Bố tôi, thầy giáo - NSND Lê Bá Tùng

Thứ ba, 15/11/2016 09:59

(Cadn.com.vn) - Năm 1992, vào dịp giỗ bố tôi, đứa con lên mười chợt hỏi:

“Thưa bố, bác Hạnh có họ với nhà ta không mà giỗ ông nội lần nào, bác cũng tới thắp hương?”.

- Bác ấy không có họ nhưng  là học trò của ông đó.

- Vậy ông nội là nhà giáo?

- Đúng vậy, ông nội là thầy dạy hát tuồng. Dạy hát cũng là thầy. Bán tự vi sư, nửa chữ  cũng là thầy, ông nội con vẫn nhắc bố vậy...

 Chuyện bố tôi gắn đời mình vào sân khấu do bà nội tôi kể lại. Sau này khi viết cuốn sách về nghề, bố tôi cũng nói qua. Theo bà nội tôi kể, hồi nhỏ bố tôi ham hát tuồng lắm. Vào thời đó, hát tuồng không ai coi là nghề. Người ta gộp những kép tuồng, chèo, cải lương... lại với nhau vào một gói... xướng ca vô loài, vậy mà bố tôi vẫn đam mê.  Gần nhà có rạp tuồng nhỏ do ông kép Thiện xây dựng và chính ông kép Thiện thủ các vai như võ tướng dũng hiệp... Đó cũng là các vai thần tượng của bố tôi trên sân khấu cũng như trong đời thực. Đêm đêm nghe tiếng trống chầu là ông trốn nhà ra rạp chui rào xem ké. Chầu rìa sân khấu vậy, mà ông thuộc lòng từng câu hát, bộ múa đến cả tích tuồng. Thấy bố tôi thập thò, học lóm và hát, bộ có nét, ông kép Thiện tìm đến tận nhà chơi, lựa cách chỉ dạy thêm. Những khi rạp thiếu người, ông kép Thiện cho bố tôi thử sức qua vài vai phụ... ông thích lắm.

Nghệ sĩ nhân dân Lê Bá Tùng.

Thấy bố tôi đam mê cái nghiệp tuồng chèo bạc bẽo, bà nội tôi ra sức ngăn cấm. Thời đó nhà ông bà nội ở khu phố đệ Tam, thị xã Vinh, Nghệ An (nay là P. Tân Thắng). Gặp khi khu phố bầu bán nhân sự, bà nội tôi vét tiền, “mua” cho ông cái chức trưởng phố. Những tưởng chức tước bổng lộc giữ được chân ông, nhưng mới chỉ qua vài tuần, ông “trưởng phố” quẳng lăn lóc đồng “triện” cùng mọi thứ công văn giấy tờ, rồi khăn gói  “quả mướp” theo đứt luôn gánh hát của ông kép Thiện lưu diễn đó đây. Con dại cái mang, báo hại bà nội tôi ở nhà lao đao lo lót mãi người ta mới rút lệnh truy nã ông trưởng phố về tội... đào nhiệm. Lại nói bố tôi theo kép Thiện hết ra Bắc, vào Nam, qua đến tận Lào, Thái... Giữa đời đen bạc, đói rách dập vùi kiếp cầm ca, ông kép Thiện lâm bệnh rồi qua đời nơi đất khách. Bố tôi cùng bạn diễn, lo tang chế cho thầy xong, quay trở về Nghệ, đầu quân cho gánh tuồng khác, trở thành kép Chánh Tùng nổi danh vùng Thanh Nghệ. Mỗi năm đến ngày giỗ kỵ ông kép Thiện, bố tôi lại hương khói cung kính cúng vọng thầy. Bán tự vi sư, đạo thầy như trời biển. Ông nói vậy như dặn lòng qua mỗi tuần nhang.

Năm 1959, nhà nước lập trường sân khấu trung ương tại Cầu Giấy, bố tôi được mời làm giáo viên khoa tuồng của trường. Tôi được ông mang theo cùng, gửi học chữ ở trường tư kế bên trường. Ngày lại ngày, bố tôi bận bịu công việc giảng dạy, viết sách, đóng phim giáo khoa. Hiếm khi nghỉ ngơi ngoài lễ thường cuối tuần, ông dắt tôi qua thăm thầy giáo Đán- người dạy chữ cho tôi. Mỗi khi vậy, bố tôi và thầy giáo Đán đàm đạo, tâm đầu ý hợp lắm. Có điều lạ, dù hơn thầy Đán cả gần chục tuổi, vậy mà lúc nào ông cũng thưa gửi, giữ lễ cứ như không phải tôi mà là ông mới là học trò của thầy giáo Đán vậy. Buổi tối, khi đem chuyện này ra hỏi, tôi nhận được từ bố tôi cái cốc nhẹ vào đầu với câu nằm lòng: Bán tự vi sư, đạo thầy như trời biển, nói khôn cùng.

Năm 1968, tôi nhập ngũ vào Nam chiến đấu, bố tôi về hưu tại quê nhà. Một lần về nghỉ phép, tôi thấy trong nhà chật đông người tới thăm bố tôi. Ai cũng một thưa thầy, hai thưa thầy kính cẩn. Trong số họ không ít người già hơn bố tôi. Mẹ tôi nói ngày bố tôi về hưu, với quãng đời còn lại, ông nguyền chỉ sống chết với sân khấu tuồng. Vậy nên khi ở nhà chưa ấm chỗ, giấy tờ chưa chuyển hết về địa phương, đã thấy ông tới giúp các đội văn nghệ trong vùng, dàn dựng các tích tuồng. Những lúc huyện, tỉnh tổ chức hội diễn, ông càng bận rộn hơn. Cứ vậy, từ đội văn nghệ xã, thị trấn, đến đội sản xuất, hợp tác xã... nhỏ to gì ông cũng đến giúp, coi đó như dịp may để truyền rộng nghệ thuật hát tuồng. Với các đội văn nghệ quanh vùng thời đó, mời được thầy “Chánh” Tùng là quý lắm. Chẳng ở cái danh thầy tuồng trung ương, càng không vì thầy dạy không lấy thù lao..., cái chính là tài diễn và tấm lòng thảo thơm chung thủy của thầy với nghề.  Riêng ông, mỗi lần lên sân khấu với bài mới, vai mới, kép Chánh Tùng, còn gọi là thầy giáo  tuồng Trung ương– không bao giờ quên thắp hương bái tổ, lễ thầy–Bán tự vi sư! Ông nói vậy.

NSND Lê Bá Tùng trong một vai diễn.

Năm 1984, bố tôi mất ở tuổi 85 khi ông dàn dựng dở dang một tích tuồng cổ cho huyện nhà. Hẳn ông thỏa nguyện lắm khi được quy tiên theo tổ nghề trên sân khấu tuồng. Ngày đưa ông ra “đồng”, bà con cô bác, lãnh đạo địa phương đều đủ mặt. Nhưng đông đủ hơn là những học trò của ông từ các đội văn nghệ xã phường quanh vùng. Dịp đó, các anh chị học khóa một khoa tuồng, nhiều người đã thành danh nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân. Gần thì tới nhà, xa thì gửi hoa về phúng điếu. Họ bàn nhau làm kiến nghị tập thể đề nghị nhà nước truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân cho thầy Lê Bá Tùng.

Năm 1997, ngày giỗ thứ 13, tôi về quê thắp hương cho bố tôi, cùng lúc ông được Nhà nước truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Chị gái tôi kể trong niềm xúc cảm rằng, lễ trao danh hiệu cho bố tôi trân trọng lắm. Các vị lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Sở Văn hóa đều có đánh giá cao tài năng, đức nghề của ông. Đặc biệt Hội văn nghệ dân gian với nhận xét, coi ông là người có công đào tạo nghề trong môn nghệ thuật luôn lấy đạo nghĩa, trung tín làm nền cho mọi tích diễn, trường tồn với nhân gian. Cũng ngày đón, “sắc phong” Nghệ sĩ của Nhà nước cho ông về quê, bà con cô bác tới mừng, vẫn kể lại về một đám tang thầy Chánh Tùng năm nào. Đám tang to lắm! Từ nhà ra đồng hơn 3 cây số mà mộ thầy khi đắp xong, đuôi đám tang chưa ra khỏi sân nhà. Lại nói, bát hương đưa vong thầy cứ liên tục bùng cháy thành lửa ngọn. Các cụ bảo, đó là thầy hóa, linh lắm!

Tôi hiểu, có thể vì quá yêu quý một con người như bố tôi, mà cô bác ngưỡng mộ, vọng tưởng lung linh thêm. Nhưng nói có vong linh người chứng–đó cũng chính là danh hiệu nhân dân mà ông từng đã được nhận trong đời.

Lê Bá Dương