Bộ Công an đề xuất camera giám sát giao thông phải nhìn rõ mặt tài xế, biển số
Bộ Công an đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo tiêu chuẩn quốc gia về hệ thống chỉ huy điều hành, giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông.
Cơ quan soạn thảo đánh giá, những năm qua các tỉnh, thành như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh… đã tích cực lắp camera giao thông tại nhiều nút giao trọng điểm và truyền dữ liệu về trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông.
Tuy nhiên, việc triển khai giao thông thông minh hiện gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là chia sẻ dữ liệu giữa những cơ quan, đơn vị khác nhau trong cùng địa phương, giữa các địa phương với nhau và giữa địa phương với bộ, ngành do nền tảng công nghệ chưa tương thích.
Bộ Công an cho rằng cần nghiên cứu, hoàn thiện các tiêu chuẩn trong hệ thống chỉ huy điều hành, giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông.
Bộ Công an đề xuất phân chia các loại camera gồm: quan sát, giám sát phát hiện vi phạm, nhận dạng biển số xe và đo đếm lưu lượng phương tiện.
Thiết bị camera quan sát phải ghi được hình ảnh, video mà khi phóng đại có thể nhìn rõ phương tiện, khuôn mặt người điều khiển, biển số xe ở khoảng cách tối thiểu 30m (ban ngày) và cả xe di chuyển chậm dưới 5km.
Đối với camera giám sát phát hiện vi phạm, sẽ được chia làm 2 loại:
Loại 1 sẽ đảm bảo hình ảnh trực tuyến, dữ liệu video ghi nhận khi phóng đại có thể nhìn rõ phương tiện: Vượt xe trong các trường hợp không được vượt; dừng xe, đỗ xe trái quy định; điều khiển xe mô tô, xe máy đi vào đường cao tốc; điều khiển xe đi ngược chiều của đường một chiều; không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông và các hành vi vi phạm khác.
Loại 2 được yêu cầu có tính năng giám sát, phát hiện tối thiểu một trong các hành vi như: Điều khiển xe đi không đúng phần đường, làn đường quy định; vượt xe trong các trường hợp không được vượt; dừng xe, đỗ xe trái quy định; điều khiển xe mô tô, xe máy đi vào đuờng cao tốc; điều khiển xe đi ngược chiều của đường một chiều; không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông và các vi phạm khác.
Dữ liệu từ loại 2 khi truyền về trung tâm giám sát sẽ bao gồm: Ảnh và video rõ nét về phương tiện, biển số; địa điểm, thời gian, hành vi vi phạm, dữ liệu nhận dạng biển số; video ghi nhận hành vi vi phạm đảm bảo xác định được thời điểm trước, trong và sau khi vi phạm xảy ra.
Camera nhận dạng biển số xe được yêu cầu nhận dạng biển số của các phương tiện phục vụ công tác phát hiện vi phạm, phòng chống tội phạm trên tuyến. Dữ liệu truyền về trung tâm giám sát gồm hình ảnh phương tiện và thông tin biển số xe đảm bảo rõ nét.
Về tiêu chuẩn camera đo đếm lưu lượng phương tiện, các loại camera trên được yêu cầu có khả năng hoạt động trong điều kiện nhiệt độ -5 độ C đến 60 độ C, đảm bảo tiêu chuẩn IP66 trở lên.
Về thiết bị đo tốc độ, Bộ Công an phân ra gồm các loại: Thiết bị đo tốc độ tự động có ghi hình; thiết bị đo tốc độ tự động có ghi hình sử dụng công nghệ cảm biến laser; thiết bị đo tốc độ tự động có ghi hình sử dụng công nghệ cảm biến radar. Thiết bị đo tốc độ tự động có ghi hình phải đảm bảo đo được ở phạm vi tốc độ xe chạy 8 - 220km/h.
Khả năng nhận dạng biển số chính xác lớn hơn hoặc bằng 95% vào ban ngày và vào ban đêm là lớn hơn hoặc bằng 80%. Tốc độ phương tiện tối đa có thể chụp hình rõ nét là lớn hơn hoặc bằng 180km/h.
Dùng AI Box để xử lý vi phạmBộ Công an đề xuất lắp đặt thiết bị trung gian (AI Box) nhằm tiếp nhận tín hiệu từ camera để phân tích, xử lý dữ liệu truyền về trung tâm giám sát.
AI Box có khả năng nhận ra, phát hiện tối thiểu một trong các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, nhận dạng biển số, địa điểm xảy ra vi phạm.
Hiện nay, Cục CSGT đã thí điểm sử dụng ứng dụng công nghệ AI để hỗ trợ công tác tuần tra, kiểm soát giao thông trên tuyến, nhằm nâng cao hiệu quả và tránh chồng chéo.
Ở giai đoạn đầu, ứng dụng AI này sẽ phân tích, nhận diện biển số phương tiện dựa trên hình chụp của máy ảnh điện thoại. Khi truyền hình ảnh, hệ thống dữ liệu tự động kiểm tra phương tiện đã được các tổ cảnh sát giao thông trước đó kiểm tra hay chưa, hạn chế kiểm tra nhiều lần trên tuyến.
Ứng dụng còn quét mã QR trên căn cước công dân, tích hợp với VNeID để thu thập thông tin người điều khiển.
Nhờ đó, các tổ cảnh sát giao thông có thể nhanh chóng xác định phương tiện đã được kiểm tra trước đó hay chưa, hạn chế việc dừng một phương tiện nhiều lần, gây phiền hà cho người tham gia giao thông.
Theo Vietnamnet