Báo chí trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Ngày 28-12-1953, Báo Quân đội nhân dân (QĐND) ra số đầu tiên xuất bản ở mặt trận, phát hành tại Thẩm Púa (số 116 lấy theo số báo ở hậu phương). Thời kỳ đầu báo ra 2 trang cách 4 - 5 ngày ra một số, bài và tin thường ngắn gọn chỉ khoảng 200 – 1.000 chữ nhưng chứa lượng thông tin rất lớn. Đầu tháng 3-1954, hòa theo sự phát triển của chiến dịch, báo ra 3 ngày rồi 2 ngày một số; thậm chí có lúc ra hàng ngày. Lúc này, nhịp độ ra báo do nhịp thở của chiến trường quy định và nó tập trung phản ánh theo các giai đoạn của chiến dịch như: giải phóng Lai Châu, giai đoạn bao vây địch và chuẩn bị tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Do thời gian làm công tác chuẩn bị tiến công tương đối dài (chuyển từ phương án “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”), từ ngày 21-1 đến 13-3, Báo QĐND đặc biệt chú trọng đến những vệt bài lãnh đạo tư tưởng của Bộ Chỉ huy chiến dịch. Trong số đó, đáng chú ý có các bài Quyết tâm phải thực thà sâu sắc (số 123), Làm thế nào để kiểm tra vũ khí cho có kết quả (số 128), Mấy khuyết điểm trong công việc lãnh đạo tư tưởng (số 129)... Loại bài này thường bám sát những vấn đề cập nhật đời sống và hoạt động hàng ngày của bộ đội, phù hợp với nhận thức của người lính ở mặt trận.
Ngoài tin, bài phản ánh về tình hình chiến dịch, tin tức chiến sự trên các chiến trường, thông tin về hoạt động ở hậu phương, các bài bình luận quân sự, các chỉ đạo, động viên của Trung ương (trong đó có thư chúc Tết của Bác Hồ), các bài viết mang tính định hướng tư tưởng cho CBCS, các bài trao đổi, hướng dẫn công tác..., một thể loại khá phổ biến và xuất hiện đều trên các số báo QĐND tại mặt trận Điện Biên Phủ là các bài phản ánh cuộc sống sinh hoạt của bộ đội ở ngoài trận địa. Sau bài Ra sức trông nom sức khỏe ăn, ngủ cho bộ đội (số 123), Báo QĐND liên tục nhiều bài trao đổi những kinh nghiệm cải thiện đời sống cho bộ đội như đào củ mài, kiếm rau rừng, làm giá đỗ... Đáng chú ý có các bài Nên tìm rau ăn mát ruột (số 122), Giữ vững và bồi dưỡng lực lượng chiến đấu (số 123), Kinh nghiệm ngâm giá (số 124), Vì sao có nhiều anh em ốm (số 125), Chuyện rau thịt ở đơn vị (số 127), Sinh hoạt ngoài trận địa bao vây (số 128)... Chẳng hạn, Báo số 124 ra ngày 22-2- 1954 có bài Phát triển ngâm giá thay rau xanh giới thiệu một cách bổ sung chất tươi (sinh tố) vì bộ đội vốn thiếu rau xanh. Bài viết nêu: “Để đỗ lên mầm dài, giá mập càng tốt. Nếu không, mầm nhu nhú một chút cũng được, vì cũng thêm một số chất tươi. Sợ trời lạnh đỗ không mọc mầm, có thể sau khi cho giá xuống nước đem để gần bếp cho nóng ấm đỗ có thể mọc mầm được”.
Báo số 125 ra ngày 24-2-1954 có bài Có công đào đất có xôi củ mài giới thiệu kinh nghiệm cải thiện bằng cách đào củ mài. “(...) Phong trào đào củ mài ngày một phát triển rầm rộ. Các đơn vị đều tích cực lựa chọn anh tài tổ chức các tổ củ mài chuyên nghiệp. Thành tích tăng năng suất được coi như thành tích đào đường. Các đơn vị đã chọn được những đồng chí đã trải qua 8 năm sống với nghề đào củ mài làm tổ trưởng. Do đó trong 10 ngày toàn đơn vị đã đào được 46 tạ. Chưa thỏa mãn, giá có thịt nữa thì hay. Chiến sĩ nghĩ vậy là bắt tay làm bẫy rải khắp rừng ngay. 9 con gà rừng, 2 con chim, 2 con sóc sa vào bẫy kêu inh ỏi báo tin thắng trận đầu tiên. Mang về hầm với củ mài thơm ngào ngạt”.
Báo số 127 ra ngày 3-3-1954 có bài Chuyện rau thịt ở đơn vị, kể đơn vị nọ luôn chủ động tìm ra những thức mới để cải thiện. Đơn vị lúc thì tìm ra rau muống mèo, rau má, cải soong, nõn bông sa nhân..., lúc lại phát hiện cần rừng, lá lốt, riềng, nõn chuối... Còn chuyện thịt thì phức tạp hơn: lúc đầu có thịt, anh em muốn ăn ngay, thà sau đó chịu thiếu, nhưng bị kiểm thảo về ăn uống bừa bãi. Có người nghĩ ra cách ninh thịt cho nhừ và khô lại, bỏ thêm muối, vừng để ăn dần, có khi đến cả tuần... Bài viết kết luận rất phấn khởi: “Cấp trên săn sóc, anh nuôi tận tâm; cả đại đội lo lắng, lính còn là khỏe lên, Tây còn là chết nhiều”...
Báo số 128 ra ngày 5-3-1954 có bài Vài nét sinh hoạt ngoài trận địa bao vây giới thiệu về cách tổ chức một hầm sao cho thoải mái, sạch sẽ, tiện lợi. Từ ý kiến của anh em “Thằng giặc trước mắt ta cũng ở hầm. Nhưng hầm nó bẩn thỉu hôi hám, giặc rúc vào đó mà vẫn lo vẫn sợ. Hầm của quân ta phải khác hẳn”, thế là hầm được lót sàn tre, trải lá lên trên, mắc được màn... Rồi chuyện đào bếp Hoàng Cầm ngay bên hầm súng để nấu nước cho anh em uống, rồi có cả bếp bằng cách khoét hàm ếch sâu vào trong núi... Còn nước thì lấy túi ni lông cuộc vào sọt để gánh... Rồi chuyện lần lượt thay nhau về hậu cần tắm giặt, mang thêm nước để đánh răng, rửa mặt...
Số 141 có bài Không chịu sống lúi xùi nói về quyết tâm phải bình thường hóa sinh hoạt ở trận địa của các đơn vị. Bài viết nêu 3 vấn đề mà các đơn vị bộ đội đã quyết tâm cải thiện: “Trước nhất, lo củng cố công sự ngủ. Mỗi ngày để ra nửa giờ để khoét cho công sự sâu và rộng thêm. Đất moi ra lại đắp lên nắp cho thêm chắc, chỉ 3 buổi là xong. Anh em được ngủ yên tâm và thoải mái. Thứ hai đến vấn đề nước ăn, nước rửa. Mọi khi anh nuôi ngoài công tác nuôi quân còn tham gia thêm công tác xây dựng trận địa. Nay quyết để anh em nghỉ. Ngoài giờ nấu nướng, anh em đào thêm giếng. Giếng cũ đào ngay chỗ vũng lầy nên nước bẩn. Bây giờ chịu tốn sức đào dịch về phía chân đồi để lấy nước mạch. Đào càng sâu mạch càng nhiều, càng tốt. Mỗi hôm anh em đào thêm một giếng. Đến bây giờ gần đủ mỗi tiểu đội một giếng, anh em có nước rửa và có thể thay phiên nhau tắm giặt được. Thứ ba đến việc tổng vệ sinh hầm. Lấp một loạt hố tiêu, hố giải cũ, đào một loạt mới, quét rác rưởi trong hào. Những quãng hào khó đi được sửa sang lại, chỗ hẹp thì xén rộng, chỗ dốc thì đánh bậc, làm tay vịn. Đi lại trong hào đã dễ dàng, không còn tình trạng phải bám rễ cây leo như vượn hoặc hai người gặp nhau phải tránh nhau...”.
Các kinh nghiệm đó được giới thiệu khá đều đặn, đa dạng về lĩnh vực, phong phú về chuyện kể... có tác dụng tích cực để giúp các đơn vị điều chỉnh cách sinh hoạt của mình.
Trong các số đều có những bài viết về gương chiến đấu sinh động như Chiến sĩ chống bom nổ chậm (số 123), Dũng sĩ Hoàng Văn Đô (số 123), Đồng chí Hoàng Văn Nô, người dũng sĩ đâm lê (số 123), Lưỡi lê và lựu đạn lao thẳng vào quân thù (số 126), Đồng chí Vượng với 1 súng trường đã bắn chết 15 địch (số 134), Đồng chí Vọng quên mình cấp cứu thương binh (số 137), Đồng chí Hướng, một tân binh dũng cảm (số 138)...
Cùng với những nội dung mang tính giáo dục tư tưởng, chính trị, các bài trao đổi kinh nghiệm, phản ánh đời sống, sinh hoạt của bộ đội đã có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao sinh hoạt và chiến đấu, tạo nên sức khỏe cả tinh thần và thể chất để chiến đấu hăng hái hơn, hiệu quả hơn.
Tại hội nghị Tuyên huấn toàn quân lần thứ ba, báo cáo tổng kết công tác tư vấn từ năm 1951 đến năm 1954 đã nêu rõ: “Báo chí đã định rõ được tính chất, nhiệm vụ, đối tượng và thể tài. Tờ QĐND là tờ báo của toàn quân có nhiệm vụ lãnh đạo tư tưởng, động viên chính trị, chỉ đạo công tác, phản ánh sinh hoạt và đối tượng chính là cán bộ trung, đại đội...”.
Nguyễn Minh Hải