"Bẫy tuyển dụng” giả mạo các doanh nghiệp lớn để lừa đảo người lao động
Phổ biến nhất hiện nay là việc sử dụng danh tiếng của tập đoàn lớn để tạo niềm tin cho ứng viên. Các đối tượng thường có những hành vi như gọi điện cho những người đang tìm việc, giới thiệu việc làm với lời hứa phỏng vấn, cơ hội bố trí việc làm nhanh. Cùng với đó, các đối tượng còn lập ra những trang web giả mạo, sử dụng logo, hình ảnh và thông tin liên quan rất giống với trang chính thức của doanh nghiệp để lừa dối ứng viên tin tưởng rằng họ đang ứng tuyển vào một công ty danh tiếng. Khi truy cập vào các trang này để tìm hiểu, ứng viên sẽ được yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân quan trọng, thậm chí thực hiện các giao dịch chuyển tiền để làm thủ tục tuyển dụng.
Đáng chú ý, các đối tượng lừa đảo có thể sử dụng thủ đoạn tỉnh vi hơn là lợi dụng công nghệ Deepfake làm giả cuộc gọi video hoặc bắt chước giọng nói của người đại diện tập đoàn để thực hiện cuộc phỏng vấn giả. Trong quá trình này, kẻ xấu yêu cầu ứng viên cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng hoặc thực hiện các giao dịch chuyển tiền tạm ứng một khoản chi phí để phục vụ tuyển dụng. Điều này dẫn đến người tìm việc không những không tìm được việc làm, bị mất tài sản mà còn mất niềm tin vào quy trình tuyển dụng và sự trung thực của các doanh nghiệp, ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường lao động.
Mới đây, Công an TP Đà Nẵng cũng đã nhận được công văn của Cty CP Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group) phản ánh về việc bị mạo danh để lừa đảo, thu lợi bất chính bằng thủ đoạn mời chào tuyển dụng bằng hình thức này. Theo Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Depfake là công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), tạo ra các sản phẩm công nghệ âm thanh, hình ảnh và video làm giả đối tượng ngoài đời thực với độ chính xác rất cao. Dựa trên tệp tin hình ảnh khuôn mặt, giọng nói của một người ngoài đời thực, Deepfake sẽ sử dụng thuật toán để tái tạo lại khuôn mặt và giọng nói phù hợp với nét mặt, biểu cảm của một người khác, sau đó tạo ra video giả mạo khiến nhiều người mắc lừa.
Để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương chỉ đạo lực lượng nghiệp vụ, Công an các phường, xã tăng cường tuyên truyền sâu rộng dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phổ biến phương thức thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản “giả mạo tuyển dụng để trục lợi” đến các cơ quan, doanh nghiệp, người dân.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, lực lượng Công an khuyến cáo cần cung cấp thông tin về các vị trí tuyển dụng trên trang web và các kênh thông tin chính thức để ngăn chặn việc đăng tin giả mạo. Cùng với đó là tăng cường hợp tác với cơ quan chức năng để xử lý các trường hợp cố tình lợi dụng hình ảnh thương hiệu cũng như chia sẻ thông tin để cảnh báo cho nhân dân. Đối với người lao động có nhu cầu về việc làm, có ý định tham gia tuyển dụng, nên kiểm tra kỹ các thông tin và liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp bằng kênh liên lạc chính thức để xác nhận thông tin tuyển dụng trước khi tiến hành cung cấp thông tin cá nhân của mình. Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn như bấm phím số trên máy điện thoại, xác minh số điện thoại, ấn vào những đường link giả mạo... Các công ty, tập đoàn lớn cũng cho biết rõ, chính sách tuyển dụng của họ không yêu cầu ứng viên cung cấp số tài khoản, mã OTP, thẻ tín dụng hay thông tin cá nhân, đặc biệt là không yêu cầu chuyển tiền để thực hiện các thủ tục.
Giám đốc Công an TP Đà Nẵng khuyến khích người dân tố giác, cộng tác với cơ quan chức năng trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Khi tiếp nhận tin báo, các lực lượng liên quan sử dụng đồng bộ biện pháp nghiệp vụ để nắm tình hình, chủ động điều tra, phát hiện, xử lý. Những trường hợp có đủ tài liệu, chứng cứ, cần khẩn trương xem xét, khởi tố vụ án hình sự theo thẩm quyền.
ĐÔNG A