Bộ sách "Thời gian và nhân chứng" -  tôn vinh cống hiến của các nhà báo lão thành với nền báo chí cách mạng

Thứ bảy, 30/09/2023 09:20
Hướng tới kỷ niệm 100 năm ra đời, phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam; nhằm tôn vinh những cống hiến của các nhà báo lão thành với nền báo chí cách mạng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) và NXB Chính trị Quốc gia Sự thật đã biên tập và tái bản bộ sách "Thời gian và nhân chứng" (Hồi ký của các nhà báo) do Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân (GS.NGND) Hà Minh Đức chủ biên, cùng tập thể tác giả thực hiện trong hơn 10 năm.
Bìa Bộ sách "Thời gian và nhân chứng".
GS.NGND Hà Minh Đức chia sẻ tại buổi giới thiệu sách.

Tại sự kiện giới thiệu bộ sách diễn ra sáng 29-9, GS.TS Tạ Ngọc Tấn cho biết đây là bộ sách rất quý, ấn tượng, công phu, thể hiện kết quả tâm huyết của GS.NGND Hà Minh Đức và các cộng sự trong hơn 10 năm, trải qua nhiều khó khăn, vất vả; sự nỗ lực trong việc gặp gỡ, tiếp cận các nhà báo để lắng nghe, ghi chép lại những kỷ niệm nghề báo. Nếu không có bộ sách này, những hồi ký, hồi ức ghi lại hành trình nghề nghiệp, những kinh nghiệm làm báo quý báu, phong phú, đa dạng... sẽ bị mất đi, không ai ghi chép lại, GS Hà Minh Đức là người có công giữ lại nhiều kỷ niệm đó cho ngày nay và cả mai sau.

Bộ sách "Thời gian và nhân chứng" được NXB Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản lần đầu tập I năm 1994, tập II năm 1997, tập III năm 2001. Năm 2023, bộ sách được xuất bản lần thứ hai.

Với 3 tập nội dung, hơn 40 bài viết, bộ sách khắc họa chân dung 43 nhà báo, thể hiện tình cảm, tâm huyết của tác giả với đồng đội, đồng nghiệp trên nhiều lĩnh vực của nghề báo. Không chỉ giới thiệu những nhà báo gạo cội, cả đời theo Đảng, Bác Hồ, cống hiến cả tâm huyết, tài năng cho dân, cho nước, còn có cả những con người thầm lặng đã góp phần tạo nên diện mạo báo chí cách mạng Việt Nam.

43 nhà báo được giới thiệu phần lớn là những nhà báo hoạt động trong thời kỳ từ trước Cách mạng Tháng Tám, năm 1945 kéo dài qua 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Đây là thời kỳ gian nan, vất vả, nhiều hy sinh, mất mát của cả dân tộc, nhưng cũng là thời kỳ hào hùng, rực sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Những cây viết hoạt động báo chí thời kỳ này đa phần đều là tay ngang hoặc theo phân công của tổ chức cách mạng. Dù đến với nghề báo bằng cách nào, họ đều là những người say mê, yêu, gắn bó duyên nợ với nghề. Đặc biệt, cuộc đời hoạt động báo chí của mỗi người đều như một câu chuyện đầy hấp dẫn, rất có thể là ước mơ không thể vươn tới, thần tượng nghề nghiệp của những người làm báo trẻ tuổi.

Bìa Bộ sách "Thời gian và nhân chứng".

Tập I, giới thiệu chân dung của 13 nhà báo: Quang Đạm, Xích Điểu, Tô Hoài, Lê Kim, Trần Kư, Trần Lâm, Trần Công Mân, Vũ Tú Nam, Đỗ Phượng, Hữu Thọ, Xuân Thủy, Lê Bá Thuyên, Hà Xuân Trường. Ở đây ta bắt gặp một Quang Đạm học vấn uyên thâm, công hiến cả đời cho nghề báo, một Xích Điểu với thật nhiều kỷ niệm buồn vui trong hơn 60 năm cuộc đời làm báo, hay Hữu Thọ với nhiều trăn trở, suy nghĩ về nghề đã được ông đúc rút ;... Tất cả, tất cả đều là những ký giả tâm huyết với nghề, bản lĩnh, trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thách thức.

Với các bài viết được giới thiệu trong tập II, bạn đọc khám phá chân dung của 16 nhà báo: Thanh Châu, Trần Bạch Đằng, Hà Đăng, Hồng Hà, Thanh Hương, Trần Kiên, Lưu Văn Lợi, Nguyễn Thành Lê, Hồng Lĩnh, Hiền Nhân, Hữu Ngọc, Phan Quang, Huỳnh Văn Tiểng, Hoàng Tùng, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Minh Vỹ. Thông qua chân dung của các nhà báo, người đọc sẽ có cái nhìn "thấu tim gan", khá đa dạng, nhuần nhuyễn cả về lý luận, thực tiễn về nghề báo - một lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến tất cả mọi người, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Tập III của bộ sách phác họa chân dung các nhà báo: Dương Kỳ Anh, Hàm Châu, Trần Đức Chinh, Thái Duy, Bảo Định Giang, Trần Mai Hạnh, Vũ Đình Hòe, Đinh Phong, Trường Phước, Nguyễn Thành, Nguyễn Phú Trọng, Vũ Tuất Việt, Hồng Vinh…, tạo được một sự hoàn chỉnh nhất định về đội ngũ các nhà báo cách mạng cho đến hết thời kỳ chống Mỹ và giai đoạn đầu thời kỳ đổi mới.

Được biên soạn công phu, nghiêm túc, giọng văn mộc mạc, đơn giản, những bài học không bao giờ cũ về tinh thần sáng tạo, ý chí, bản lĩnh của người cầm bút đến nay vẫn còn vẹn nguyên tính thời sự, thu hút sự quan tâm của bạn đọc. Lật mở từng trang sách, độc giả sẽ cảm nhận thông điệp gửi đến người làm báo, thế hệ tương lai rằng nghề nghiệp nào cũng cần có sự đắm say và cái tâm.

Phúc Hằng