Biểu tình bùng nổ khắp nước Mỹ

Thứ sáu, 11/11/2016 10:08

(Cadn.com.vn) - Chiến thắng bất ngờ của ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump đã làm bùng nổ những cuộc biểu tình khắp các thành phố lớn ở Mỹ.

Hàng ngàn người biểu tình xuống đường ở nhiều thành phố của Mỹ để phản đối việc tỷ phú Donald Trump đắc cử tổng thống. Họ tràn ngập các đường phố. Họ hô vang các khẩu hiệu chống ông Trump, “đó không phải là tổng thống của chúng tôi”. Họ đốt hình nộm của vị tỷ phú này. Họ tụ tập gần Nhà Trắng, chán nản và mất tinh thần.

Người biểu tình phản đối Tổng thống đắc cử Donald Trump tại Manhattan, New York
vào tối 9-11 (sáng 10-11, giờ Việt Nam). Ảnh: Reuters

Lo sợ cho tương lai nước Mỹ

Tại các thành phố, từ Boston đến Los Angeles, hàng ngàn người biểu tình tụ tập từ tối 9-11 (sáng 10-11, giờ Việt Nam) để phản đối kết quả bầu cử đã giúp ông Trump vào Nhà Trắng, lo ngại về một tương lai tồi tệ và đầy chia rẽ cho nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump.

Hơn 5.000 người tụ tập tại cuộc biểu tình lớn ở New York – bang sắc xanh vốn có truyền thống ủng hộ đảng Dân chủ. “Tôi xuống đường với nhiều nỗi sợ hãi ngay khi tôi nhìn thấy kết quả”, Reuters dẫn lời người biểu tình Nick Powers cho biết. Người biểu tình này nói rằng, ông lo sợ Tổng thống đắc cử Trump sẽ ủng hộ mạnh mẽ các chính sách “stop-and-frisk” (chặn lại và khám xét) đẩy nhiều người vào tù. Nhiều người khác lo lắng, chiến thắng của Trump sẽ khuyến khích những quan điểm phân biệt giới tính và đẩy nước Mỹ vào “họng súng” chiến tranh. Tại Los Angeles, hàng ngàn người biểu tình, chủ yếu là những cử tri trẻ gốc Mỹ Latinh, diễu hành trên các đường phố trong đêm. Một số người biểu tình bày tỏ lo ngại, gia đình hoặc bạn bè có thể bị trục xuất khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20-1-2017.

Tổng thống Obama kêu gọi tất cả người Mỹ chấp nhận kết quả bầu cử. “Chúng ta cần trở thành gốc rễ cho sự thành công trong sứ mệnh đoàn kết và lãnh đạo đất nước của ông Trump”, vị tổng thống sắp mãn nhiệm nói. Bất chấp lời kêu gọi này, làn sóng người biểu tình xuống đường vẫn ngày càng lớn mạnh.

Ông Trump thua phiếu cử tri, thắng phiếu đại cử tri

Tỷ phú Trump sẽ trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ sau khi giành chiến thắng bất ngờ trước đối thủ nặng ký hơn rất nhiều.

Nhưng chiến thắng lớn của ông Trump là nhờ vào số phiếu của đại cử tri bởi ông đã thua đối thủ Clinton ở số phiếu cử tri phổ thông. CNN dẫn kết quả công bố hôm 10-11 cho biết, bà Clinton có khoảng 59,8 triệu phiếu cử tri phổ thông (47,7%) trong khi ông Trump được 59,6 triệu phiếu (47,5%). Con số này cho thấy bà Clinton dẫn trước ông Trump khoảng 0,2 điểm% (200.000 phiếu), nhưng vẫn thua cuộc. Vậy là trong lịch sử 16 năm qua, kể từ sau chiến thắng gây tranh cãi của cựu Tổng thống G.W.Bush, ông Trump là Tổng thống Mỹ thứ hai đắc cử dù ít phiếu cử tri phổ thông hơn đối thủ.

Giới phân tích cho rằng, nguyên nhân do hệ thống bầu cử Mỹ. Thứ nhất, cử tri không trực tiếp bầu tổng thống mà bầu cho những người đại diện (đại cử tri) ở mỗi bang –những người cam kết bầu ứng viên tổng thống họ ủng hộ. Thứ hai, một ứng viên chỉ cần giành nhiều phiếu phổ thông nhiều hơn ở một bang nào đó thì sẽ giành trọn số phiếu đại cử tri ở đó và những phiếu phổ thông bầu cho ứng viên còn lại đều không được tính.

Vì vậy, dù thua số phiếu cử tri, đường vào Nhà Trắng với ông Trump đã rộng mở, làm dấy lên nhiều ý kiến về việc cần xem lại quy trình bầu cử tổng thống dựa vào đại cử tri đoàn như hiện nay ở Mỹ. Nhưng thật ra, vấn đề người Mỹ cần quan tâm trước mắt là cách tổng thống đắc cử sẽ chèo lái con thuyền Mỹ như thế nào trong nhiệm kỳ 4 năm tiếp theo.

Khả Anh

“Soi” nội các của ông Trump

Trong bài phát biểu chiến thắng, Tổng thống đắc cử Donald Trump không tiếc lời ca ngợi đội ngũ những người trung thành vẫn luôn ủng hộ ông trong suốt chặng đường đua vào Nhà Trắng. Nhiều người đã được ông nhắc đến với sự nể trọng và biết ơn. Giới phân tích cho rằng, đó có thể là những người sẽ được ông Trump “chọn mặt gửi vàng” vào nội các của mình khi chính thức lên nắm quyền. Họ là ai?

Những nhân vật được cho là sẽ nằm trong nội các của ông Donald Trump. Ảnh: BBC

Newt Gingrich – Ngoại trưởng

Nhân vật bảo thủ hiếu chiến này là người ủng hộ Trump mạnh mẽ nhất, và đang được ngắm nghía cho chiếc ghế ngoại trưởng Mỹ trong chính phủ của Tổng thống Trump. Là Chủ tịch Hạ viện vào năm 1994, ông Gingrich “chủ mưu” kế hoạch lật đổ đảng Dân chủ để giành quyền kiểm soát hoàn toàn Quốc hội về cho đảng Cộng hòa.

Rudy Giuliani – Bộ trưởng Tư pháp

Một trong những người ủng hộ yêu thích nhất của ông Trump, ông Giuliani đang được xem là ứng viên hàng đầu cho vị trí Bộ trưởng Tư pháp. Là thị trưởng New York tại thời điểm xảy ra vụ khủng bố 11-9, ông Giuliani trở nên nổi tiếng nhờ khả năng phục hồi thành phố giữa những đống đổ nát.

Reince Priebus – Chánh Văn phòng Nhà Trắng

Vị chính trị gia trẻ tuổi này có khả năng sẽ trở thành “cánh tay phải” đắc lực cho ông Trump với vị trí Chánh Văn phòng Nhà Trắng. Ở tuổi 44, ông Priebus, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa, chính là cầu nối giữa ứng viên của đảng Cộng hòa và giới lãnh đạo đảng.

Chris Christie – Bộ trưởng Thương mại

Sau khi bị chìm nghỉm trong chiến dịch tranh cử giành vé của đảng Cộng hòa, Thống đốc New Jersey kịp thời ủng hộ ông Trump. Ông Christie, 54 tuổi, hiện đang giám sát quá trình chuyển giao Nhà Trắng của ông Trump, được đánh giá có thể sẽ được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Thương mại.

Jeff Sessions – Bộ trưởng Quốc phòng

Thượng nghị sĩ đến từ Alabama này được cho là đang được “chào mời” vào vị trí ông chủ Lầu Năm Góc. Trong tuyên bố chiến thắng, Tổng thống đắc cử Trump đã nói rằng, ông Sessions là người ông rất tôn trọng. Vị thượng nghị sĩ 69 tuổi là người ủng hộ cuộc xâm lược Iraq năm 2003, cuộc chiến mà ông Trump gần đây gọi là “một điều khủng khiếp và ngu ngốc”.

Michael Flynn – Cố vấn an ninh Quốc gia

Ông Flynn, vị tướng 3 sao trong quân đội Mỹ đã nghỉ hưu, có công giúp ông Trump kết nối với các cựu chiến binh mặc dù ông Trump chưa từng thực hiện nghĩa vụ quân sự. Ông Flynn từng bị buộc từ chức Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng 2012-2014 vì quan điểm về Hồi giáo cực đoan. Giờ đây, ông có thể trở thành Cố vấn an ninh Quốc gia trong chính quyền của ông Trump.

Steven Mnuchin – Bộ trưởng tài chính

Ông Mnuchin tích lũy được khối kinh nghiệm đồ sộ trong 17 năm làm việc tại tập đoàn tài chính Goldman Sachs, trước khi thành lập một Cty sản xuất phim – nơi đã cho ra đời các bộ phim đình đám như  X-Men và American Sniper. Và đây là nhân vật có thể được ông Trump chọn mặt cho chiếc ghế “tay hòm chìa khóa” quan trọng này.

Trúc Linh