Xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát:

Bị cáo Trương Mỹ Lan “buông rèm nhiếp chính” SCB bằng 9 phương thức, thủ đoạn

Thứ tư, 13/03/2024 08:44
Ngày 12-3, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và các công ty, đơn vị liên quan với phần tham gia xét hỏi của các luật sư. Trong đó, nhóm bị cáo là cựulãnh đạo Ngân hàng SCB được luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan hỏi xung quanh vấn đề cầm cố tài sản, vay tiền của Trương Mỹ Lan và các đồng phạm…
Các luật sư bào chữa cho các bị cáo trong trong vụ án.
Từ trái qua, các bị cáo là cựu lãnh đạo SCB, gồm: Bùi Anh Dũng, Võ Tấn Hoàng Văn và Trần Thị Mỹ Dung khai báo tại tòa.

Trả lời xét hỏi của luật sư, các bị cáo trong nhóm cựu lãnh đạo SCB, gồm: Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT SCB); bị cáo Trương Khánh Hoàng (cựu quyền Tổng Giám đốc SCB); Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó Tổng Giám đốc SCB) lại thể hiện rõ quyền lực thao túng của bị cáo Trương Mỹ Lan đối với ngân hàng này. Trước đó, tại buổi xét hỏi chiều 11-3, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc SCB) cũng đã trả lời luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan.

Theo đó, các bị cáo cựu lãnh đạo SCB khẳng định, bị cáo Trương Mỹ Lan là người quyết định tại SCB; khi cần tiền, bà Lan sẽ tổ chức họp, chỉ đạo lập hồ sơ, giải ngân, và thực hiện các công việc liên quan. Về sổ, sách mặc dù bà Lan chỉ đứng 4,9% nhưng thực chất bị cáo Trương Mỹ Lan nắm phần lớn cổ phần SCB. Các cựu lãnh đạo SCB cũng khai nhận, bị cáo Trương Mỹ Lan thường triệu tập cuộc họp với lãnh đạo SCB để chỉ đạo giải ngân cho vay; những hồ sơ mà các bị cáo ký đều theo chỉ đạo của bị cáo Trương Mỹ Lan...

Như vậy, sau nhiều ngày xét hỏi của HĐXX, VKS và một số luật sư bào chữa cho các bị cáo đã phần nào làm rõ chuỗi phương thức, thủ đoạn của bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm. Qua đó cho thấy, bị cáo Trương Mỹ Lan là nhân vật trung tâm, điều khiển hầu hết các hoạt động tội phạm của các đồng phạm thông qua 9 phương thức, thủ đoạn; trong đó có nhiều thủ đoạn tinh vi, mang tính hệ thống, câu kết chặt chẽ trong quá trình gây án.

Cụ thể, thâu tóm cổ phần của SCB gần như tuyệt đối (91,5%); tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín của mình vào các vị trí chủ chốt tại SCB; thành lập một số đơn vị thuộc SCB chuyên trách cho vay, giải ngân theo yêu cầu của bị cáo Trương Mỹ Lan; chỉ đạo thành lập, sử dụng các công ty "ma" tạo lập hồ sơ vay khống; câu kết với các công ty liên quan, có hoạt động thực tế vay tiền SCB cùng sử dụng, chiếm đoạt; thông đồng với 5 công ty thẩm định giá để nâng khống giá trị tài sản bảo đảm; tạo lập số lượng rất lớn hồ sơ vay vốn khống để rút tiền từ SCB; lập phương án rút tiền, "cắt đứt" dòng tiền sau giải ngân; bán nợ xấu, bán các khoản cấp tín dụng trả chậm để giảm dư nợ tín dụng, giảm nợ xấu, để che giấu sai phạm.

Các luật sư bào chữa cho các bị cáo trong trong vụ án.

Về thủ đoạn thâu tóm cổ phần SCB, ngoài số cổ phần lớn nắm giữ từ trước, bị cáo Lan tiếp tục nhờ 73 cổ đông đứng tên sở hữu 85,606% cổ phần của Ngân hàng SCB để tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại ngân hàng này lên đến 91,545%. Đến tháng 10-2022, bị cáo Lan đã sở hữu, chi phối gần 1,4 tỷ cổ phần Ngân hàng SCB, chiếm 91,536% vốn điều lệ, do 27 pháp nhân trong và ngoài nước, cá nhân đứng tên giúp.Bằng cách thâu tóm, nắm giữ cổ phần chi phối, điều hành hoạt động ngân hàng qua các đối tượng chủ chốt, bị cáo Lan đã sử dụng Ngân hàng SCB như một công cụ tài chính, huy động tiền gửi và vốn từ các nguồn khác.

Tiếp đó, bị cáoTrương Mỹ Lan tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín tạo sự gắn kết chặt chẽ trong quá trình chi phối, chỉ đạo, điều hành toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB. Theo đó, bị cáo Lan đưa các cá nhân thân tín, có trình độ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nghe theo sự chỉ đạo của mình vào các vị trí chủ chốt tại Ngân hàng SCB. Thông qua các cá nhân này, bị cáo Lan điều hành toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB, trong đó có hoạt động cho vay.

Để rút được tiền từ SCB, bị cáo Lan đã điều hành, chỉ đạo các cá nhân thân tín giữ vai trò chủ chốt tại ngân hàng và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để chỉ đạo các đối tượng khác tại SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tổ chức thành lập nhiều bộ phận, đơn vị, công ty, thuê và sử dụng hàng nghìn cá nhân, câu kết chặt chẽ với nhau, thông đồng với các công ty thẩm định giá, triển khai rút tiền.

Một thủ đoạn chính tinh vi khác là thành lập các đơn vị thuộc Ngân hàng SCB chỉ để cho vay, giải ngân theo yêu cầu của bị cáo Lan. Cụ thể, từ năm 2020, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo bị cáo Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch HĐQT), bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc) và Nguyễn Phương H. (cựu Phó Tổng giám đốc) thành lập 3 đơn vị cho vay chỉ để phục vụ cho các khoản vay của bị cáo Lan. Từ ngày 3-6-2020 đến ngày 24-6-2020, 3 đơn vị cho vay trên đã lập hồ sơ, giải ngân cho gần 400 khoản vay, tổng dư nợ là 212.725 tỷ đồng.

Đặc biệt, thủ đoạn chỉ đạo thành lập các công ty “ma”, thuê, nhờ các cá nhân khác đứng tên hồ sơ, cổ phần, tài sản đảm bảo, ký hợp thức chứng từ rút, nộp tiền để tạo hồ sơ vay vốn khống, rút tiền của Ngân hàng SCB. Các công ty “ma” và các cá nhân được thuê, nhờ ngày càng nhiều thêm để phục vụ cho mục đích rút tiền từ Ngân hàng SCB của bị cáo Lan. Kết quả điều tra, xác minh, có 875 khách hàng, gồm 440 cá nhân, 435 pháp nhân đứng tên 1.284 khoản vay, được bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ đạo nhóm đối tượng tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thành lập, thuê hoặc nhờ người đứng tên.

T.H