Bên lề kỳ họp Quốc hội: Bất cập những cái tên… lạ!
(Cadn.com.vn) - Người Cơ Tu đặt tên cho con theo tên Hàn Quốc, người Bhnoong cha mẹ đều họ Hồ, Đinh nhưng lấy họ Nguyễn, họ Trần... đặt cho con mình. Vấn đề đặt tên như vậy đang được đại biểu Quốc hội đưa ra thảo luận nhằm góp ý kiến cho Luật Hộ tịch trong kỳ họp lần này.
Ở xã A Tiêng (H. Tây Giang, Quảng Nam) giờ đây trẻ em mang rất nhiều cái tên kiểu Hàn Quốc. Cứ một người đặt, đến người khác học theo và phong trào đặt tên con theo xứ Kim chi nở rộ. Hỏi về chuyện này, ông Blúp Vàng, cán bộ Tư pháp xã Atiêng cho biết: “Nhiều lắm, giờ mình nhớ không hết được. Bọn trẻ trong xã sinh từ những năm 2004 trở về sau mang họ Alăng, Pơloong, Bling... nhưng tên thì Xô Ra, Sia Ân, San Ốc, San U, Giang Gun... hết”.
Theo hướng dẫn của ông Vàng, chúng tôi tìm đến nhà chị Zơrâm Hồng (thôn Zờrượt, xã A Tiêng) có người con tên là Zơrâm Xô Ra. Tôi hỏi: Tại sao con chị có cái tên như vậy? Chị Hồng kể: Vào năm 2006, chị đang mang bầu thì xem bộ phim “Cô bé lọ lem”. Diễn viên Xô Ra vừa xinh đẹp, vừa dễ thương. Mê nàng Xô Ra, lúc con chào đời, chị Hồng đặt tên cho con là Xô Ra luôn. “Mình thích thì đặt thôi mà. Ở đây chẳng có ai cấm và mình cũng không vi phạm pháp luật. Ở thôn không chỉ riêng mình mà nhiều người cũng đặt tên con theo diễn viên trong phim Hàn Quốc”, chị Hồng bày tỏ.
Những đứa trẻ Cơ Tu nhưng tên Hàn Quốc. |
Cạnh nhà chị Hồng, chị Pơling Mươn sinh đứa con trai vào năm 2012 và đặt tên Pơloong Ni Na. Theo chị Mươn, cái tên này chẳng phải trong phim mà là một ca sĩ nước ngoài nổi tiếng. Chị chẳng hiểu Ni Na hát gì nhưng những bài hát của Ni Na nhạc rất bốc nên đặt tên con cho giống ca sĩ.
Tại xã A Tiêng, không riêng người dân mà ngay cả cán bộ cũng đặt tên con trong phim Hàn Quốc. Như trường hợp của anh Pơloong Huân, cán bộ Văn phòng xã. Anh có 3 người con (2 trai, 1 gái) thì tất cả đều là tên Hàn Quốc. Đứa con đầu Pơloong San U, đứa thứ 2 là Pơloong San Ốc và đứa thứ 3 là Pơloong Sia Ân. Hai đứa con trai đều tên diễn viên trong phim “Mối tình đầu” còn đứa thứ 3 là phim “Ngôi nhà bí ẩn”.
Sau phong trào đặt tên Hàn Quốc cho con, nay người dân chuyển qua đặt theo tên cầu thủ bóng đá, ca sĩ nổi tiếng. Đặc biệt nhất đến các hãng điện tử, điện thoại, xe máy cũng được người dân đặt tên cho con. Mới đây, vợ chồng anh Bríu Xước sinh được con trai đầu lòng đặt tên Bríu Béc Khăm. Khi anh Xước đến xã làm giấy khai sinh, xã yêu cầu anh đổi tên nhưng anh Xước nhất quyết không thực hiện. “Chúng tôi giải thích, động viên anh Xước nên đổi tên cho con. Người Cơ Tu thì phải đặt theo tên của dân tộc nhằm giữ gìn bản sắc, mình không được học đòi. Với cái tên đó, sau này Béc Khăm lớn lên đến trường học sẽ bị bạn bè trêu chọc, giấy tờ sai lệch. Sau đó, anh Xước đã đồng ý đổi sang tên Hoàng”, ông Vàng kể.
Chính vì những bất cập trên nên thời gian qua đã có 24 hộ ra xã xin sửa lại giấy khai sinh và sổ hộ khẩu. “Việc chuyển đổi hộ khẩu cũng có nhiều lý do, bởi tên nước ngoài không phù hợp với bản sắc của người Cơ Tu. Bên cạnh đó, tên ở trong giấy tờ không được thống nhất. Có những cái tên uốn cả lưỡi, méo cả miệng đọc mới xong. Hoặc đánh máy thì khổ vô vùng, hết đánh phím cách, lại đánh phím lùi mới ra được một cái tên. Do đó giấy tờ những người này thường bị sai lệch”- ông Vàng giải thích.
Danh sách học sinh có những tên Hàn Quốc tại xã A Tiêng. |
Thầy Nguyễn Ngọc Ký, Hiệu trưởng Trường Tiểu học A Tiêng cho biết: “Hiện ở trường có nhiều em học sinh có tên Hàn Quốc. Đối với những em này nếu không cẩn trọng trong quá trình làm hồ sơ sẽ dẫn đến những sai sót đáng tiếc. Ví dụ như Zơrâm Xô Ra nhưng không để ý sẽ thành Zơrâm Xôra, chỉ khác một dấu cách đã thay đổi tên. Biết việc đặt tên như vậy sẽ gây ra hệ lụy nhưng nhà trường không có cách nào khắc phục được, chỉ có khi ở phía gia đình lên xã sửa lại tên trong hộ tịch gửi qua trường thì nhà trường sửa chữa. Tuy nhiên việc làm này cũng không phải dễ vì phải sửa lại tất cả hồ sơ”.
Trong khi đó, tại H. Phước Sơn (Quảng Nam) người dân chỉ thích đổi họ cho con chứ không thích đổi tên theo kiểu Hàn Quốc như ở Tây Giang. Khi hỏi về vấn đề trên, ông Vũ Đình Cuối, Bí thư Đảng ủy xã Phước Kim (H. Phước Sơn) cho biết: Gần đây người dân địa phương lại có sở thích đổi họ cho con. Dù cha mẹ là họ Đinh hoặc họ Hồ, nhưng khi sinh con ra lại đặt đổi họ thành Nguyễn, Trần, Lê... Như ông Đinh Văn Nhoàn cũng là cán bộ xã, nhưng có con trai đặt tên là Nguyễn Văn Nhất.
“Trường hợp đổi họ cho con như ông Nhoàn rất nhiều. Không riêng gì ở xã Phước Kim, nhiều cán bộ ở H. Phước Sơn cũng có sở thích đổi họ cho con. Như bà N.T.T.H. nguyên là cán bộ của huyện, chồng là họ Hồ, thế nhưng 4 người con thì mỗi đứa mang mỗi họ, không trùng với họ của cha”- ông Cuối cho biết thêm.
Như vậy có thể thấy, từ trước đến nay chúng ta chưa có bất cứ văn bản pháp luật nào quy định về việc đặt tên cho con. Đó cũng chính là lỗ hổng về mặt pháp lý để cho người dân tùy tiện đặt tên theo ý muốn của mình. Khi chính quyền có góp ý thì người dân nói rằng, giờ chẳng có căn cứ pháp lý nào mà ngăn cản tôi đặt tên cho con tôi được.
Bão Bình