điều chỉnh và làm ổ khác cho phù hợp với khẩu vị của người đó. Chính sự chiều khách đến mức ấy của cô chủ quán đã tạo ấn tượng đặc biệt về sự thân thiện của cô Phượng nói riêng, của người Hội An nói chung trong lòng du khách.
Ở tiệm bánh mì Phượng không có sự phân biệt giá cả giữa thực khách là người nước ngoài với người Việt Nam, càng không có sự thiên vị ưu tiên phục vụ trước cho khách nước ngoài.
Trộm nghĩ, ổ bánh mì Phượng, với sự thể hiện cảm nhận tinh tế về mức độ trong quá trình chế biến, gia giảm nguyên liệu đã vươn ra thế giới cùng nhiều lời ca ngợi cũng nên gắn với thói quen văn hóa xếp hàng, nhận phiếu đã và đang được thực hiện ở nhiều nơi trong nước và thế giới để tránh những sơ suất không đáng có trong phục vụ, ứng xử, nhờ đó giữ vững hơn nữa thương hiệu bánh mì Phượng không chỉ trong lòng du khách quốc tế mà còn trong lòng mỗi người Hội An, mỗi người Việt Nam khi họ đến đây thưởng thức bánh mì ngon nhất.
Khiếu Thị Hoài