“Biệt phủ chui” giữa rừng của “ông trùm lò gạch” Phan Ngọc Anh
Về khu Tây huyện Duy Xuyên (Quảng Nam), dường như không ai không biết đến “ông trùm lò gạch” Phan Ngọc Anh- Đại diện pháp luật Công ty TNHH vật liệu xây dựng Phan Ngọc Anh. Ông Anh không chỉ được biết đến là chủ nhà máy sản xuất gạch Tuynel lớn nhất nhì tỉnh Quảng Nam mà còn là chủ một doanh nghiệp liên tục dính nhiều “phốt” trong hoạt động khai thác khoáng sản tại địa phương.
Trung tâm khu “biệt phủ” của ông Anh với cụm nhà rường, nhà thủy tạ, hồ nước. |
Dựng “biệt phủ chui” giữa rừng
Nửa năm trở lại đây, người dân địa phương “mắt tròn, mắt dẹt” khi thấy khu vực rừng trồng giáp ranh giữa xã Duy Thu và Duy Phú (H. Duy Xuyên) “mọc” lên nhiều công trình nhà cửa, kênh mương, vườn trại... rất hoành tráng. Từ bên ngoài trông vào quần thể kiến trúc đã xây dựng và đang hoàn thiện này không khác gì một khu “biệt phủ”.
Sáng 25-12, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã đến tận nơi để “mục sở thị” khu “biệt phủ” được cho là của ông Phan Ngọc Anh. Từ đường đi vào hướng Khu di tích Mỹ Sơn rẽ lên QL14H, vừa đi qua cầu Thạch Bàn 2 (Km48+260,43 QL14H), chúng tôi rẽ phải vào con đường bê-tông và đi chừng 500m thì tới khu “biệt phủ”. Từ ngoài trông vào, dễ dàng nhận ra nhiều ngôi nhà kiểu dáng nhà rường, nhà thủy tạ (kiểu nhà rường) được dựng liền lạc trong khu vực trung tâm, ngoài ra các phần diện tích còn lại đã được trồng các loại cây, hoa, tiểu cảnh...
Sáng cùng ngày, trao đổi với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng , ông Nguyễn Thanh Vũ - Chủ tịch UBND xã Duy Thu, cho biết: Khu vực có công trình xây dựng nói trên rộng khoảng 16 ha là đất rừng sản xuất thuộc thôn Phú Đa 2 và thôn Thạnh Xuyên (xã Duy Thu). Ông Phan Ngọc Anh đã mua lại diện tích đất trồng rừng của nhiều hộ dân làm tờ trình gửi UBND xã Duy Thu và UBND H. Duy Xuyên xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất rừng sản xuất sang đất trang trại. Tuy nhiên đến thời điểm này, 16 ha đất rừng sản xuất mà ông Anh nhận chuyển nhượng của người dân vẫn chưa được tỉnh Quảng Nam cho phép chuyển đổi mục đích. Cũng theo ông Vũ, những công trình xây dựng trên diện tích đất trồng rừng nói trên được thi công từ giữa năm 2019.
Chưa được cấp phép xây dựng nhưng các công trình nhà cửa trong khu “biệt phủ” gần như đã hoàn thiện. |
Tiếp tục tìm hiểu vấn đề trên, chiều 25-12, ông Phạm Văn Sang- Trưởng phòng TN&MT H. Duy Xuyên xác nhận với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, diện tích đất rừng sản xuất ông Anh nhận chuyển nhượng chưa được UBND tỉnh phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất trang trại. Ngoài ra, ông Sang cũng cho rằng, việc ông Anh xây dựng công trình nhà cửa, vườn trại... tại khu vực nói trên không đúng quy định của Luật Đất đai. Ông Sang cũng cho biết thêm, trong chiều 25-12, lãnh đạo H. Duy Xuyên đã tiến hành họp nghe báo cáo về vụ việc này để có hướng giải quyết.
Như vậy, đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định khu “biệt phủ” của ông Phan Ngọc Anh xây dựng trên đất rừng sản xuất; dự án trang trại của ông Anh cũng chưa được cơ quan chức năng cấp phép, các công trình xây dựng này cũng hoàn toàn xây dựng trái phép...
Vườn hoa, tiểu cảnh... trong khu “biệt phủ” đã được trồng, tạo dựng hoàn chỉnh. |
Sai phạm có hệ thống
Nói thêm về Công ty TNHH vật liệu xây dựng Phan Ngọc Anh mà ông Anh làm đại diện pháp luật, đã nhiều lần “dính phốt” trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên khoáng sản. Báo Công an TP Đà Nẵng đã nhiều lần phản ánh những sai phạm của doanh nghiệp này liên tiếp trong các năm 2015, 2016, 2018.
Cụ thể, tháng 5-2015, nhiều hộ dân ở thôn Phú Đa 2 (xã Duy Thu, H. Duy Xuyên, Quảng Nam) bức xúc phản ánh khu “trang trại” của ông Phan Ngọc Anh tại thôn Phú Đa 2 ngang nhiên khai thác đá trái phép. Khu “trang trại” trên rộng khoảng 5ha, nằm cạnh nhà máy gạch Duy Thu (thuộc Cty TNHH vật liệu xây dựng Phan Ngọc Anh). Khi đó, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã làm việc với Chủ tịch UBND xã Duy Thu và cán bộ địa chính xã này thì được biết, khu đất này do ông Phan Tám (người cùng xã) chuyển nhượng lại cho ông Phan Ngọc Anh để ông Anh làm “trang trại kiểu mẫu”. Thế nhưng, tại thời điểm đó, lãnh đạo Phòng TN&MT H. Duy Xuyên khẳng định với PV Báo Công an TP Đà Nẵng: “Huyện chưa hề nhận báo cáo, hồ sơ nào về việc khu trồng cây lâu năm của ông Phan Ngọc Anh là khu “trang tại kiểu mẫu” như lời của Chủ tịch UBND xã Duy Thu”. Không chỉ vậy, hoạt động khai thác đá chẻ và chở ra khỏi “khu trang trại” cũng đã bị lực lượng CAH Duy Xuyên chặn bắt vào chiều 25-5-2015.
Đến năm 2016, Cty TNHH Phan Ngọc Anh tiếp tục bị phát hiện đã “tận thu” hàng triệu mét khối đất để sản xuất gạch bán ra bên ngoài. Cty Phan Ngọc Anh lợi dụng việc được một đơn vị Nhà nước hợp đồng san ủi mặt bằng hàng chục héc-ta tại khu vực sân bay cũ (giáp ranh giữa 2 xã Duy Thu và Duy Phú) đã đào múc hàng triệu khối đất cao lanh đưa về tập kết ngay trong nhà máy sản xuất gạch của Cty tại xã Duy Thu.
Và năm 2018, Cty TNHH Phan Ngọc Anh tiếp tục bị “bóc phốt” lợi dụng việc cải tạo đất trồng dâu nuôi tằm tại xã Duy Châu (H. Duy Xuyên, Quảng Nam) để khai thác cát trái phép đưa ra khỏi địa phương. Được biết, giữa tháng 5-2018, UBND xã Duy Châu có tờ trình gửi UBND H. Duy Xuyên về việc cải tạo đất trồng màu tại thôn Thọ Xuyên (xã Duy Châu). Sau đó, UBND H. Duy Xuyên có tờ trình gửi UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị phê duyệt “Phương án cải tạo đất trồng dâu nuôi tằm” nên ngày 27-6, UBND tỉnh Quảng Nam có Công văn 3464/UBND-KTN đồng ý phương án cải tạo đất “trồng dâu nuôi tằm”, nhưng yêu cầu: “Lượng cát bóc lấy đi ở thôn Thọ Xuyên chỉ vận chuyển đến xã Duy Phú để cải tạo thành phần cơ giới đất; không được mua bán, vận chuyển và sử dụng vào mục đích khác...”. Thế nhưng, lợi dụng chủ trương trên, Cty Phan Ngọc Anh đã múc cát chở ra ngoài dự án “Trồng dâu nuôi tằm”; ngoài ra Cty này còn ngang nhiên khai thác cát trái phép ngoài khu vực được cấp phép cải tạo...
QUANG PHÚC