Báo động thực trạng ô nhiễm sông Hoài

Thứ năm, 11/09/2008 00:00

(Cadn.com.vn) - TP Hội An đang được định hướng xây dựng thành một đô thị văn hóa - du lịch - sinh thái, trung tâm du lịch, dịch vụ, thương mại của tỉnh Quảng Nam và là một trong những trung tâm du lịch của khu vực trọng điểm miền Trung. Song, chất lượng môi trường của TP Hội An đang có dấu hiệu ngày càng xấu đi, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Hoài, nhất là khu vực Chùa Cầu, gây bức xúc cho chính quyền địa phương và người dân. Thực trạng này không chỉ làm giảm sút chất lượng của ngành Dịch vụ du lịch mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe của cộng đồng dân cư.

Theo kết quả khảo sát của Phòng Tài nguyên - Môi trường Hội An, tình trạng nước sông Hoài bị ô nhiễm là do nguồn nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư, các nhà hàng, khách sạn và từ các hoạt động dịch vụ, du lịch khác. Môi trường xả thải chủ yếu là thải ra đất và trực tiếp ra hệ thống sông ngòi, kênh rạch của thành phố, lượng nước thải sinh hoạt phát sinh hằng ngày ở khu vực nội thị Hội An lên đến hơn 8.310m3. Trong khi đó, chỉ tính riêng lượng nước thải từ hoạt động du lịch của Hội An đã lên gần 8.590m3.

Kết quả khảo sát của Phòng Tài nguyên - Môi trường cũng cho biết, chất lượng nước thải của hầu hết các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn Hội An không đạt tiêu chuẩn môi trường, trong đó thông số quan trọng nhất và đặc trưng cho loại nước thải sinh hoạt là BOD5 vượt 3,5 lần tiêu chuẩn TCVN 6772: 2000. Chỉ tính riêng tại Chùa Cầu, mỗi ngày khu vực này “tiếp nhận” khoảng hơn 2.200m3 nước thải từ hệ thống mương thoát nước thải của 3 phường Minh An, Cẩm Phô, Tân An (Hội An) với số lượng dân cư thường xuyên xả thải nước thải sinh hoạt vào khoảng 12 nghìn người và 28 khách sạn (700 phòng, tương đương 1.050 khách), 3 nhà hàng lớn cùng nhiều nhà hàng nhỏ.

Khu vực Chùa Cầu-nguồn nước đang bị ô nhiễm nặng.

Hiện nguồn nước sông Hoài đang bị ô nhiễm nặng, nhất là đoạn gần khu vực Chùa Cầu với tình trạng dòng nước bốc mùi xú uế rất nặng và chuyển màu đen ngòm. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng thoát nước và xử lý nước của Hội An lại rất kém. Hiện hệ thống thoát nước ở đây vẫn đang thu chung cả nước mưa lẫn nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp và các loại nước thải công cộng khác. Tổng chiều dài hệ thống mương rãnh thu gom nước khoảng 11.600m nhưng chỉ 50% các tuyến rãnh có chất lượng đáp ứng được yêu cầu, số còn lại coi như “xả tràn” chảy theo địa hình tự nhiên hoặc thấm xuống đất...

Thực trạng ô nhiễm nguồn nước tại sông Hoài không chỉ ảnh hưởng lớn đến mỹ quan đô thị mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước dưới ngầm tại một số khu vực như Cẩm Hà, Thanh Hà... và làm xấu đi hệ sinh thái trong khu vực. Nước thải tại các khu đô thị chưa được xử lý đổ trực tiếp ra sông làm biến đổi chất lượng nguồn nước và nghiêm trọng hơn nếu tình trạng này không được khắc phục sẽ làm hạn hẹp dần nguồn lợi về tiềm năng du lịch sinh thái của địa phương. Hằng năm, TP Hội An phải chi hàng trăm triệu đồng cho công tác xử lý nước tạm thời tại khu vực Chùa Cầu nhưng đó cũng chỉ là biện pháp đối phó.

Đến nay Hội An vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung nên phần lớn nước thải từ khu dân cư, các nhà hàng, khách sạn và các hoạt động sản xuất kinh doanh khác chỉ được xử lý sơ bộ rồi xả thẳng vào hệ thống thu gom chung của TP. Song, hầu hết các công trình xử lý nước thải cục bộ nêu trên không đảm bảo tiêu chuẩn môi trường nên nước thải chưa được xử lý triệt để vẫn xả ra ngoài môi trường.

Tại Hội thảo “Giải pháp cho vấn đề nước thải sinh hoạt trong quá trình xây dựng thành phố sinh thái” do UBND TP Hội An phối hợp cùng Tổ chức JICA (Nhật Bản) tổ chức vào ngày 16-8 vừa qua, các chuyên gia môi trường Nhật Bản đã đánh giá tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực Chùa Cầu nói riêng và sông Hoài nói chung đến mức báo động. Để có giải pháp khắc phục và giảm thiểu tình trạng ô nhiễm này, Hội An cần phải đầu tư tiền của và thời gian, theo đó có 5 phương pháp được đưa ra gồm: cần xây dựng khu xử lý nước thải, rác thải tập trung; xử lý riêng biệt các nguồn nước thải ngay từ đầu ra trước khi thải ra hệ thống chung dẫn đến trung tâm xử lý tập trung; giảm lượng ô nhiễm nguồn nước bằng cách pha loãng nguồn nước; phát động người dân ý thức bảo vệ môi trường và cuối cùng là quan trắc môi trường để nắm rõ tình trạng nguồn nước, từ đó có phương pháp điều chỉnh ô nhiễm. Hiện tại, Hội An đã khởi động dự án bảo vệ môi trường trị giá 10,9 triệu EUR từ nguồn vốn ODA của Pháp.

Dự án này sẽ tiến hành xây dựng 1 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt với công suất 6.700 m3/ngày-đêm, 1 nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, chất thải rắn công suất 56,7 tấn/ngày-đêm và trạm xử lý rác thải và nước thải bệnh viện quy mô 300 giường cùng dịch vụ kỹ thuật tại Bệnh viện Hội An. Như vậy, nếu nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đi vào hoạt động cũng chỉ có thể xử lý hơn 50% lượng nước thải của TP, theo tính toán đến năm 2020 thì dự án này chỉ xử lý đạt 25% lượng nước thải từ nội thị.

Vấn đề được đặt ra lúc này là cần có những giải pháp lâu dài và triệt để thì hệ thống sông ngòi nơi đây, đặc biệt là dòng sông Hoài mới tránh được nguy cơ biến thành dòng sông chết.

Q.P