Bệnh viện cần thiết kế theo kiến trúc xanh-sạch-đẹp
(Cadn.com.vn) - "Các đơn vị đầu tư, các bệnh viện cần phân bổ ngân sách, quy hoạch công trình hợp lý, tập trung đầu tư những công trình cần thiết, tránh tình trạng dàn trải; công trình phải được thiết kế thông thoáng theo kiến trúc xanh, sạch, đẹp, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của nhân dân...". Đó là ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại hội nghị tập huấn công tác quản lý đầu tư xây dựng ngành Y tế năm 2014 vừa được tổ chức tại TP Đà Nẵng.
Huy động mọi nguồn lực phát triển ngành Y tế
* Từ nay đến cuối năm, các đoàn kiểm tra của Bộ Y tế sẽ có đợt kiểm tra chuyên đề về TBYT tập trung tại các thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM và Cần Thơ, là các địa phương có nhiều đơn vị sử dụng và doanh nghiệp tham gia nhập khẩu TBYT. |
Hiện nay, vấn đề đầu tư cho y tế được Đảng, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm, coi đây là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, hiện còn tồn tại một số bất cập như: nhu cầu về dịch vụ y tế có chất lượng rất lớn song nguồn đầu tư của Nhà nước còn hạn chế; Trang thiết bị y tế (TTBYT) rất đa dạng, nhiều chủng loại và cập nhật các công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới nhưng việc quản lý, khai thác sử dụng chưa đồng bộ, thực sự có hiệu quả hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, phục vụ nhân dân.
Theo ông Nguyễn Chiến Thắng - Phó Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (TTB-CTYT) - Bộ Y tế, năm 2013, khó khăn nhất đối với các đơn vị vẫn là nguồn vốn đầu tư, mặc dù Bộ Y tế đã hạn chế đầu tư dàn trải nhưng việc khắc phục đối với các đơn vị đang đầu tư dở dang cần phải có thời gian và một số vốn nhất định.
Đồng thời, do không đủ vốn nên một số dự án phải kéo dài thời gian vì vậy phần lớn các dự án tuy không bổ sung hạng mục, khối lượng nhưng đều phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư do trượt giá. Một số nhà thầu do tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản, năng lực tài chính có hạn nên không có khả năng ứng vốn để thực hiện các hợp đồng xây dựng với chủ đầu tư vì vậy tiến độ kéo dài.
Bên cạnh đó, do phải rút gọn để kết thúc dự án nên không thể triển khai đồng bộ các hạng mục xây dựng và lắp đặt thiết bị gắn với công trình nên ảnh hưởng đến hiệu quả khi đưa công trình vào sử dụng. Năm 2014, vốn đầu tư phát triển của các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế được cấp 758 tỷ đồng (giảm 8% so với năm 2013). Trước tình hình khó khăn về nguồn đầu tư, Bộ Y tế chỉ tập trung ưu tiên cho các dự án hoàn thành, tăng cường vốn cho các bệnh viện để giảm quá tải, hạn chế tối đa các dự án khởi công mới. Theo đó, tập trung bố trí vốn cho các dự án hoàn thành và kết thúc 2014, gồm: BV Hữu nghị Việt - Đức, BV Phụ sản TW, Trung tâm Ung bứu BV Chợ Rẫy, BV Da liễu TW, Viện Kiểm nghiệm thuốc TW, Viện Kiểm nghiệm thuốc TPHCM, Viện Công nghệ thông tin - thư viện, Trường ĐH Y dược Hải Phòng.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: Trong thời gian tới, ngoài việc tăng cường đội ngũ thầy thuốc, củng cố hệ thống y tế tuyến dưới, tiếp tục tập trung xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho các BV tuyến TW, tập trung xây dựng một số BV có quy mô lớn, hiện đại tại cơ sở 2 (khu vực vùng Thủ đô và TPHCM) để giảm quá tải.
Đồng thời, để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển ngành y tế, ngoài nguồn vốn nhà nước các chủ đầu tư cần đề xuất huy động các nguồn vốn khác (vốn vay Ngân hàng phát triển Việt Nam, các quỹ đầu tư phát triển của các địa phương, vốn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, liên doanh liên kết, hợp tác quốc tế…).
Vốn nhà nước chủ yếu tập trung xây dựng và lắp đặt thiết bị gắn với công trình, việc đầu tư các TTBYT khuyến khích sử dụng nguồn vốn xã hội hóa. Triển khai các mô hình đầu tư, thu hút các nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng như hình thức đầu tư kết hợp giữa đơn vị công và tư nhân - hình thức PPP.
Bên cạnh đó, việc thiết kế các BV cần phải chú ý nhu cầu khám chữa bệnh nhất là nhu cầu khám điều trị ban ngày. Khoa khám bệnh phải tính đến nhu cầu tối đa, bố trí dây chuyền công năng hợp lý để đáp ứng quy trình khám bệnh, thuận tiện cho người dân.
Hầu hết các trang thiết bị, máy móc hiện đại của ngành y đều được nhập khẩu từ nước ngoài. |
Thiết bị y tế chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài
Theo số liệu tổng hợp từ năm 2011 đến hết 6 tháng đầu năm 2014, số lượng các doanh nghiệp sản xuất TTBYT trong cả nước là 128 đơn vị lớn nhỏ các loại. Trong 3 năm (2011-2013), Bộ Y tế đã cấp giấy phép lưu hành sản phẩm cho 424 mặt hàng TTBYT, trong đó 5 tháng đầu năm 2014 đã cấp cho 21 mặt hàng TTBYT, chủ yếu là các nhóm thiết bị: nội thất bệnh viện, các sản phẩm y tế từ nguyên liệu nhựa y tế, vải, cao su và điện tử y tế…
Ông Nguyến Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ TTB&CTYT cho rằng: TTBYT là một loại hàng hóa đặc biệt có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và là một trong những yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả, chất lượng của công tác y tế, hỗ trợ cho thầy thuốc trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân được chính xác, nhanh chóng, an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, TTBYT lại có đặc thù là chủng loại đa dạng, luôn được cập nhật ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới, thế hệ công nghệ luôn thay đổi.
Do vậy, TTBYT phải được quản lý chặt chẽ theo chu trình vòng đời của sản phẩm, từ giai đoạn nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm, lưu thông trên thị trường đến quá trình sử dụng, bảo hành và bảo dưỡng đối với sản phẩm. Hiện nay quy định của pháp luật mới chỉ tập trung vào việc quản lý chất lượng đối với một số giai đoạn và một số loại sản phẩm TTBYT nhưng chưa có văn bản nào mang tính đồng bộ, thống nhất để quản lý tất cả các vấn đề liên quan đến TTBYT từ khâu sản xuất, thử nghiệm lâm sàng, lưu hành TTBYT, truy xuất nguồn gốc xuất xứ của TTBYT, mua bán TTBYT, kiểm định TTBYT, xuất khẩu, nhập khẩu TTBYT, thông tin quảng cáo TTBYT.
Pháp luật Việt Nam cũng chưa có quy định đầy đủ về định nghĩa và phân loại TTBYT theo mức độ rủi ro; bộ mẫu hồ sơ chung về kỹ thuật cho các sản phẩm TTBYT; quy trình đăng ký lưu hành TTBYT và quy định về hệ thống cảnh báo sau bán hàng cho TTBYT bị lỗi hoặc không an toàn. Từ những lý do trên, việc ban hành Nghị định về quản lý TTBYT quy định hành lang pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ cho việc quản lý TTBYT là hết sức cần thiết.
T.Dũng