Bi hài chuyện khách Tây chạy xe máy

Thứ hai, 17/10/2016 10:09

(Cadn.com.vn) - Ngày càng có nhiều du khách nước ngoài đến đô thị cổ Hội An (Quảng Nam) tham quan thì dịch vụ cho Tây thuê xe đạp, xe máy ở đây cũng nở rộ. Kéo theo đó là nhiều câu chuyện bi hài về chuyện Tây chạy xe máy. 

Đến Hội An, dễ dàng nhận thấy có nhiều điểm cho thuê xe ở khắp nơi, trong nội thành phố cổ, trước những khách sạn và khu resort. Chị H. (P. Cửa Đại), cho biết đã mở dịch vụ cho thuê xe gần 5 năm qua. Là chỗ quen biết nên một chủ khách sạn đồng ý để chị  để xe đạp, xe máy ở phía trước cho thuê. Chị H. nói: "Lúc trước còn ít, chứ bây giờ nhiều điểm cho thuê xe lắm nên thu nhập cũng thất thường. Ngày nhiều thì được vài trăm nghìn, có ngày chẳng có đồng nào". Theo chị H., phần lớn xe cho thuê là xe cũ được tân trang lại, xe đạp cho thuê với giá từ 30 đến 40 nghìn đồng/ngày, còn xe máy thì tùy loại mà có giá dao động từ 100 nghìn đồng trở lên. "Khách thuê xe của chị H. đa phần là khách Tây, thuê phòng trong khách sạn, nên thủ tục đơn giản. Khách Tây chỉ cần biết số phòng ở khách sạn, còn khách Việt thì cần có chứng minh thư", chị H. tâm sự.

Không có bằng lái, không am hiểu giao thông ở Việt Nam nên việc du khách nước ngoài chạy xe máy tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.

Đối với du khách nước ngoài, lái xe máy ngắm cảnh quanh Hội An, lên Mỹ Sơn, đến những vùng cát Duy Xuyên... là những trải nghiệm tuyệt vời. Tuy nhiên hình thức du lịch này lại kéo theo nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười. Anh Võ Văn Hậu (P.Minh An), mở dịch vụ cho thuê xe trên đường Cửa Đại kể, vì không có hợp đồng, nên nhiều khi khách trả xe không đúng hẹn hoặc bỏ xe lại các điểm du lịch. "Có lần, một ông khách thuê xe chạy lên Mỹ Sơn chơi. Sau khi quay về ổng nói  "xe kém, không chạy được nên bỏ lại trên Mỹ Sơn rồi", thế là tôi phải lên mang xe về, lúc kiểm tra mới biết xe bị lỏng bugi, chứ không có vấn đề gì", anh Hậu kể. Còn chị H. cho biết: "Phải nói là khách Tây thuê xe có trách nhiệm, đội mũ bảo hiểm và chạy xe đàng  hoàng. Nhưng cũng có nhiều người khi uống rượu vào là chạy rất ẩu, vượt đèn đỏ, tự gây tai nạn. Có lần cảnh sát giao thông xử phạt một khách Tây thuê xe của tôi vượt đèn đỏ, người khách này sau đó không chịu nộp phạt nên mình phải bỏ tiền ra nộp để lấy xe về", chị H. kể. Không chỉ có thế, việc khách Tây để quên cũng diễn ra thường xuyên. Mới đây, 4 du khách nước ngoài hớt hải đến Trung tâm Hỗ trợ du khách Quảng Nam báo mất xe đạp khi để trên vỉa hè tại các tuyến đường khu vực phố cổ Hội An. Khi Trung tâm xác minh thì mới hay những du khách này để xe không đúng quy định trong phố cổ nên được Đội Kiểm tra Trật tự Đô thị đưa về nơi cất giữ. Hay trường hợp của một du khách Nhật đến Trung tâm đề nghị hỗ trợ tìm lại xe máy, tuy nhiên khi hỏi thì chị này nói "không nhớ đã để ở khu vực nào". Cũng có nhiều trường hợp khách Tây phải đền tiền vì để mất xe. Như chuyện một du khách Đan Mạch để xe Nouvo trên đường Phan Châu Trinh (Hội An) vào tối ngày 6-9, đến khuya quay ra thì không thấy xe đâu nữa. Sau đó vị khách này phải đền 500 USD cho điểm cho thuê xe.

Dịch vụ cho du khách thuê xe, dù tạo ra thu nhập cho nhiều cư dân ở Hội An, tuy nhiên nó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro tai nạn giao thông. Theo phản ánh của nhiều người dân, tình trạng du khách nước ngoài chạy xe máy ẩu, không đội mũ bảo hiểm diễn ra khá thường xuyên, nhất là vào ban đêm. Điều đáng nói, hầu như du khách nước ngoài chạy xe máy ở Hội An đều không giấy phép lái xe. Trước đây, ở Hội An đã có trường hợp du khách nước ngoài chạy xe máy tử vong vì tự gây tai nạn. Dù chính quyền địa phương biết tình trạng du khách nước ngoài sử dụng xe máy là vi phạm nhưng việc xử lý rất nan giải. Thiếu tá Trần Công Đức-Đội phó Đội cảnh sát giao thông (CATP Hội An) cho biết, việc xử lý đối với du khách nước ngoài đi xe máy rất khó khăn. "Thời gian qua, chúng tôi đã ra quân xử lý và nhắc nhở nhiều trường hợp du khách nước ngoài điều khiển xe máy. Phần lớn các trường hợp khi kiểm tra đều không có giấy phép lái xe. Trong năm 2015, chúng tôi xử lý 20 trường hợp nhưng chỉ có 1 người có giấy phép lái xe. Còn trong 9 tháng đầu năm 2016, chỉ có một trường hợp du khách nước ngoài bị thương nhẹ khi điều khiển xe máy. Chúng tôi chỉ tập trung xử phạt những trường hợp nào không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ và chạy ẩu. Vì Hội An là thành phố du lịch nên cũng phải tạo điều kiện cho du khách được tham quan" - Thiếu tá Trần Công Đức nói. Nhiều trường hợp khi lập biên bản thì du khách nước ngoài không hợp tác, dù biết tiếng Anh nhưng họ lại sử dụng ngôn ngữ khác, nên việc lập hồ sơ xử lý rất nan giải. Ngoài ra, có nhiều du khách nước ngoài đến Việt Nam du lịch thì mua xe máy, sau đó chạy qua nhiều tỉnh thành vui chơi, tham quan, trước khi về nước bán lại cho người dân với giá rẻ. Điều này gây khó khăn cho việc quản lý, bởi những xe này không có giấy tờ hợp lệ".

Không riêng gì Hội An, mà việc khách nước ngoài sử dụng xe máy để du lịch cũng diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước, vì thế đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có các giải pháp quản lý, hạn chế xảy ra những tai nạn, rắc rối đáng tiếc.

Minh Hà