Bộ Công an quán triệt Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông
Đảm bảo TTATGT đường bộ trong tình hình mới
Nội dung Chỉ thị số 10 nêu rõ, tinh hình TTATGT thời gian qua còn diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông (TNGT) và thiệt hại do TNGT gây ra vẫn ở mức cao. Riêng Quý I năm 2023, toàn quốc xảy ra gần 3 nghìn vụ TNGT, trong đó 12 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Trật tự, kỷ cương, văn hóa tham gia giao thông chưa được hình thành rõ nét, một bộ phận người dân ngang nhiên vi phạm pháp luật về giao thông như lái xe sử dụng cồn, ma túy, phóng nhanh, vượt ẩu, chèn ép, gây rối trật tự công cộng, vượt đèn đỏ, đi không đúng làn đường, phần đường; thanh thiếu niên tụ tập điều khiển xe tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, đi ngược chiều… Tình trạng cản trở, chống người thi hành công vụ từ đầu năm 2023 đến nay xảy ra 28 vụ, làm bị thương 10 cán bộ Cảnh sát giao thông (CSGT)…
Chỉ thị cũng chỉ ra, cấp ủy, chính quyền một số địa phương còn thiếu quyết liệt, chưa chủ động, sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm TTATGT, “khoán trắng” cho các lực lượng chuyên trách. Công tác quản lý Nhà nước về TTATGT của một số bộ, ngành, địa phương còn hạn chế, nhiều nơi làm “qua loa, chiếu lệ”; chưa chủ động phát hiện và xử lý nghiêm khắc các tập thể, cá nhân vi phạm để răn đe, phòng ngừa sai phạm, tiêu cực trong quản lý Nhà nước về giao thông… Vì vậy, cần đổi mới về tư duy, nhận thức và hành động, xác định bảo đảm TTATGT là động lực phát triển kinh tế xã hội, là thành tố quan trọng trong bảo đảm an ninh con người, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước. Phải lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, động lực, nguồn lực; đặt an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân là trên hết, trước hết… Cùng với đó, cần lập trật tự, kỷ cương, xây dựng ý thức tự giác, ứng xử văn minh, chuẩn mực của người dân khi tham gia giao thông, từng bước hình thành rõ nét văn hóa giao thông trong nhân dân; giảm thiểu TNGT…
Về kết quả 2,5 tháng triển khai thực hiện Điện số 05 của Bộ trưởng Bộ Công an, theo lãnh đạo Cục CSGT đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận; TNGT giảm cả 3 tiêu chí. Trong số 1.944 vụ TNGT xảy ra, làm chết 1.089 người, bị thương 1.383 người, so với thời gian trước liền kề, giảm 307 vụ, giảm 234 người chết và giảm 162 người bị thương. Lực lượng CSGT toàn quốc đã huy động 246.914 lượt tổ công tác với 990.468 lượt cán bộ chiến sĩ tổ chức tuần tra kiểm soát, qua đó phát hiện, xử lý 736.646 trường hợp vi phạm TTATGT, phạt tiền 1.577 tỷ 937 triệu đồng, tước giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn 160.533 trường hợp. Cùng thời gian, phối hợp với các lực lượng chức năng khác phát hiện 183 vụ phạm pháp hình sự, kinh tế, ma túy, bắt giữ hàng trăm đối tượng. Đáng chú ý, các chuyên đề xử lý vi phạm như nồng độ cồn, tốc độ, vi phạm “cơi nới” thùng xe, chở hàng quá tải được quan tâm, xử lý nghiêm minh…
Tại TP Đà Nẵng, cùng thời gian cũng kéo giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí. Bên cạnh huy động lực lượng tuần tra, xử lý vi phạm theo chuyên đề, lực lượng Công an các cấp, đặc biệt là CSGT cũng chú trọng công tác tuyên truyền với nhiều hình thức, từ thành phố đến quận huyện, xã phường, thu hút hàng chục ngàn người tham gia; đồng thời làm tốt công tác quản lý, đăng ký phương tiện; công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Cần những mô hình hay trong công tác đảm bảo ATGT
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm, nhấn mạnh: ATGT là vấn đề rất nhức nhối trong xã hội. Trung bình từ 2011 đến nay, mỗi 1 giờ có 1 người chết, mỗi ngày 24-25 người chết và vài chục người bị thương. Đây đều là lao động chính của gia đình. Hình ảnh những cháu bé mồ côi cha mẹ do TNGT rất thương tâm, cuộc sống của các cháu sẽ rất khó khăn. Vì vậy, phải làm gì để không để xảy ra TNGT, không để thiệt hại về con người, về kinh tế xã hội là vấn đề rất lớn, cần phải thực hiện kiên quyết. Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu các cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp ngành cần có những mô hình hay để thưc hiện nghiêm túc, quyết liệt công tác đảm bảo ATGT, như các địa phương từng thực hiện, điển hình là tỉnh Bắc Ninh tiên phong xây dựng mô hình “tỉnh ATGT”. Đặc biệt, hiệu quả của việc xử lý quyết liệt nồng độ cồn trong thời gian qua của toàn lực lượng CSGT là rất tốt, được các cấp, các ngành và nhân dân đánh giá rất cao, thực sự đã đi vào mâm cơm, bữa ăn từng gia đình. “Chúng tôi nhận được thư cảm ơn của nhiều phụ nữ vì cho rằng, từ ngày xử lý nghiêm nồng độ cồn thì chồng ít đi tụ tập, rượu bia, về nhà sớm, chăm lo cho gia đình. Việc giải quyết nồng độ cồn không chỉ góp phần đảm bảo ATGT, hạn chế TNGT, mà còn phòng ngừa những hành vi phạm tội bộc phát do uống rượu, bia”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Thời gian tới, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu Công an các địa phương nghiêm túc triển khai Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc Điện 76, Điện 05 và Kế hoạch 299 về tăng cường xử lý các vi phạm TTATGT, Các địa phương căn cứ kết quả điều tra cơ bản về phương tiện vận tải hành khách xây dựng các kế hoạch, phương án tập trung xử lý đối với từng nhóm phương tiện cụ thể. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến TNGT, như vi phạm nồng độ cồn, ma túy, vi phạm tốc độ, đi sai làn đường, phần đường, chở hàng quá trọng tải; phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật, không trang bị dụng cụ cứu sinh, chống đắm… Cùng với đó, kiên quyết xử lý triệt để tình trạng “xe dù”, “bến cóc”, “nhồi nhét” khách; xử lý nghiêm tình trạng thanh, thiếu niên điều khiển phương tiện phóng nhanh, lạng lách, mang theo hung khí diễu phố, đua xe trái phép; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT, vận động nhân dân nâng cao ý thức chấp hành các quy định khi tham gia giao thông…
Công Hạnh - Nhật Huy