Biên cương xanh màu áo lính

Thứ tư, 21/06/2023 16:25
Đang là giảng viên Đại học Phòng cháy chữa cháy tại Hà Nội, Thượng úy Hà Văn Tuấn được điều động về xã biên giới Ch’ơm huyện Tây Giang (Quảng Nam). Những bỡ ngỡ ban đầu nhanh chóng qua đi với sự hòa nhập nhanh với đồng chí, đồng đội và người dân ở vùng đất biên cương này.
Thượng úy Tuấn đến từng nhà dân tuyên truyền, nâng cao nhận thức về PCCC.
Thượng úy Hà Văn Tuấn

Cuối năm 2021, Tuấn là một trong số gần 400 cán bộ trẻ công tác tại các cơ quan Bộ Công an được điều động nhận công tác tại các xã biên giới trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự. Tạm biệt vợ con nơi thủ đô, Tuấn khoác ba lô đến Ch’ơm xa xôi, hẻo lánh trong những ngày mưa cuối năm, đường đèo sạt lở. Dù đã mường tượng trước khó khăn, chuẩn bị sẵn tâm lý tại nơi mình sẽ đến, nhưng Tuấn cũng không ngờ thực tế điều kiện lại khắc nghiệt đến vậy. Nào là cúp điện, mưa giông, trạm sóng điện thoại bị sét đánh và nhất là cái lạnh 6-7 độ C. Trong khi đó, trụ sở Công an xã chưa có, phải ở nhà tạm. Đang đêm mưa thì nhận tin báo trong thôn, vội vã khoác áo mưa, cuốc bộ mấy cây số để xử lý... Tuy nhiên, với Tuấn kỷ niệm khó khăn thuở ban đầu là những gì khó phai nhất.

Với chuyên môn sẵn có, nhận thấy điều kiện PCCC của người dân Ch’ơm còn hạn chế, Tuấn cùng tập thể Công an xã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao nhận thức, triển khai nhiều giải pháp xử lý cháy nổ hiệu quả đến từng hộ. Đến nay, hầu hết bà con đã nắm kiến thức cơ bản về PCCC trong nấu ăn, sử dụng các thiết bị điện, bếp gas cũng như cách khắc phục, kỹ năng xử lý sự cố. Có gì dùng nấy, cầm tay chỉ việc, rất thiết thực nên người dân rất hào hứng, tham gia sôi nổi. Chẳng hạn khi làm nhà gỗ đường điện phải có ống gen, công tắc điện không được để gần bếp, không làm giàn chứa củi, không đốt lửa sưởi ấm ngay trong nhà, dưới giường như tập quán… Và ngược lại, khi đun nấu bếp củi phải có người lớn trông coi, khi đi làm, đi ngủ phải dùng nước dập tắt bếp, tránh gió làm bay tàn vào vật dễ cháy...

Thượng úy Hà Văn Tuấn hướng dẫn người dân Ch’ơm sử dụng bình chữa cháy.

Những kỹ năng tưởng như đơn sơ ấy, lại ứng dụng hiệu quả trong thực tế và làm thay đổi nhận thức người dân một cách dân dã nhất. Anh Alăng Nhị ở thôn Achoong chỉ tay vào những vết đen sạm còn sót lại trong căn nhà bị cháy của mình kể, nếu không được Công an xã hướng dẫn, sử dụng bình chữa cháy thì vụ cháy nhà anh đã để lại hậu quả lớn. Khi đám cháy xuất hiện, khói bao trùm, con anh đang ngủ trong phòng, không hay biết gì. Khi phát hiện cháy, hàng xóm sử dụng ngay bình chữa cháy dập tắt, xong xuôi con anh mới thức giấc, ngơ ngác hỏi chuyện vừa xảy ra.

Đại úy Lê Trường Sơn - Phó trưởng Công an xã Ch’ơm cho biết, cách tuyên truyền PCCC của Tuấn rất gần gũi, nhiệt tình, vì vậy bà con tham gia sôi nổi, hiệu quả tiếp thu, ứng dụng rất cao. Nhờ có chuyên môn sâu về PCCC, lại nhiệt tình, năng nổ nên Tuấn có đóng góp lớn trong việc đưa Ch’ơm là xã đầu tiên thực hiện mô hình tổ liên gia an toàn PCCC trên địa bàn Tây Giang. Hiện 7/7 thôn của xã đều có tổ liên gia, người dân đều được trang bị kiến thức, kỹ năng chữa cháy, thoát nạn. Sắp tới xã sẽ ra mắt mô hình thôn an toàn phòng cháy với 100% các hộ trong thôn được trang bị bình chữa cháy.

Thượng úy Tuấn đến từng nhà dân tuyên truyền, nâng cao nhận thức về PCCC.

Thượng úy Hà Văn Tuấn chia sẻ, trong quá trình công tác ở Ch’ơm anh nhớ nhất kỷ niệm những ngày mùa gặt xuống hỗ trợ bà con thu hoạch, phơi lúa, những phút giây lao động hồ hởi, thân thiết, được đồng bào đùm bọc, yêu thương. Đây là những trải nghiệm, mang theo trong hành trang người lính, sau này về đơn vị cũ công tác anh sẽ rất nhớ. Đến một vùng đất xa lạ với mình, Tuấn không khỏi bỡ ngỡ, nhưng như anh tâm sự, bản thân đã tìm được nguồn động lực rất lớn chính là niềm tin của bà con nơi đây dành cho Công an xã. Bà con cần mình, vì vậy mình phải nỗ lực hết sức, phát huy tất cả những gì mình có để phục vụ bà con. Tuấn tâm sự, chính việc về địa bàn còn nhiều khó khăn, khắc nghiệt như Ch’ơm đã giúp anh có những trải nghiệm thực tiễn, trưởng thành nhiều hơn trong cuộc sống, công việc. Đã trải qua những ngày tháng ở đây thì đi bất cứ địa bàn nào cũng không thấy khó, thấy khổ nữa. Tuấn nói mình đã thu nạp được nhiều kiến thức thực tiễn từ cơ sở khi ở Ch’ơm, điều này hỗ trợ rất nhiều trong công tác chuyên môn, giảng dạy trên giảng đường hay thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học sau này.

Thiếu tá Ngô Văn Thìn- Phó trưởng Công an huyện Tây Giang cho biết, Ch’ơm là xã biên giới xa nhất, cách trung tâm huyện 65km, đường đi rất khó khăn. Từ khi Thượng úy Tuấn được Bộ tăng cường về Công an xã đã phát huy tốt sở trường chuyên môn trong lĩnh vực PCCC, tích cực tham mưu, triển khai xây dựng mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC và điểm chữa cháy công cộng. Đến nay, cả 2 mô hình này đã triển khai đến 100% hộ dân tại xã. Thiếu tá Ngô Văn Thìn nói: “Vùng biên giới được xác định là phên giậu của Tổ quốc, những nơi xa xôi, trọng điểm an ninh trật tự. Tôi thấy chủ trương tăng cường Công an chính quy về xã biên giới của Bộ Công an hết sức đúng đắn, thể hiện sự quan tâm sâu sát của Bộ với cơ sở. Những đồng chí được tăng cường về đều được đào tạo cơ bản, kinh qua nhiều vị trí công tác, có chuyên môn cao, về đây đã giúp lực lượng công an cơ sở có sự thay đổi từ trong tư duy nhận thức, phương thức, cách làm, đặc biệt công tác tham mưu với địa phương, phát huy được vai trò Công an chính quy ở xã, đảm bảo tốt 2 nhiệm vụ chiến lược là an ninh trật tự và phát triển kinh tế - xã hội”.

THÀNH NAM