Bí quyết thành công của chàng kỹ sư trẻ

Thứ bảy, 19/03/2022 14:20

Đam mê cơ khí và khoa học công nghệ từ nhỏ, Hồ Xuân Vinh đã luôn nỗ lực phấn đấu học tập, nghiên cứu để theo đuổi đam mê. Với tố chất thông minh, năng động và sáng tạo, chàng kỹ sư trẻ này đã nghiên cứu thành công hàng loạt sáng chế, trong đó có nhiều sáng chế góp phần bảo vệ môi trường. Mới đây, anh vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về những thành tích trong khoa học công nghệ.

Hồ Xuân Vinh vinh dự được chụp ảnh lưu niệm cùng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong buổi lễ trao giải cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo.

Hồ Xuân Vinh (1987) sinh ra và lớn lên ở xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An trong gia đình giàu truyền thống về lĩnh vực khoa học công nghệ. Năm 2012, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo thạc sỹ tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, Hồ Xuân Vinh về quê tiếp tục sự nghiệp của gia đình. Vốn có đam mê cơ khí từ nhỏ lại được may mắn nối nghiệp của bố, Vinh đã nhanh chóng vận dụng những kiến thức học được và cho ra nhiều sản phẩm sáng chế có chất lượng cao. Sau khi điều hành nhà máy cơ khí Hoàn Cầu, Hồ Xuân Vinh đã thành công trong sáng chế ra máy sản xuất gạch không nung. “Theo đánh giá của tôi thì trên thị trường máy sản xuất gạch rất ít, năng suất thấp nhưng giá thành cao. Trong khi đó, cơ chế bây giờ có sự chuyển dịch từ vật liệu nung sang vật liệu không nung nên tôi quyết định sáng chế ra máy sản xuất gạch không nung. Đây cũng là sáng chế thành công đầu tiên sau khi tôi về quê làm việc”, kỹ sư Hồ Xuân Vinh cho biết.

Theo anh Vinh, ở xã Quỳnh Văn hiện có hơn 250 máy gạch không nung do công ty TNHH Hồ Hoàn Cầu cung cấp, đã tạo thành một làng nghề gạch không nung bền vững, tạo sinh kế cho hàng trăm cơ sở sản xuất và việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương. Đây cũng là xã duy nhất và đầu tiên của cả nước có làng nghề gạch không nung, là điểm sáng trong Chương trình 567 của Chính phủ, Bộ Xây dựng về phát triển gạch không nung.

Tiếp đó, năm 2014, kỹ sư Hồ Xuân Vinh đã cải tiến thành công máy đóng gạch bằng tay lên máy ép gạch cơ; cải tiến, phát triển dòng máy ép gạch cơ lên dòng máy ép gạch công nghệ thủy lực 2 chiều; máy ép gạch thế hệ thứ 9 với tính năng tự động hoàn toàn có công suất 15.000 viên/ca. Sản phẩm sau đó đã đoạt giải nhất Cuộc thi “Sáng tạo khoa học và công nghệ Nghệ An” năm 2017 và được khách hàng phản hồi rất tích cực. “Đối với một sáng chế khoa học, công nghệ điều đầu tiên là phải đánh giá được tính khả thi và tính ứng dụng vào cuộc sống. Ngoài yếu tố vốn và kỹ thuật, đòi hỏi phải có sự kiên trì, tìm tòi, sáng tạo mới cho ra được sản phẩm hoàn thiện”, Hồ Xuân Vinh chia sẻ bí quyết thành công của mình.

Cùng với nhiều sáng chế trong lĩnh vực khoa học công nghệ và giành được thành tích nên năm 2017, Hồ Xuân Vinh được Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Thế giới, Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam chọn làm Chủ nhiệm và tài trợ dự án sáng tạo chống biến đổi khí hậu với đề tài “Giảm sử dụng đất sét nông nghiệp, giảm khí thải, giảm lượng chất đốt tiêu thụ của việc sản xuất gạch không nung bằng giải pháp máy đúc gạch không nung Hồ Hoàn Cầu”. Sau 1 năm thực hiện, dự án đã vượt qua chỉ tiêu và được đánh giá rất cao khi cung cấp ra thị trường 520 bộ máy, sản xuất được 728 triệu viên gạch.

Kỹ sư Hồ Xuân Vinh (phải) hướng dẫn công nhân vận hành máy.

Hiện tại, một số sản phẩm được Vinh phát triển thành công và tung ra thị trường như máy ép gạch Terrazzo, máy bẻ đai thép tự động, máy trộn bê tông tươi. Từ 2 dòng sản phẩm ban đầu, hiện nhà máy cơ khí Hồ Hoàn Cầu đã có 16 danh mục sản phẩm. Các dây chuyền sản xuất vật liệu không nung Hồ Hoàn Cầu hiện đã có mặt tại tất cả 63 tỉnh thành trong cả nước và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như Lào, Campuchia, Thái Lan, Angola...

Không chỉ tạo ra nhiều sản phẩm máy móc góp phần quan trọng trong lao động sản xuất, kỹ sư Hồ Xuân Vinh còn nghiên cứu, sáng tạo ra hàng loạt sản phẩm góp phần bảo vệ môi trường. Đó là sáng chế thành công máy chế biến sợi từ thân chuối. “Dây chuyền này có thể chẻ, tách sợi từ thân chuối, biến bẹ chuối thành một lượng sợi lớn làm nguyên liệu cho nhiều ngành ở Việt Nam như ngành sợi thời trang, bao bì, giấy. Ngoài ra, phần bã chuối sẽ được ép tách bã khô và nước, sau đó nước sẽ được ủ lên men để thành nước dinh dưỡng giàu Kali là phân bón hữu cơ rất tốt cho cây trồng, còn bã có thể làm các loại bát, dĩa, khay dùng 1 lần hay ủ làm phân hữu cơ bón lại chính các vườn chuối. Dây chuyền này sẽ giúp người nông dân có thêm nguồn thu nhập ổn định”, kỹ sư Hồ Xuân Vinh chia sẻ.

Năm 2021, Hồ Xuân Vinh mạnh dạn thành lập Công ty TNHH ABACA Việt Nam và làm ra dây chuyền công nghệ, các mô hình để chứng minh tính hiệu quả. Mô hình sáng tạo này đã được giới thiệu trong diễn đàn thanh niên quốc tế 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia, được Cụm đoàn Bắc Trung bộ chứng nhận là mô hình sáng tạo tiêu biểu cấp cụm năm 2021. Ngoài ra, dự án Phát triển ngành sợi chuối Việt Nam đã đạt nhiều giải thưởng lớn trên lĩnh vực khoa học công nghệ.

Anh Đặng Ngọc Minh, Bí thư Huyện đoàn Quỳnh Lưu cho biết, đồng chí Vinh đang là Ủy viên Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên huyện Quỳnh Lưu, một gương sáng về khởi nghiệp, làm kinh tế giỏi. Đồng chí vừa tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương và có nhiều đóng góp trong hoạt động thiện nguyện tại địa phương.

Luôn luôn nỗ lực và có nhiều sản phẩm chất lượng, kỹ sư trẻ Hồ Xuân Vinh là tấm gương sáng cho đoàn viên, thanh niên học tập. Với những cống hiến này, anh vinh dự được trao tặng giải thưởng Lương Định Của năm 2021 và được Thủ tướng chính phủ tặng bằng khen.

Dương Hóa