Báo động nạn tự tử do trầm cảm
(Cadn.com.vn) - Như tin đã đưa, khoảng 12 giờ ngày 24-5, người dân thôn Trà Đông (xã Duy Vinh, H. Duy Xuyên) bàng hoàng phát hiện thi thể vợ chồng ông Nguyễn Tấn Đẩu (1954) và bà Nguyễn Thị Sán (1957) treo cổ quyên sinh trong nhà cha ông Đẩu. Chỉ nửa tháng trước, ngày 10-5, con trai của 2 vợ chồng trên là Nguyễn Văn An (1989) cũng đã tự tử bằng dùng dao. Có mặt tại thôn Trà Đông, chúng tôi chứng kiến đám tang của vợ chồng ông Đẩu diễn ra lặng lẽ. Thôn Trà Đông cũng chính là làng du lịch cộng đồng Trà Nhiêu nay bỗng nhiên vắng lặng hơn mọi ngày. Bà M. (hàng xóm gần nhà ông Đẩu) cho biết: “Sáng hôm đó 2 vợ chồng mượn xe của tôi nói đi về nhà cũ (nhà cha ông Đẩu) thắp hương. Thấy thái độ của họ cũng bình thường nên tôi đâu có nghĩ họ có ý định tự tử. Tôi còn nhắn Trang, con út ông Đẩu nấu cơm cho ba mẹ về ăn trưa chứ ba mẹ đi rồi. Ai ngờ”. Bà M. cho biết thêm, trước những cái chết liên tiếp trong gia đình ông Đẩu, người dân thôn Trà Đông rất hoang mang: “Chuyện riêng của gia đình họ mình không biết nhưng sự việc quá thương tâm khiến không khí xóm làng chùng hẳn xuống. Hồi thằng An bị bệnh ở đây cũng nghĩ do công việc áp lực này nọ thôi chứ đâu nghĩ nó bị trầm cảm đến mức như vậy”.
Theo lời hàng xóm nhà ông Đẩu, vợ chồng ông có 4 người con trong đó 2 người con lớn đã có gia đình và định cư tại TPHCM. Ông Đẩu làm nông còn bà Sán buổi sáng có đi bán bánh mỳ thêm. Con gái út ông Đẩu là Nguyễn Thị Trang đang theo học đại học tại TPHCM về đám ma anh trai vẫn chưa nhập học trở lại thì tiếp tục phải đón nhận cái chết của cha mẹ. Đối với Nguyễn Văn An vốn là kỹ sư nhưng qua một thời gian đi làm An có dấu hiệu bị trầm cảm, không tiếp xúc và nói chuyện với ai. Nhiều người nhận định, có lẽ An bị trầm cảm quá nặng dẫn đến hành động tiêu cực. Nói về vụ việc thương tâm trên, ông Nguyễn Sáu – Chủ tịch UBND xã Duy Vinh cho rằng, gia đình ông Đẩu vốn hiền lành tuy nhiên có lẽ gia đình họ gặp phải vấn đề khó khăn bế tắc trong cuộc sống không tự giải quyết được mới dẫn đến hành động dại dột.
“Ngay sau khi được người dân thông báo về vụ tự tử trên chính quyền xã cho giữ nguyên hiện trường báo CAH Duy Xuyên đến khám nghiệm. Gia đình ông Đẩu vốn làm nông, không có xích mích với ai. Hiện chúng tôi đang chờ kết luận điều tra của cơ quan CA” - ông Sáu cho biết.
Các vụ tự tử trên không phải là riêng biệt xảy ra trên địa bàn xã Duy Vinh. Năm 2014, cũng tại thôn Trà Đông, nữ sinh H.T.M.H, 18 tuổi là sinh viên năm nhất một trường đại học tại Đà Nẵng đã treo cổ tự vẫn tại nhà vì trầm cảm. Nhà của nữ sinh H. chỉ cách nhà ông Đẩu chưa đầy 1 km. Cũng trong ngày 11-4 vừa qua, em Lê Trung Mỹ (trú xã Duy Phước, H. Duy Xuyên) đã nhảy cầu Câu Lâu tự tử. Mỹ cũng là nạn nhân của bệnh trầm cảm. Những cái chết liên tiếp trong thời gian qua gợi nhớ tháng 3-2014, chị Giang Thị Mỹ Diệu (1987, H. Phú Ninh, Quảng Nam, giáo viên mẫu giáo) dẫn 2 con nhỏ về nhà ngoại chơi nhưng sau đó chị đã dẫn con ra hồ Phú Ninh rồi 3 mẹ con tự tử do áp lực, bế tắc trong cuộc sống.
Theo thống kê, mỗi năm tại Việt Nam có 40.000 người tự sát, trong số đó có hơn 30% mắc bệnh trầm cảm. Đa số các trường hợp tự sát do bệnh nhân cảm thấy mình vô dụng, tội lỗi, không xứng đáng sống. Đây là những dấu hiệu của bệnh trầm cảm. Việc điều trị trầm cảm gặp nhiều khó khăn do phần lớn người bệnh không biết mình bị mắc bệnh nên thường điều trị tại các chuyên khoa khác trước khi đến chuyên khoa tâm thần. Thực trạng trên gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng tự tử do bệnh trầm cảm. Nhất là khi số tuổi mắc căn bệnh này ngày càng trẻ hóa. Các hội, đoàn thể địa phương cần sâu sát, quan tâm hơn nữa đến những gia đình, cá nhân trên địa bàn kịp thời giúp đỡ hỗ trợ khi cần thiết. Bên cạnh đó, vai trò của gia đình, người thân cũng vô cùng quan trọng trong việc phát hiện và giúp người bệnh vượt qua giai đoạn khó khăn.
Đồng Dao