Bình Định kiến nghị xây dựng hệ thống cảng nước sâu tại Phù Mỹ
UBND tỉnh Bình Định vừa có Văn bản số 8557/UBND-KT đề nghị Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khu bến cảng Phù Mỹ vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, khi rà soát quy hoạch theo định kỳ 5 năm.
Cụ thể, về quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển và vùng đất, vùng nước cảng biển Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Bình Định đề nghị Bộ Giao thông Vận tải trình Thủ tướng xem xét cập nhật quy mô quy hoạch khu bến cảng Phù Mỹ (tại khu vực xã Mỹ An, xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ) để Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 theo quy định. Đồng thời, chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam cập nhật quy hoạch khu bến cảng để trình Bộ phê duyệt quy hoạch chi tiết theo quy định.
Theo quy hoạch, tỉnh Bình Định xây dựng khu bến Phù Mỹ có diện tích là 1.442,7 ha và là khu chức năng (công trình giao thông - cảng biển) gắn liền với khu công nghiệp tập trung, đa ngành, tăng cường thu hút các loại hình công nghiệp phù hợp với định hướng cho Khu công nghiệp Phù Mỹ.
Đến năm 2030, Bình Định sẽ xây dựng 2 cầu cảng chuyên dùng sản phẩm hydrogen xanh, amoniac xanh; tiếp nhận tàu trọng tải 150.000 tấn; 1 cầu cảng hàng lỏng chuyên dùng tiếp nhận sản phẩm xăng dầu, LNG, Jet, sản phẩm hóa dầu; tiếp nhận tàu trọng tải 100.000 tấn; 1 cầu cảng chuyên dùng hàng rời, tiếp nhận tàu trọng tải 70.000 - 100.000 tấn; 5 cầu cảng tổng hợp bốc xếp hàng hóa tổng hợp, bao kiện, container, vật tư thiết bị, tiếp nhận tàu trọng tải 30.000 - 100.000 tấn.
Sau năm 2030, Bình Định tiếp tục xây dựng 4 cầu cảng tổng hợp, vật tư cho tàu trọng tải 30.000 - 70.000 tấn và 1 cầu cảng cho đội tàu phục vụ, lai dắt chiều dài 120m.
Dự kiến, nếu khu bến Phù Mỹ hoàn thành đến năm 2030 sẽ có khoảng 2,6 triệu tấn/năm; bao gồm: hàng lỏng (hydrogen, amoniac), vật tư, thiết bị, bao kiện, hàng rời thông qua hệ thống bến cảng. Giai đoạn từ 2030 - 2050 sẽ có khoảng 16,6 triệu tấn/năm; bao gồm: hàng lỏng (hydrogen, amoniac, LNG, xăng dầu, sản phẩm hóa dầu), hàng tổng hợp, container, vật tư, thiết bị, bao kiện, hàng rời, thiết bị chuyên dùng năng lượng.
SỸ THẮNG