Bỏ học lấy chồng
(Cadn.com.vn) - Nếu như trước đây phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vùng cao tỉnh Quảng Nam có chồng sớm vì hủ tục thì nay tình trạng ấy vẫn còn tiếp diễn nhưng lại bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân.
"Thích thì cưới thôi !"
Xã Phước Mỹ (H. Phước Sơn, Quảng Nam) là một trong những địa phương "nóng" nạn tảo hôn. Riêng thôn 1 đã có 11 đôi lấy nhau khi mới chớm tuổi "trăng tròn". Tại các xã Phước Thành, Phước Chánh số người tảo hôn cũng tăng cao theo từng năm. Thống kê ban đầu cho thấy có 57 trường hợp các em đang trong độ tuổi đến trường cưới vợ, cưới chồng.
Tại thôn 1(xã Phước Mỹ) hình ảnh những "người mẹ trẻ" trên người còn mặc đồng phục nhà trường tay bồng tay bế không còn xa lạ. Em Hồ Thị Bình (16 tuổi) vừa kết hôn với Hồ Văn Đức (17 tuổi, cùng ngụ thôn 1) cho biết, hai em đi học gặp và quen nhau một thời gian thì quyết định lấy nhau vì "thích thì phải cưới thôi".
Hai gia đình chỉ tổ chức ăn cỗ theo tập tục chứ không làm đám cưới và cũng không thông qua chính quyền địa phương. Với suy nghĩ đơn giản "thích thì cưới" nhiều cô dâu nhí đã phải chịu nhiều đắng cay khi về nhà chồng. Trường hợp em Hồ Thị Tuyết (16 tuổi, ngụ thôn 3 xã Phước Thành) có bạn trai khi đang học lớp 9 rồi có chồng. Giờ đây Tuyết phải lo cho cả nhà chồng lẫn con nhỏ, cuộc sống rất khó khăn vì phải làm rẫy.
Với suy nghĩ ngây thơ của tuổi mới lớn cộng với những tác động bên ngoài khi lần đầu tiên các em được tiếp xúc với phim ảnh, điện thoại, internet đã khiến các em có những quyết định vội vàng. Mặt khác, trong suy nghĩ của đồng bào DTTS không tha thiết với việc học, học xong cũng không để làm gì nên con cái có gia đình sớm cha mẹ không phản đối. Các thầy cô giáo nơi đây hết sức "đau đầu".
Thầy Hồ Hữu Trang, Phó hiệu trưởng Trường THPT Khâm Đức (H. Phước Sơn) cho hay, tình trạng HS bỏ học để cưới chồng, sinh con xảy ra thường xuyên. Trong năm học 2013 -2014, trường có 55 HS bỏ học giữa chừng, đầu năm học 2014-2015 cũng đã có 11 trường hợp. "Đa số các HS bỏ học để cưới vợ, cưới chồng hoặc lỡ mang thai phải ở nhà sinh con. Nhà trường cũng có nhiều biện pháp tuyên truyền nhưng hiệu quả chưa cao bởi suy nghĩ của đồng bào DTTS còn khá lạc hậu", thầy Trang lý giải.
Nhiều học sinh lấy chồng, sinh con khi đang khoác lên mình đồng phục. |
Những cái kết buồn
Lấy chồng sớm, không có điều kiện về kinh tế đã khiến các em cuốn vào vòng luẩn quẩn của đói nghèo. Không chỉ vậy, những đứa trẻ được sinh ra khi cha mẹ còn vị thành niên nên sự quan tâm chăm sóc chưa chu đáo. Việc học gián đoạn các em đành phải tiếp tục lên rừng làm rẫy.
So với những trường hợp trên thì hoàn cảnh của em Nguyễn Thị T.T. (trú Trà Cang, H. Nam Trà My) đáng thương hơn cả. Đang học lớp 9 thì T. có tình cảm với một bạn nam học cùng lớp. Kết cục của cuộc tình là T. có thai và một đám cưới theo tập tục diễn ra. Tuy nhiên, vì còn nhỏ tuổi sức khỏe kém lại phải sống ở nhà chồng thường xuyên làm rẫy nên T. bị sản hậu sau khi sinh, kết quả em đã phải chết trong tức tưởi, đứa con của T. mới ra đời đã phải thiếu hơi ấm người mẹ.
Thiếu hiểu biết pháp luật, nhiều đám cưới diễn ra trong cảnh dở khóc dở cười. Đáng chú ý là trường hợp Nguyễn Trường H. đã có vợ nhưng cách đây gần 1 năm lấy và sống cảnh vợ chồng với Tr.Th.Tr (trú xã Phước Công, Phước Sơn) khi em này đang học lớp 10. Sau khi có chồng, Tr. nghỉ học một thời gian, hiện đã quay trở lại học học lớp 11. Còn nhỏ tuổi nhưng Tr. đã phải chịu cảnh vợ lớn vợ bé đầy cay đắng.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Phước Mỹ cho rằng, chuyện tảo hôn ở miền núi là điều xảy ra lâu nay, xã cũng chỉ biết tuyên truyền ở các buổi họp dân. Ông Thanh tỏ ra tiếc nuối... hủ tục (!) khi cho rằng trước đây luật tục của dân làng hà khắc, tình trạng "ăn cơm trước kẻng" rất ít xuất hiện. "Giờ đây, những hủ tục như đuổi người "ăn cơm trước kẻng" vào rừng sinh con đã được loại bỏ nên tình trạng HS, các em nhỏ có bầu rồi "bắt" chồng diễn ra ngày càng nhiều", ông Thanh nói.
Ông Dương Văn Ba, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Quảng Nam cũng xác nhận, 3 năm trở lại đây xu hướng tảo hôn ở khu vực miền núi tăng cao, nhất là ở các huyện Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My... Theo ông Ba, cơ quan chức năng không quyết liệt, vẫn còn bỏ ngỏ tình trạng này, trong đó, một phần do thiếu kinh phí để thực hiện. "Bắt đầu từ năm 2015, phải làm quyết liệt vấn đề này. Hiện tại, H. Phước Sơn đã làm dự án xin kinh phí để tập trung giảm tảo hôn. Chúng tôi cũng đang có hướng đề nghị trung ương hỗ trợ tích cực để tỉnh Quảng Nam ngăn chặn tình trạng tảo hôn", ông Ba phân trần.
H.D