TƯ VẤN PHÁP LUẬT VÀ DOANH NGHIỆP:

Bầu dồn phiếu - phương thức đặc trưng của công ty cổ phần

Thứ tư, 16/04/2014 11:44

(Cadn.com.vn) - Theo quy định của pháp luật, việc biểu quyết bầu thành viên HĐQT và Ban kiểm soát (BKS) công ty cổ phần (CTCP) phải được thực hiện theo phương thức bầu dồn phiếu (PTBDP). Tuy nhiên, thực tiễn không ít CTCP tiến hành bầu thành viên HĐQT và BKS bằng biểu quyết theo tỷ lệ thông qua của ĐHĐCĐ (từ 65% hoặc từ 75% trở lên theo quy định tại điều lệ CTCP). Hậu quả là, nhiều trường hợp không thể bầu đủ số thành viên HĐQT và BKS, nhiều trường hợp bị tranh chấp vì phương thức bầu trái với quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, có CTCP vẫn quy định tại điều lệ về PTBDP và tiến hành bầu theo PTBDP nhưng vì cách thức và trình tự bầu không tuân thủ đúng quy định nên dẫn đến nhiều tranh chấp phát sinh và cuối cùng kết quả bầu cũng không được công nhận. Để giúp các CTCP nắm rõ được PTBDP, hạn chế tranh chấp, chúng tôi xin trích giới thiệu một số lưu ý của luật sư Lê Ngô Hoài Phong, Trưởng CN Văn phòng luật sư Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng, về việc bầu thành viên HĐQT và BKS theo PTBDP.

Thứ nhất, khi đã bầu theo PTBDP thì không cần đáp ứng điều kiện về tỷ lệ biểu quyết. Trong thời gian qua, do quy định thiếu chính xác tại Khoản 3 Điều 104 Luật Doanh nghiệp 2005 nên đã làm cho nhiều DN vận dụng sai; kể cả một số cơ quan tố tụng cũng hiểu sai và ra phán quyết sai liên quan đến PTBDP. Khoản 3 Điều 104 quy định: “Quyết định của ĐHĐCĐ được thông qua tại cuộc họp khi có đủ các điều kiện sau đây: được số cổ đông đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận; tỷ lệ cụ thể do điều lệ CTCP quy định; và việc biểu quyết bầu thành viên HĐQT và BKS phải thực hiện theo PTBDP”. Với quy định như vậy, rất nhiều CTCP và cơ quan tố tụng cho rằng dù là BDP nhưng cũng phải đáp ứng điều kiện: “Được số cổ đông đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận”. Tuy nhiên, cách hiểu này không phù hợp, vấn đề này đã được làm rõ tại Khoản 4 Điều 29 Nghị định 102/2010/NĐ-CP như được phân tích ở lưu ý thứ tư.

Thứ hai, tổng số phiếu biểu quyết của mỗi cổ đông phải được nhân cho số lần tương ứng với số thành viên được bầu vào HĐQT và BKS. Điểm c, Khoản 3 Điều 104 Luật Doanh nghiệp 2005 có quy định: “...mỗi cổ đông có tổng số phiếu biểu quyết tương ứng với tổng số cổ phần sở hữu nhân với số thành viên được bầu của HĐQT hoặc BKS...”. Ví dụ: số lượng thành viên bầu vào HĐQT là 3 người (trong số 5 ứng cử viên). Ông A là cổ đông nắm giữ 1.000 cổ phần có quyền biểu quyết. Như vậy, tổng số phiếu biểu quyết bầu thành viên HĐQT của ông A là 3.000 phiếu (1.000 x 3).

Thứ ba, cách thức bỏ phiếu theo PTBDP khác với hình thức bỏ phiếu thông thường. BDP thoát ly lề thói thông thường của việc bầu cử. Xuất phát từ việc lấy phiếu “dồn” vào một chỗ, nên người được “dồn” sẽ có phiếu bầu cao và ngược lại. Cũng theo quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 104 Luật Doanh nghiệp 2005: cổ đông có quyền dồn hết tổng số phiếu bầu của mình cho một hoặc một số ứng cử viên với tỷ lệ bất kỳ. Như vậy, theo ví dụ trên, ông A có 3.000 phiếu bầu, ông có thể dồn hết cho 1 ứng cử viên hoặc chia cho 3 ứng cử viên với tỷ lệ bằng hoặc không bằng nhau. Thứ tư, những người trúng cử là những người có số phiếu bầu cao nhất. Khoản 4 Điều 29 Nghị định 102/2010/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp quy định: “Người trúng cử thành viên HĐQT hoặc BKS được xác định theo số phiếu bầu tính từ cao xuống thấp, bắt đầu từ ứng cử viên có số phiếu bầu cao nhất cho đến khi đủ số thành viên quy định tại điều lệ CTCP. Trường hợp có từ 2 ứng cử viên trở lên đạt cùng số phiếu bầu như nhau cho thành viên cuối cùng của HĐQT hoặc BKS thì sẽ tiến hành bầu lại trong số các ứng cử viên có số phiếu bầu ngang nhau hoặc lựa chọn theo tiêu chí quy chế bầu cử hoặc điều lệ CTCP”. Như vậy, với quy định này, người được xem là trúng cử không phụ thuộc hoàn toàn vào số phiếu bầu mà họ nhận được, mà quan trọng hơn cả là họ đang đứng thứ mấy tính từ trên xuống. Bầu thành viên HĐQT và BKS của một CTCP theo PTBDP là vấn đề không quá phức tạp. Tuy nhiên, kết quả bầu thành viên HĐQT và BKS ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và cái tôi của mỗi cổ đông nên thường dẫn đến tranh chấp. Vì vậy, việc nghiên cứu và vận dụng đúng các quy định của pháp luật về bầu thành viên HĐQT và BKS theo PTBDP là thiết thực.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn
của Chi nhánh Văn phòng luật sư Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng

Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0511.3600109; 0905102425