Bên dân mọi lúc, mọi nơi
Ngoài các lực lượng chốt chặn, hướng dẫn, kiểm soát giao thông, cắm biển cảnh báo trên các tuyến đường dự báo bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm tràn, đò ngang, đò dọc, nơi sạt lở… Công an tỉnh Quảng Nam phát huy vai trò, trách nhiệm của lực lượng Công an cấp xã tại khu vực xảy ra mưa bão, nắm hộ, nắm người, tuyên truyền, tham gia di dời, sơ tán người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, giúp nhân dân khắc phục hậu quả, thiệt hại do thiên tai; giải quyết các vụ, việc phức tạp về ANTT ngay từ đầu, tại cơ sở.
Để giúp đỡ nhân dân ứng phó với bão, từ chiều 25 đến hết ngày 26-9, Công an xã Tam Thanh (TP Tam Kỳ) huy động 100 CBCS đơn vị phối hợp với các lực lượng khác hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, di chuyển ghe thuyền lên bờ để giảm thiểu thiệt hại khi bão đổ bộ. Theo kế hoạch, sáng 27-9, đơn vị phối hợp với các lực lượng tổ chức di dời, sơ tán người dân ở những nơi xung yếu đến nơi an toàn.
Tại huyện Núi Thành, lãnh đạo Công an huyện cho biết đã chỉ đạo tập trung giúp đỡ nhân dân tại các xã ven biển như Tam Hải, Tam Tiến, Tam Quang, Tam Giang,…
Tại Thừa Thiên-Huế, Ban Giám đốc đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương trên toàn tỉnh tăng cường lực lượng về địa bàn cơ sở nắm tình hình, tham mưu, phối hợp thực hiện các công việc theo chỉ đạo của cấp ủy chính quyền địa phương để chủ động ứng phó bão. Trong ngày 26-9, lực lượng Công an các huyện, thị xã, TP Huế, nhất là lực lượng Công an các xã ven biển đã triển khai công tác giúp người dân chằng, chống nhà cửa, đảm bảo ANTT nơi đi và nơi đến khi sơ tán dân. Trong sáng 26-9, CAX Phú Hải, H. Phú Vang đã kêu gọi gần 50 tàu thuyền đánh bắt xa bờ vào bờ tránh trú bão và sẵn sàng di dời 42 hộ dân/159 nhân khẩu ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Tại các xã ven biển Phong Hải, Điền Hòa, Điền Hương (H. Phong Điền), lực lượng CAX tích cực giúp đỡ người dân di chuyển tàu thuyền lên bờ, chằng chống nhà cửa và bảo vệ các công trình trọng điểm. Bên cạnh đó, hàng chục CBCS CSCĐ thuộc Trung đoàn Tư lệnh Cảnh sát Cơ động Trung Bộ đóng tại Thừa Thiên-Huế cũng ứng trực 24/24 giờ tại thị trấn Phú Lộc (H. Phú Lộc) để giúp dân ứng phó với bão số 4. Trong khi đó, tại các huyện vùng cao Nam Đông, A Lưới, lực lượng Công an huyện và xã đã được điều động về địa bàn có nguy cơ lũ quét sạt lở cao tham mưu với chính quyền địa phương lập phương án di dời dân đến nơi an toàn.
Tại Phú Yên, từ 15 giờ chiều 26-9, 100% CBCS các phòng nghiệp vụ và Công an các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh thường trực tại đơn vị để phòng, chống bão, sẵn sàng xuất quân hỗ trợ sơ tán người dân, nhất là 2 địa bàn xung yếu ven biển Đông Hòa và Sông Cầu. Trong chiều 26-9, Công an thị xã Đông Hòa đã phối hợp Đồn biên phòng cửa khẩu Vũng Rô kêu gọi tất cả những người dân đang thả nuôi tôm cá trong 16.852 lồng gồm 400 bè tập trung giằng neo lồng bè, khẩn trương rời khỏi vịnh biển để vào bờ trước khi cơn bão ập vào đất liền; đơn vị cũng đã chuẩn bị 2 xuồng máy, 9 ô-tô, 7 máy phát điện, 20 loa điện, 14 nhà bạt - lều bạt, 257 phao cứu sinh, phao tròn cùng nhiều vật dụng khác phục vụ phòng, chống bão lũ và cứu nạn - cứu hộ.
Tại thị xã Sông Cầu, ngoài việc thường trực 100% CBCS xuyên suốt ngày đêm, đơn vị cũng đã chuẩn bị 3 ca nô, 4 ô-tô, hơn 500 áo phao, phao tròn, phao bè sẵn sàng thực thi nhiệm vụ cứu nạn - cứu hộ khi có tình huống xảy ra. Đến chiều cùng ngày, hơn 80 CBCS được huy động từ các đội nghiệp vụ Công an thị xã cùng Công an các xã Xuân Hải, Xuân Cảnh, Xuân Thịnh, Xuân Phương và các phường Xuân Yên, Xuân Thành, Xuân Đài tiếp tục phối hợp Đồn biên phòng Xuân Đài, Xuân Hòa kêu gọi người dân neo đậu ổn định 965 tàu cá tại cảng cá Dân Phước, giằng neo 82.696 lồng gồm 2.018 bè thả nuôi tôm ở vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông.
Theo tin từ Công an các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Công an các đơn vị, địa phương cũng đang được lệnh huy động tối đa lực lượng để phòng chống bão, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.
T.H