Bảo tồn đàn voi nhà ở Đắc Lắc: Cho voi sinh sản tự nhiên
(Cadn.com.vn) - Đắc Lắc hiện còn 51 con voi nhà, trong đó ở H. Buôn Đôn 30 con, H. Lăk 21 con. Trong số voi nhà còn lại thì có một nửa trong độ tuổi sinh sản. Số voi này thuộc sở hữu của các công ty du lịch và người dân. Đứng trước nguy cơ tiệt chủng voi nhà, tỉnh Đắc Lắc vừa đưa ra Đề án bảo tồn voi. Theo đề án, voi nhà Đắc Lắc sẽ được tạo điều kiện hết mức để... sinh sản. Lâu nay, theo tập tục của người bản địa, nếu voi đực làm bị thương voi cái thì chủ voi bị phạt đền rất nặng. Để không bị vạ vào thân, chủ voi đực đã cách ly hoàn toàn với voi cái.
Do đó, 20 năm nay, voi nhà ở Đắc lắc hoàn toàn không sinh sản. Theo TS Cao Thị Lý, Trưởng bộ môn Quản lý tài nguyên rừng & môi trường (Khoa Nông lâm nghiệp, ĐH Tây Nguyên), điều này gây khó khăn lớn trong việc giúp voi nhà tìm lại bản năng sinh sản. “Trong thời gian dài, bản năng sinh sản không được đáp ứng khiến tập tính sinh sản của voi nhà thay đổi”, TS Lý phân tích. Theo TS Lý, trước hết cần xây dựng một khu vực tập trung để voi có thể làm quen, kết bạn với nhau rồi đi đến giao phối. Khu vực này phải có sinh cảnh giống với điều kiện sống tự nhiên của voi, có thức ăn phong phú. Hơn hết là phải đảm bảo an toàn và kín đáo.
![]() |
Voi nhà bị xiềng xích, khai thác kiệt quệ cho du lịch. |
Đề án cũng thực hiện chính sách tài chính rộng mở để chủ voi đồng ý đưa voi về rừng. Theo đó, cả chủ voi lẫn voi sẽ được Nhà nước trả tiền trong quá trình sinh sản này. Nếu voi mang thai thì quá trình trả tiền kéo dài đến khi sinh hạ voi con. Không mất đi thu nhập từ voi mang lại mà voi còn được nghỉ ngơi, chăm sóc tốt nên tất cả nài voi đều hồ hởi hưởng ứng. Đồng thời, Trung tâm bảo tồn voi Đắc Lắc sớm chuẩn bị nhân lực bằng cách cho nhân viên đi tập huấn chăm sóc voi tại Thảo cầm viên Sài Gòn. Tương lai, sẽ cử cán bộ sang các nước thành công trong bảo tồn voi như
PGS. TS Bảo Huy (bộ môn Quản lý tài nguyên rừng & môi trường, Khoa Nông lâm nghiệp, ĐH Tây Nguyên) đã dành rất nhiều tâm sức để xây dựng Đề án. Ông khẳng định: “Voi nhà sinh sản là việc làm được, nhưng phải khẩn trương, bởi trong 5–10 năm nữa, voi nhà ở Tây Nguyên sẽ hết tuổi sinh sản”. Vừa giúp voi sinh sản, nhân số lượng cá thể nhưng cũng phải lưu giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống liên quan đến voi mới được xem là bảo tồn voi Đắc Lắc. Hy vọng, với đề án này, Tây Nguyên nói chung và Đắc Lắc nói riêng sẽ gìn giữ được bản sắc “độc nhất vô nhị” như đua voi, phục dựng cảnh săn bắt thuần dưỡng voi, cúng voi, voi đá bóng, vượt sông...
Hoàng Táo