Biến nghĩa PR & lằn ranh vinh – nhục (4)

Thứ sáu, 28/11/2014 10:58

* Kỳ cuối: Mua vui cũng được một vài trống canh

(Cadn.com.vn) - Biến nghĩa nghề PR nở rộ hoạt động với đủ "công nghệ" mà trong khuôn khổ loạt phóng sự này, chúng tôi không thể kể hết được. Từ anh xe thồ, tài xế taxi, sinh viên, lao động phổ thông phục vụ quán nhậu đến các "đào" gửi tuổi xuân ở nhà hàng, quán bar... nghĩ ra trăm chiêu, ngàn kế kiếm tiền bằng cách mặc cho mình chiếc áo "PR".

Xin khẳng định lại rằng, rất nhiều người đang kiếm sống bằng nghề PR chân chính, nhưng cũng có không ít những người nhập vai PR biến nghĩa rồi đánh mất mình, số ít còn lại chẳng bám trụ nghề được lâu. Nói công tâm, trong số đối tượng hành nghề như những gì chúng tôi ghi lại, cách làm PR của những tài xế taxi, xe thồ tạm được xem là kiếm tiền "trong sạch" hơn so với cánh nhân viên PR nhà hàng, quán nhậu, trong bar, vũ trường đổi nhân phẩm lấy khoản tiền "bo", "đi khách". Có cầu ắt có cung, những xe thồ, taxi cho rằng dắt mối, giới thiệu khách nhận khoản "huê hồng" từ chủ nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng, quán ăn là lẽ đương nhiên. Nhưng một số bộ phận trong số họ khi vượt khỏi lằn ranh giới "bẩn" - "sạch", trở thành kẻ tiếp tay cho những hành vi sai trái. Điển hình như Tr. xe ôm, K. lái taxi, giới thiệu khách hưởng "huê hồng", dẫn khách có nhu cầu đến những điểm khách sạn, nhà nghỉ có hoạt động mại dâm, hay móc ngoặc với chủ nhà hàng, quán nhậu nâng giá kiếm chênh lệch là điều xã hội không chấp nhận.

Trở lại câu chuyện của những nhân viên PR làm việc trong các điểm kinh doanh nhạy cảm, công việc chạy sô kiếm tiền của họ cũng để lại cho đời khá nhiều chuyện bi hài. Chuyện cô sinh viên Th. làm PR cho nhà hàng S. đường Quang Trung là dẫn chứng điển hình. Trải qua nhiều năm chiều "thượng đế" trên bàn nhậu, sẵn sàng ngã giá đáp những chuyến "bay đêm" đến khách sạn cùng khách, có những lúc cô đã từng chạm trán tình huống bất ngờ để rồi nhận lãnh những tiếng nhơ nhuốc, thị phi. Đầu năm 2014, Th. bước vào năm thứ 3 của đời sinh viên, vô tình cô "chiều" đúng khách là anh chàng sinh viên cùng trường. Ngay ngày hôm sau, thông tin được truyền qua nhiều lớp, rằng Th. là gái ôm bàn nhậu, gái gọi cao cấp.

Cánh nhân viên, PR cho các điểm kinh doanh nhạy cảm hiện nay sẵn sàng "chiều" khách tới Z.

Chuyện của chân dài Ánh "sào" và Thương "bông" nghe ra bi đát cũng không kém. Theo lời B "camry" kể thì hằng tháng có thể mỗi nàng kiếm ra hàng chục triệu từ tiền "bo" của khách và những "hợp đồng" cho thuê tình yêu, đóng giả thư ký cho các Cty "chiều" đối tác, nhưng mấy ai biết được cả hai giờ đã trở thành những con nợ của dân xã hội đen. Đơn giản, suốt chuỗi ngày làm nghề, vì thích xài xe sang, điện thoại, Ipad, giày dép, quần áo hàng hiệu, họ đã bước vào con đường vay nóng hàng chục triệu đồng hình thức trả góp gốc và lãi với mức lãi cắt cổ lên đến 30-40% mỗi tháng vì nghề PR chạy xô của mình có thể trang trải được. Bây giờ, có những tháng chỉ trả nổi lãi, nên số nợ ngày càng phát sinh. Kẻ cho vay thì buộc viết giấy nợ, nên họ chỉ có cánh bay lên trời mới thoát. Lâm cảnh nợ nần, Ánh và Thương giờ đây không còn tỏ ra mình cao giá như trước nữa. Nếu như lúc đang ở thế túi tiền rủng rỉnh, mỗi lần khách muốn "qua đêm", phải 3-4 triệu đồng họ mới gật đầu, giờ thì 1,5 - 2 triệu đồng họ chịu ngay. Không chỉ nhà hàng, quán nhậu, đêm đêm ở bar, họ còn tăng ca đến cả karaoke khoe "hàng" tìm mối.

Chuyện như Ánh và Thương đang sa lầy trong chuỗi ngày nhục nhã bán thân nuôi miệng, trả lãi vay nóng bây giờ nhìn thấy nhan nhản trong cánh "đào" núp bóng PR cho nhà hàng, vũ trường, karaoke. Nhân viên một văn phòng luật sư tại Đà Nẵng kể với chúng tôi rằng, có năm văn phòng nhận hàng chục đơn đòi nợ, mà tìm hiểu kỹ ra mới biết liên quan đến gái gọi, "bóng hồng" làm việc cho những điểm kinh doanh nhạy cảm như Ánh và Thương đã dính. Vì không chịu nổi áp lực lãi của bên cho vay là xã hội đen, có người trong số họ phải bỏ Đà Nẵng biến biệt đi nơi khác. Dù có biết quê quán cũng chịu thua, bởi lâu nay chuyện vay mượn dưới hình thức giấy viết tay rất khó xử lý hình sự. Theo luật sư Đỗ Pháp (Văn phòng Luật sư Đỗ Pháp Đà Nẵng), hầu hết những vụ việc diễn ra đều hình thành từ mối quan hệ quen biết nhau nên cho vay theo kiểu không thế chấp, chỉ có giấy viết tay, có sự thỏa thuận của đôi bên về lãi suất, nên mọi việc đang diễn ra theo kiểu quan hệ thuần túy. Trong khi đó, cơ quan pháp luật không thể phân định được hành vi thuộc về dân sự hay hình sự nên còn lúng túng trong xử lý, giải quyết.

Chuyến thực tế thực hiện loạt bài viết này, chúng tôi nghiệm ra một điều, rằng phần lớn các "đào" núp bóng tiếp thị bia rượu, nhân viên, PR cho nhà hàng, bar, vũ trường hay karaoke, họ có một điểm chung: Sẵn sàng chiều khách tới bến. Cánh PR này cũng có chiêu làm giàu cho chủ kinh doanh và ai cũng uống rượu bia khá sành điệu. Khi tôi đặt câu hỏi: Uống nhiều có say không? Câu trả lời tôi nhận được là, có mệt chứ không say. Để nuôi hy vọng kiếm thật nhiều tiền "bo", "bay" cùng khách những chuyến "tàu nhanh" hay qua đêm, mỗi ngày họ đều phải sử dụng thuốc chống say để đủ tỉnh táo phục vụ "thượng đế" hết mình. Với các "đào" lỡ chân bước sâu vào cuộc sống buông thả thì dính nợ nần, sử dụng hàng "đá", thuốc lắc là điều gần như có tính quy luật. Có trường hợp còn tìm cách ăn gian "thượng đế" ở những cuộc vui như bày trò có chuyện riêng phải giải quyết hòng kiếm tiền "bo" nhanh rồi chạy xô tới những phòng nhậu khác. Thậm chí có người lợi dụng chút nhan sắc đưa khách vào tròng, vờ vĩnh có thai để liên tục cặp kè, hù dọa kiếm tiền bao.

Bản chất của cánh PR chốn ăn chơi nhạy cảm là thế. Bắt đầu làm quen gặp mặt "thượng đế" có thói trăng hoa, bất kỳ ai trong số họ cũng thở ngắn than dài, bịa đủ chuyện buồn chán nên mới phải sống cuộc sống buông thả. Nhưng rồi những cuộc "tình hờ" chóng vánh của họ cũng chỉ mua vui được vài trống canh mà thôi, bởi khi nhan sắc tàn úa, lại lâm vào cảnh khốn đốn của đủ thứ cám dỗ, họ có muốn quay đầu trở lại thì chẳng dễ chút nào...

Phóng sự: NHÓM PHÓNG VIÊN XÃ HỘI