“Bể” tiền ảo lừa đảo tiền tỷ để bù

Thứ bảy, 23/09/2023 06:45
Với thủ đoạn lấy khoản tiền vay mới để trả một phần tiền gốc đã mượn của các bị hại nhằm tạo lòng tin rồi tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Cố “giật đầu cá, vá đầu tôm” cho đến khi mất khả năng chi trả, Bùi Đoàn Thị Anh Thư mới thông báo vỡ nợ. Chiều 21-9, TAND TP Đà Nẵng xét xử đối với bị cáo Bùi Đoàn Thị Anh Thư (1990, trú P. Thanh Bình, Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Bị cáo Bùi Đoàn Thị Anh Thư
Bị cáo Bùi Đoàn Thị Anh Thư

Theo cáo trạng, từ năm 2019 và năm 2021, thông qua công việc và các mối quan hệ xã hội, Bùi Đoàn Thị Anh Thư quen biết với các chị: Lê Thị H. (1994, trú Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng), Phạm Thị Bảo Q. (1987, trú Q. Hải Châu); Trần Thị Linh G. (1990, trú Q. Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh), Trương Thị Quỳnh A. (1972, trú Q. Cẩm Lệ) và Tôn Nữ Thùy T. (1991, trú Q. Hải Châu). Sau thời gian đầu tư tiền ảo Fnet thua lỗ, muốn có tiền tiếp tục chơi tiền ảo và trả nợ, Bùi Đoàn Thị Anh Thư tung tin đang cần vốn mua bán bất động sản, đáo hạn ngân hàng để vay tiền chị Hiền, Quyên, Giang, Anh, Trâm và hứa hẹn trả lãi suất cao.

Đầu tiên Bùi Đoàn Thị Anh Thư nhắm đến chị Lê Thị H., bởi cả hai cùng bán hàng mỹ phẩm online với nhau. Khoảng cuối tháng 3-2019, Thư nói cần tiền để giải quyết việc gia đình và hỏi mượn tiền của chị H. Để tạo lòng tin, những lần mượn tiền ban đầu, Thư đều trả đầy đủ đúng hẹn. Sau đó, Thư nói cần tiền để góp vốn buôn bán bất động sản, đáo hạn ngân hàng, chị H. tin tưởng nên từ tháng 3-2019 đến tháng 1-2021, đã nhiều lần đưa cho Thư với tổng số tiền hơn 2,210 tỷ đồng.

Để che giấu hành vi gian dối của mình và tiếp tục chiếm đoạt tiền của chị H., sau mỗi lần lấy được tiền từ chị H., Thư đều chuyển trả một phần tiền chiếm đoạt (Thư nói trả lãi và trả tiền vay) cho chị H. Tổng số tiền Thư chuyển trả cho chị H. là hơn 1,720 tỷ đồng. Số tiền chiếm đoạt còn lại, Thư sử dụng để đầu tư tiền ảo Fnet, trả nợ và tiêu xài cá nhân hết. Đến tháng 2-2021, Thư báo với chị H. bị vỡ nợ, không có khả năng trả lại tiền. Sau đó, Thư đã bồi thường cho chị H. 107 triệu đồng; số tiền còn chiếm đoạt của chị H. là hơn 383 triệu đồng.

Tương tự, Thư chiếm đoạt của chị Phạm Thị Bảo Q. hơn 9,233 tỷ đồng. Thư lợi dụng mối quan hệ giữa chồng của mình và chị Q. cùng làm việc tại ngân hàng V. chi nhánh Đà Nẵng. Thư nói với chị Q. có một số khách hàng cần đáo hạn ngân hàng và nhờ Thư huy động tiền giúp. Chị Q. đồng ý cho Thư vay mượn tiền nhiều lần với hình thức đưa tiền mặt, chuyển khoản. Để chị Q. không phát hiện hành vi gian dối của mình, sau khi chiếm đoạt tiền, Thư chuyển trả một phần tiền chiếm đoạt cho chị Q. và nói trả tiền lãi và tiền vay, tổng số tiền Thư đã trả lại cho chị Q. là hơn 7,539 tỷ đồng. Đến đầu tháng 2-2021, Thư thông báo với chị Q. bị vỡ nợ, không có khả năng trả lại tiền. Sau đó, Thư nhờ gia đình bồi thường cho chị Q. số tiền 364 triệu đồng; số tiền còn chiếm đoạt của chị Q. là hơn 1,329 tỷ đồng. Cũng với “chiêu trò” như trên, Thư chiếm đoạt của chị Trần Thị Linh G. số tiền 890 triệu đồng; chị Trương Thị Quỳnh A. số tiền 1,940 tỷ đồng; chị Tôn Nữ Thùy T. hơn 3,273 tỷ đồng.

Cáo trạng kết luận, Thư chiếm đoạt tổng số tiền của 5 nạn nhân là 17.547.686.000 đồng. Thư “trả tiền lãi và tiền vay” cho các bị hại với tổng số tiền 13.455.485.000 đồng. Số tiền chiếm đoạt còn lại 4.092.191.000 đồng. Đáng nói, nạn nhân của Thư trong vụ án này đều là chỗ thân thiết như bạn học cũ, hàng xóm, đồng nghiệp của chồng và bạn làm ăn. Toàn bộ số tiền lừa đảo, chiếm đoạt của các nạn nhân, Thư sử dụng để đầu tư tiền ảo Fnet, trả nợ, tiêu xài cá nhân hết.

Xét toàn diện vụ án, HĐXX TAND TP Đà Nẵng đã tuyên phạt bị cáo Bùi Đoàn Thị Anh Thư mức án 17 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Buộc bị cáo bồi thường số tiền đã chiếm đoạt còn lại cho những người bị hại.

THANH HOA