Bệnh viện Đa khoa khu vực Vĩnh Linh phẫu thuật nội soi cấp cứu thành công ca bệnh khó
Trước đó (chiều 13-11), bệnh nhân nam B.C.T (56 tuổi, trú thôn Khe Ba, xã Kim Thạch, Vĩnh Linh) được đưa vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Vĩnh Linh cấp cứu trong tình trạng đau dữ dội vùng bụng kèm nôn, có dấu hiệu shock nhiễm trùng- nhiễm độc, bụng cứng như gỗ. Bệnh nhân đã được tiến hành xét nghiệm, siêu âm bụng, chụp X-quang bụng đứng. Các bác sĩ khoa Ngoại Tổng hợp của Bệnh viện Đa khoa khu vực Vĩnh Linh đã nhanh chóng hội chẩn, khẳng định viêm phúc mạc toàn thể do thủng tạng rỗng (nghi do thủng ổ loét dạ dày), tiên lượng nặng, quyết định phẫu thuật cấp cứu.
Bằng phương pháp phẫu thuật nội soi, sau gần 2 tiếng đồng hồ, ê kíp phẫu thuật của bác sỹ Trần Cảnh Toàn - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Vĩnh Linh đã thực hiện thành công ca phẫu thuật, súc rửa sạch dịch bẩn lẫn thức ăn trong ổ bụng, khâu lỗ thủng có đường kính khoảng 0,5 centimet trên bờ cong nhỏ dạ dày, đặt ống dẫn lưu, giải quyết tình trạng nhiễm trùng ổ bụng của người bệnh. Đến ngày 19-11, bệnh nhân hồi phục tốt sau 6 ngày được điều trị tích cực với huyết động ổn định, hết đau, bụng mềm, được rút bỏ các ống dẫn lưu và được cho ăn uống trở lại. Với sự phục hồi nhanh, sức khỏe ổn định, các bác sĩ cho biết, bệnh nhân sẽ được xuất viện vào ngày 23-11.
Loét dạ dày tá tràng là bệnh lý có tới 4 triệu người mắc mới mỗi năm trên thế giới, trong đó từ 2% đến 14% có biến chứng thủng ổ loét mà nam giới chiếm khoảng 90%, nhiều nhất ở độ tuổi từ 20 tuổi đến 40 tuổi chiếm khoảng 40%. Các nghiên cứu về nguyên nhân và yếu tố thuận lợi gây loét dạ dày tá tràng cho thấy, 90% trường hợp thủng ổ loét dạ dày tá tràng dương tính với vi khuẩn Helicobacter Pylori, người bệnh có sử dụng các thuốc gây loét như NSAID và Corticoid kéo dài, có tiền sử stress nặng, thời tiết chuyển từ mùa nóng sang mùa lạnh,... Do đó, khuyến cáo được bác sỹ Trần Cảnh Toàn đề cập tới trong tư vấn điều trị loét dạ dày tá tràng có những điều cần chú ý: “Khi có những triệu chứng bất thường, nhất là triệu chứng bất thường về đường tiêu hóa; người bệnh có tiền sử viêm loét dạ dày hay đang điều trị viêm loét dạ dày tá tràng, người uống thuốc giảm đau dài ngày,... thì nên đến bệnh viện để được khám, siêu âm, nội soi chẩn đoán và điều trị, tránh xảy ra những biến chứng đáng tiếc”.
Bội Nhiên