Báo chí đồng hành cùng sự phát triển chung của TP Huế
PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về vai trò, tầm quan trọng cùng những đóng góp của báo chí đối với TP Huế thời gian qua?
Ông Phan Thiên Định: TP Huế là một địa phương rất đặc thù, có nhiều nét đặc biệt hơn so với các địa phương khác. Huế phải làm nhiệm vụ vừa bảo tồn các giá trị di sản giá trị văn hóa, đồng thời cũng phải khai thác để phát triển các giá trị di sản này do đó quá trình triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội cũng cần có sự truyền thông để tạo ra cái sự đồng thuận, tạo ra các sự quan tâm đóng góp ý kiến của người dân. Vì vậy Huế rất cần sự vào cuộc của báo chí và truyền thông.
Trong thời gian vừa qua, TP Huế có rất nhiều thay đổi trong các nhiệm vụ đạt được những kết quả trong việc xây dựng phát triển kinh tế xã hội, ở đó có sự đóng góp rất quan trọng của báo chí truyền thông. Thời gian qua, đã có rất nhiều vấn đề được đặt ra với sự đóng góp rất lớn của hệ thống cơ quan báo chí thu hút được các tầng lớp nhân dân, tri thức, doanh nghiệp cùng chung tay đóng góp và nhiều ý kiến phản biện. Bên cạnh đó báo chí đã giúp cho chính quyền ở Huế thấy được nhiều góc nhìn đa chiều, đưa ra các chính sách phù hợp với sự phát triển phù hợp với mong đợi của những người Huế và cũng như những người yêu Huế. Tôi cho rằng để tạo ra sự đồng thuận của người dân trong sự phát triển của Huế là hết sức quan trọng, và điều đó là nhờ sự góp phần rất lớn của báo chí trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Có thể khẳng định, trong bất cứ thời kỳ nào, tinh thần sẵn sàng cống hiến của đa số những người làm báo ở Huế cũng luôn luôn được phát huy; các cơ quan báo chí trên địa bàn TP Huế thật sự là cầu nối giữa chính quyền và người dân, từ đó tạo sự đồng thuận của người dân trong thực hiện những chủ trương, quyết sách hiệu quả.
PV: Theo ông, định hướng công tác thông tin, tuyên truyền của báo chí và các nền tảng truyền thông khác trong thời gian tới cần tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào?
Ông Phan Thiên Định: Trong thời gian tới, báo chí cần cần tập trung trong việc quảng bá các hình ảnh các gía trị văn hóa lịch sử của Huế đến với mọi người trong nước và quốc tế. Vừa qua tỉnh cũng đã tổ chức kỉ niệm 30 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế - Di sản Văn hóa đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới và 10 năm sau đó, là Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam. Xác định đây là giá trị hết sức đặc trưng của Việt Nam mang tầm khu vực và mang tầm quốc tế cho nên việc lan truyền và lan tỏa các giá trị này hết sức quan trọng, qua chương trình cũng thu hút các nguồn khách tham gia du lịch và để đầu tư vào các hoạt động du lịch dịch dịch vụ. Qua đó có thể tìm hiểu thêm các tiềm năng khác thế mạnh của Huế như: Kinh tế, văn hóa, du lịch, giáo dục, sản xuất công nghiệp, công nghệ cao… cũng là động lực để phát triển kinh tế của địa phương.
Một nhiệm vụ nữa cũng rất quan trọng đó là tuyên truyền, để mọi người đồng cảm, chia sẻ và hỗ trợ, để Huế có thể tiếp tục thực hiện tốt vấn đề nhiệm vụ Chính trị đã được đặt ra của theo nghị quyết 54 của bộ Chính trị đó là đưa Tỉnh Thừa Thiên- Huế lên thành phố trực thuộc Trung Ương trước năm 2025. Hiện nay toàn tỉnh cũng đang dốc sức tập trung vào các nhiệm vụ này, và khi để đạt được mục tiêu này thì chắc chắn tỉnh Thừa Thiên -Huế cũng cần hỗ trợ rất nhiều từ báo chí để tạo ra một cái chuyển đổi về chất cũng như là lượng trong quá trình phát triển của tỉnh tạo ra bước ngoặt mới trong cái sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới.
PV: Ông nhìn nhận như thế nào về phẩm chất, đạo đức người làm báo trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ?
Ông Phan Thiên Định: Tôi nghĩ cái quan trọng nhất không phải những người làm báo mà của tất cả những người làm truyền thông, báo chí nói riêng và nói chung tất cả chúng ta khi ứng xử trên không gian mạng, tôi nghĩ cái đầu tiên quan trọng nhất đó chính là cái tâm, thật sự trong sáng hướng đến mục tiêu lợi ích chung cho tổng thể cho cộng đồng, cho vùng đất cho sự phát triển của địa phương cũng như quốc gia. Không vì những lợi ích riêng mà có thể giật tít câu view, làm ảnh hưởng tạo ra những suy nghĩ lệch lạc về con người về vùng đất, về các chính sách mà nó vốn dĩ là phù hợp cho sự phát triển đó. Tôi nghĩ cái tâm của nhà báo và phóng viên rất quan trọng đây là vấn đề đạo đức cũng như là vấn đề kĩ năng trong nghiệp vụ của người làm báo.
Mặt khác, hiện nay mạng xã hội phát triển quá mạnh, nhiều thông tin, có những thông tin chuẩn xác, lành mạnh, nhưng cũng có không ít thông tin với mục đích xấu. Một số người làm báo thiếu sự kiểm chứng, thiếu tính chuyên nghiệp và thậm chí tùy tiện trong khai thác thông tin mạng xã hội, sa lầy vào những thông tin mang tính chất tầm thường, giật gân. Bên cạnh đó, do đặc thù của mạng xã hội nên thông tin lan tỏa với tốc độ chóng mặt đã tác động tiêu cực đến tâm lý xã hội, làm cho người dân tiếp cận thông tin không chuẩn mực bị phân tâm, hoang mang hay hiểu sai về chính sách, chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước.
Đối với TP Huế, trong những năm qua, báo chí và đội ngũ những người làm báo luôn đồng hành cùng với sự phát triển chung của thành phố. Hầu hết các cơ quan báo chí trên địa bàn TP Huế rất chú trọng xây dựng một đội ngũ nhà báo chuyên nghiệp với phương pháp, kỹ năng, tác phong làm báo phù hợp, cách viết hiện đại, sáng tạo, hấp dẫn nhằm thu hút được sự quan tâm của người đọc. Do đó, các cơ quan báo chí đã thể hiện được dòng chảy chính trong quá trình xây dựng và phát triển TP Huế, thực sự là cầu nối giữa chính quyền thành phố và người dân Huế.
PV: Kỳ vọng của ông nói riêng, của TP Huế nói chung đối với báo chí, trong đó có Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng?
Ông Phan Thiên Định: Đảng bộ và chính quyền TP Huế luôn xác định báo chí, truyền thông là một trong những lĩnh vực hết sức quan trọng trong quá trình chỉ đạo, điều hành và phát triển của Huế. Theo đó, Đảng bộ, chính quyền TP hết sức coi trọng vai trò của báo chí. Cùng với sự phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ toàn diện về loại hình, số lượng, hình thức, công nghệ và đội ngũ người làm báo…, vai trò, đóng góp và sức ảnh hưởng xã hội của báo chí đối với xã hội ngày càng lớn, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của các cơ quan báo, đài và cơ quan báo chí Trung ương, địa phương khác đã ký kết hợp tác truyền thông với TP Huế. Vì vậy, lãnh đạo TP Huế mong muốn các cơ quan báo chí, trong đó có Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng sẽ tiếp tục đồng hành cùng TP trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và của TP đến với người dân; chú trọng đổi mới hình thức, nâng cao chất lượng nội dung các tin, bài, phóng sự; không ngừng đổi mới, sáng tạo trong việc khai thác các đề tài liên quan đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa, con người của Huế.
Để chính quyền và báo chí có mối quan hệ thân thiết, đồng hành trong thời gian tới, TP Huế cũng như tỉnh Thừa Thiên- Huế cần có những nỗ lực thay đổi thông qua các cơ chế cung cấp thông tin. Việc chia sẻ thông tin sẽ cởi mở và chủ động hơn giữa chính quyền với báo chí. Từ đó Chính quyền và báo chí cùng nhau thảo luận chia sẻ vấn đề đúng bản chất để định hướng dư luận, cách thức truyền thông một cách hợp lý và phù hợp nhất.
PV: Xin cảm ơn ông!
Thực hiện: Hầu Tỷ