Bát nháo mua bán hồ sơ thầu (Bài cuối: Có hay không việc bao thầu, trục lợi nguồn vốn Nhà nước?)

Thứ ba, 22/10/2019 11:48

Từ kết quả thực tế, kết hợp xác minh, tìm hiểu, chúng tôi được biết, những ngày qua, việc mua bán hồ sơ gói thầu dự án 773 rất lộn xộn. Theo hình ảnh camera ghi nhận tại bộ phận 1 cửa, ngày mở bán đầu tiên dự án này (ngày 11-10), lúc 15 giờ 12, có 2 nhóm đối tượng đánh nhau tại khu vực bán hồ sơ. Diễn biến sự việc được diễn giải là có nhóm đối tượng đến hỏi mua hồ sơ thầu và có hiện tượng chiếm chỗ, không cho người khác đến mua. Vì lý do đó mà nhóm này xảy ra xung đột với nhóm đối tượng khác đến mua hồ sơ. Thời điểm này, camera ghi lại được hình ảnh nhiều đối tượng xăm trổ, trông rất dữ dằn xông vào đấm nhau túi bụi.

Xô xát, đánh nhau tại khu vực bán hồ sơ mời thầu lúc 15 giờ 12 phút ngày 11-10.

Tìm hiểu thêm thông tin về dự án, 10 giờ 20 ngày 18-10, chúng tôi có cuộc làm việc với ông Dương Tấn Bình- Giám đốc BQL Đầu tư và Xây dựng Điện Bàn, ông Bình cho biết: Dự án 773 (giai đoạn 1) đang mời thầu gồm các hạng mục giao thông, thoát nước, chiếu sáng có chiều dài 1km, với bề rộng mặt cắt ngang 11m, trong đó, mặt đường 7,5m, vỉa hè 4m (mỗi bên 2m),  tổng mức đầu tư khoảng 11 tỷ đồng, huy động từ nguồn vốn tiền sử dụng đất của UBND TX Điện Bàn. Tổng mức vốn đầu tư cho toàn dự án này là 56,4 tỷ đồng, trong đó nguồn kinh phí dành cho công tác giải phóng mặt bằng khoảng 40 tỷ đồng.

Cũng theo ông Bình, việc tổ chức đấu thầu dự án 773 hiện nay đã và đang thực hiện đúng quy định và theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam. BQL bố trí người thường xuyên có mặt tại bộ phận 1 cửa bán hồ sơ mời thầu. Khi doanh nghiệp đến liên hệ mua, cán bộ tiếp nhận kiểm tra thông tin, đối chiếu doanh nghiệp còn hoạt động sẽ bán hồ sơ ngay. Và từ khi phát hành hồ sơ (từ ngày 11-10) đến nay, có khoảng 10 hồ sơ mời thầu được bán cho các Cty đủ tiêu chuẩn tham dự. Đến hết ngày 21-10, gói thầu này sẽ  tiến hành mở thầu tại BQL.

Điều đáng ngạc nhiên là khi chúng tôi hỏi về việc có nghe thông tin phản ánh chuyện lộn xộn trong việc bán hồ sơ thầu, nhất là khi người đến mua hồ sơ bị ngăn cản, hăm dọa, ông Bình khẳng định: "Không nhận thông tin như phản ánh. Hiện nay chúng tôi vẫn tiến hành bán hồ sơ mời thầu bình thường, theo đúng quy định". Đáng nói là trụ sở làm việc của BQL cách bộ phận 1 cửa không xa. Và hàng ngày có nhân viên BQL bán hồ sơ thầu tại đây mà ông Bình không hề hay biết đã xảy ra xô xát, đánh nhau, kể cả việc đối tượng giang hồ đe dọa doanh nghiệp đến mua thầu đã có đơn trình báo đến cơ quan chức năng?

Được biết, trong tháng 8-2019, tại QBL Đầu tư và Xây dựng Điện Bàn do ông Bình làm Giám đốc cũng đã để xảy ra sai sót trong quá trình mời thầu Dự án Bể bơi các xã vùng Đông. Cụ thể, tại Mẫu số 04A - nhân sự chủ chốt của E-HSMT đưa ra yêu cầu chỉ huy trưởng công trình và cán bộ kỹ thuật thi công trực tiếp phải có tài liệu chứng minh của cơ quan bảo hiểm xã hội về việc đóng bảo hiểm xã hội của công ty chủ quản cho cán bộ đến trước thời điểm đấu thầu ít nhất 1 tháng. Và cán bộ kỹ thuật thi công trực tiếp phải có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công do Sở Xây dựng cấp.  Các quy định này vượt quá quy định pháp luật về đấu thầu, hạn chế sự tham gia của các nhà thầu, đi ngược với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 47/CT-TTg ngày 27-12-2017 về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước. Những sai sót này sau khi được phản ánh lên công luận mới được BQL này khắc phục.

Một diễn biến khác, do bị uy hiếp trong lúc được cử đi mua hồ sơ thầu, chị M. hoảng sợ, ảnh hưởng đến tâm lý, không thể làm việc được. Trên cơ sở đơn báo cáo của M., lãnh đạo Cty TNHH Xây dựng và Thương mại Saiko - nơi M. công tác đã làm đơn tố cáo gửi đến HĐND, UBND và Công an thị xã Điện Bàn.  Trong đơn, Cty này đặt nhiều dấu hỏi về những bất minh và bất ổn trong mua bán hồ sơ dự thầu tại Bộ phận 1 cửa. Thứ  nhất, tại sao khi có người đến hỏi mua hồ sơ thầu thì xuất hiện nhóm thanh niên đi xe ô- tô tới gây khó dễ và yêu cầu không mua hồ sơ?  Có hay không việc những người có trách nhiệm tại BQL Đầu tư và Xây dựng Điện Bàn thông tin cho số đối tượng này biết? Thứ hai, tại sao khu vực Bộ phận 1 cửa không bố trí lực lượng an ninh đảm bảo cho việc mua bán hồ sơ thầu? Và khi xảy ra việc số đối tượng lạ mặt đến gây khó dễ với những người mua thầu, tại sao cán bộ làm việc ở đây không điện báo đến cơ quan công an gần nhất đến xử lý?  Có hay không việc bán hồ sơ thầu tại đây đã bị "bảo kê" để trục lợi nguồn vốn Nhà nước, gây bất công cho hoạt động chính đáng của nhiều công ty trong lĩnh vực xây dựng? Ngoài ra, Cty còn đề nghị CATX Điện Bàn vào cuộc xác minh, làm rõ số đối tượng lạ mặt, có những hành động, lời nói gây tổn hại tinh thần cho nhân viên của mình và những doanh nghiệp khác đến mua hồ sơ thầu.

Theo phản ánh của một số doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, việc đấu thầu trực tiếp hiện nay tồn tại nhiều bất cập, rất dễ phát sinh tiêu cực với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau. Tựu trung nhất là quá trình phát hành hồ sơ mời thầu, có Cty đứng ra bao thầu, chủ động sử dụng mọi phương thức, thủ đoạn để giành phần thắng. Thường thì Cty này sẽ thuê các băng nhóm giang hồ túc trực tại nơi bán hồ sơ. Nếu có đơn vị nào đến hỏi mua sẽ nhanh chóng tiếp cận, mời ra quán nước thương lượng. Tiếng là thương lượng nhưng thực chất là đe dọa, uy hiếp để không dám tham gia. Khi đã bao thầu thành công, Cty này sẽ nhờ đối tác là các Cty quen biết "Cty chân gỗ" đến mua hồ sơ để hợp thức hóa việc có đông Cty tham gia dự thầu. Và qua thỏa thuận ngầm, khi bỏ thầu, các Cty  sẽ bỏ giá sát nhau, gần hoặc bằng mức giá chào thầu, để Cty bao thầu trúng  thầu với giá lợi nhuận cao nhất. 

Từ kết quả thực tế và điều tra, xác minh được về công tác mua bán hồ sơ thầu tại TX Điện Bàn, thiết nghĩ, cơ quan chức năng TX Điện Bàn và tỉnh Quảng Nam sớm vào cuộc chấn chỉnh, xử lý dứt điểm tình trạng bất an, bất ổn và bất công cho các doanh nghiệp khi tham gia.

NHÓM PVXH