Báo chí không ngừng đổi mới, sáng tạo, đồng hành cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới
Ngày 21-4, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam 21-4 (1950-2025); Hội nghị toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam năm 2025 và sơ kết 4 năm thực hiện Quyết định số 558/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí.
Tiếp tục nâng cao vị thế báo chí cách mạng
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Dân vận và Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã ôn lại chặng đường vẻ vang 75 năm hình thành và phát triển Hội Nhà báo Việt Nam - từ ngày đầu thành lập tại xóm Roòng Khoa, xã Ðiềm Mặc, huyện Ðịnh Hóa, tỉnh Thái Nguyên, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Bác Hồ đến vai trò to lớn của Hội trong kháng chiến, xây dựng đất nước và thời kỳ đổi mới.
Trong suốt hành trình lịch sử, Hội Nhà báo Việt Nam không chỉ là mái nhà chung của những người làm báo mà còn là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa đồng hành cùng dân tộc trong các cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất và kiến thiết đất nước.
Chia sẻ tại lễ kỷ niệm, đồng chí Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương khẳng định vai trò quan trọng của Hội Nhà báo Việt Nam trong 75 năm đồng hành cùng cách mạng, là "ngôi nhà chung" của người làm báo; biểu dương những thành tựu nổi bật của Hội Nhà báo Việt Nam trong năm 2024, nhấn mạnh yêu cầu đổi mới mạnh mẽ trong kỷ nguyên số và kêu gọi tiếp tục nâng cao vị thế báo chí cách mạng, hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Theo đồng chí Phan Xuân Thủy, trong giai đoạn quan trọng này, khi đất nước đứng trước cơ hội lịch sử để bứt phá, báo chí cũng phải vươn mình thay đổi, đồng hành cùng đất nước. Báo chí trong kỷ nguyên mới phải sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu của công chúng, theo kịp sự phát triển của thời đại, công cuộc chuyển đổi số của đất nước. Đặc biệt, với vai trò của mình, Hội Nhà báo Việt Nam cần tiếp tục là lực lượng nòng cốt trong việc kiến nghị cơ chế, chính sách phát triển báo chí, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ làm báo chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại...
Thứ trưởng Thường trực Bộ VH-TT&DL Lê Hải Bình nhấn mạnh: Các nhà báo Việt Nam đang sống và làm việc trong những ngày có ý nghĩa lịch sử đặc biệt. Những biến động sâu rộng của đất nước trong thời gian qua, điển hình là việc triển khai Nghị quyết 18 về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cùng với việc xây dựng Luật Báo chí sửa đổi với nhiều điểm mới mang tính đột phá, đã tạo ra một giai đoạn chuyển giao quan trọng.
Theo đồng chí Thứ trưởng, đây là thời điểm hội tụ mọi yếu tố tác động đến báo chí trên mọi phương diện: Từ cách thức tác nghiệp, nội dung truyền tải thông tin đến đời sống của những người làm báo, cơ cấu tổ chức, cơ chế vận hành của các cơ quan báo chí...
Đề xuất tăng gấp đôi ngân sách hỗ trợ báo chí chất lượng cao
Tại Hội nghị sơ kết thực hiện Quyết định số 558/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí (gọi tắt là Chương trình), đại diện Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao đối với Hội Nhà báo các địa phương là 27,7 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, Chương trình đã hỗ trợ trực tiếp cho trên 4.000 lượt tác giả là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam ở các địa phương và nhận được 4.263 tác phẩm báo chí chất lượng cao.
Tuy nhiên, hiện một số tỉnh còn “trắng” nguồn hỗ trợ; một số Hội Nhà báo được phân bổ kinh phí nhưng không giải ngân hết; có 41 đơn vị báo chí ở Trung ương được phân bổ kinh phí nhưng không thực hiện.
"Trong bối cảnh tình hình chính trị - kinh tế thế giới ngày càng biến động phức tạp, nhiệm vụ đối với báo chí càng ngày càng nặng nề, khó khăn với nhiều đặc thù mới, các cấp Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí và người làm báo trong cả nước đều có nguyện vọng chung mong muốn Nhà nước cho phép tiếp tục thực hiện và mở rộng Chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao sang giai đoạn 2026-2030 với ngân sách tăng gấp đôi mức hiện tại; bổ sung cơ chế đặc thù hỗ trợ trực tiếp cho nhà báo tác nghiệp tại vùng thiên tai, dịch bệnh, địa bàn chiến lược về an ninh - quốc phòng và cho phép thành lập Quỹ Phát triển tài năng báo chí trẻ từ nguồn kinh phí hỗ trợ, tập trung đào tạo thế hệ nhà báo kế cận” - nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đề xuất.
CAND