Bệnh… sợ số lạ
- Tư chợ Hàn có để ý là ở trước các trường học hay có những cơ sở giáo dục, hoặc các công ty kinh doanh liên quan đến giáo dục sử dụng các miếng “mồi” nho nhỏ như: bút, thước kẻ hoặc các chương trình giảm giá, chương trình trải nghiệm miễn phí… từ đó có được các thông tin liên quan đến phụ huynh, các em học sinh.
- Tư cũng có thấy, rồi sao Bề Tui?
- Các đối tượng sau khi có được thông tin đã liên lạc với các phụ huynh thông qua cuộc gọi hoặc tin nhắn cung cấp thông tin không đúng sự thật về học sinh. Những nội dung này do các đối tượng lừa đảo tự xưng là bác sĩ, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, nhân viên y tế của nhà trường. Sau đó, các đối tượng đã yêu cầu: “Con của anh/chị đang bị tai nạn hiện đang cấp cứu ở bệnh viện và yêu cầu chuyển tiền gấp để làm thủ tục đóng viện phí…”.
- À, cái này Tư cũng thấy rần rần trên mạng xã hội mấy bữa nay.
- Đúng vậy, chiêu trò này đang trở nên thường xuyên hơn. Thực tế đã có nhiều phụ huynh hớt hải tìm kiếm con cái trong các phòng cấp cứu ở bệnh viện vì không kiểm tra được thông tin, hoặc con cái của họ đi đâu không liên lạc được. Một số phụ huynh đã bị lừa đảo mất cả trăm triệu đồng vì những tin nhắn, cuộc gọi kiểu này. Nhiều phụ huynh cũng lo lắng không hiểu vì sao kẻ lừa đảo lại biết rõ thông tin của con như: họ tên, trường, lớp và số điện thoại của phụ huynh. Rất nhiều phụ huynh đã thắc mắc tại sao kẻ lừa đảo biết cả số bố và mẹ mà các số điện thoại này chỉ có trong hồ sơ trường học hay liên quan đến hồ sơ y tế thì mới có, còn học trung tâm hay chỗ khác chỉ cần khai thông tin của bố hoặc mẹ. Điều này càng làm cho nhiều người mắc “tâm bệnh”… sợ số lạ đó Tư chợ Hàn.
- Chà vậy phải có phương án xử lý gì chứ Bề Tui?
- Theo Bề Tui, đầu tiên là rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, cùng sự phối hợp ngăn chặn hành vi lừa đảo và có biện pháp xử lý thích đáng. Bên cạnh đó, các phụ huynh cũng cần nâng cao cảnh giác, nhắc nhở con cái trong việc cung cấp thông tin của gia đình cho người lạ…
BỀ TUI