Bế mạc Phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII
(Cadn.com.vn) - Chiều 23-9, Phiên họp thứ 21, Ủy ban thường vụ Quốc khóa XIII đã bế mạc. Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, chuẩn bị nhiều nội dung quan trọng cho Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII.
Nêu lên những nội dung quan trọng sẽ được bàn bạc, quyết định tại Kỳ họp thứ 6, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh các đơn vị hữu quan cần phối hợp chặt chẽ, hoàn thiện các tờ trình, báo cáo trình Quốc hội, chuẩn bị chu đáo và kỹ lưỡng cho Kỳ họp tới. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị Quốc hội quan tâm tới công tác chuẩn bị, tổ chức Đại hội đồng liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tại Việt Nam.
Trước đó, đầu phiên họp chiều 23-9, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận cho ý kiến lần đầu vào dự án Luật Xây dựng (sửa đổi). Tờ trình về dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trình bày đã nêu rõ về sự cần thiết ban hành Luật Xây dựng (sửa đổi). Luật Xây dựng (sửa đổi) quy định các quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công trình và hoạt động đầu tư xây dựng. Luật áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động đầu tư xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam. Dự thảo gồm 10 chương 150 Điều.
Quang cảnh phiên họp bế mạc. Ảnh: TTXVN |
Nhiều ý kiến đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, Ban soạn thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) đã tổng kết, đánh giá tình hình thi hành pháp luật về xây dựng giai đoạn 2003 – 2012; tổ chức khảo sát thực trạng áp dụng các quy định pháp luật về xây dựng tại một số địa phương và doanh nghiệp đại diện cho các vùng, địa phương trong nước; tổ chức nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm về quản lý hoạt động đầu tư xây dựng của một số nước như Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... qua đó rút ra những nội dung cần thiết có thể vận dụng trong soạn thảo Luật Xây dựng (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển nêu câu chuyện lãng phí, kém hiệu quả có liên quan tới đầu tư xây dựng cơ bản và đề nghị dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) cần phải đảm bảo yếu tố hiệu quả trong việc quy hoạch các công trình.
Đánh giá hiện nay việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng còn quá dễ dàng, đại biểu cho rằng nguyên tắc của điều chỉnh quy hoạch cần được quy định hợp lý trong dự án Luật. Theo Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển, quy hoạch xây dựng phải gắn với chế tài chặt chẽ; khi điều chỉnh phải có căn cứ khoa học.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng đề cập tới nội dung làm thế nào để đưa trật tự xây dựng vào nền nếp, đặc biệt trong việc cấp phép xây dựng. Dự án Luật cần làm rõ nội dung này để hạn chế các công trình không đảm bảo an toàn - đại biểu đề xuất.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đánh giá phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) rộng, trong đó có nhiều nội dung dành cho Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát để cố gắng quy định ngay trong dự án Luật, hạn chế quy định trong các văn bản dưới Luật. Nhiều ý kiến nhận xét một số nội dung của dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) có liên quan tới nhiều Luật khác nên cần có sự rà soát, tạo sự thống nhất giữa các văn bản pháp luật. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) cần có quy định về sự tham gia giám sát của người dân trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề cập tới vấn đề bảo hành, bảo trì công trình xây dựng và nhấn mạnh đây là nội dung người dân đặc biệt quan tâm. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị dự án Luật cần quy định cụ thể và rõ hơn, hiện trong dự án Luật nội dung này vẫn còn chung chung.
Kết luận phiên thảo luận nội dung Luật Xây dựng (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, Ban soạn thảo cần xác định rõ phạm vi điều chỉnh và sự liên quan giữa dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) với các dự án khác. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, rà soát lại các nội dung để hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 tới.
Phiên họp buổi sáng, cho ý kiến về dự án Luật đầu tư công, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần thiết ban hành Luật đầu tư công nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, lãng phí, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư công theo đúng mục tiêu, định hướng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; bảo đảm tính công khai, minh bạch; đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết điểm mới của Luật là quy định việc thẩm định vốn, không có vốn không được triển khai, như vậy, khi dự án được khởi công chắc chắn là có tiền giải ngân, tránh tình trạng cấp vốn nhỏ giọt, kéo dài, gây lãng phí.
Quỳnh Hoa