Bông hồng thép
Sinh năm 1952, AHLLVT Nguyễn Vũ Minh Nguyệt tham gia cách mạng từ rất sớm khi mới 13 tuổi. Bà Nguyệt chia sẻ, lòng căm thù giặc được nung nấu từ nhỏ khi chứng kiến người mẹ thương yêu, gia đình, làng xóm đớn đau trong những trận đòn roi, bắt bớ của giặc. Tháng 2-1965, đang học ở Sài Gòn, bà quyết định trở về quê xin gia nhập Đội quân du kích xã Sơn Thọ. Dù gầy gò, nhỏ yếu nhưng với sự kiên trì, quyết tâm cao, bà Nguyệt đã được đồng ý gia nhập Trung đội Du kích gồm 30 người, bám đánh địch tại địa phương. Hai tháng sau, bà tham gia công tác giao liên mật, chuyển tài liệu từ Quế Sơn ra Đà Nẵng.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bao nguy hiểm rình rập, có thể bị thủ tiêu bất cứ lúc nào nhưng với bản lĩnh được tôi luyện vững vàng, bà Nguyệt xác định với tinh thần “Nếu ngại hy sinh thì không ai dám làm cách mạng”. Sau gần một năm làm giao liên mật, mặc dù vô cùng cẩn trọng nhưng đường dây có nguy cơ bị lộ, bà Nguyệt trở về lại Đội Du kích xã, giữ trọng trách Xã Đội phó. Bà cùng tham gia củng cố hệ thống làng chiến đấu, xây dựng cơ sở cách mạng, huấn luyện cho lực lượng du kích xã, tăng gia sản xuất, xây dựng các trận địa, lên các phương án tác chiến phù hợp...
Kể về những ngày tháng chiến đấu, AHLLVT Nguyễn Vũ Minh Nguyệt nhớ như in khí thế hào hùng của tập thể Sơn Viên – Quế Lộc – Sơn Khương ngày ấy. Trong tập hồi ký “Vầng trăng sáng mãi” của mình, AHLLVT Nguyễn Vũ Minh Nguyệt viết: “Cuộc chiến đấu với kẻ thù tuy vô cùng ác liệt, gian khổ nhưng Đội Du kích của tôi vẫn lạc quan, đùm bọc yêu thương nhau như anh em một nhà”. Nói chuyện với đoàn viên, thanh niên xã Sơn Viên, khi được hỏi về trận đánh nhớ nhất, bà Nguyệt xúc động chia sẻ: “Bao nhiêu trận đánh diễn ra, không trận nào giống trận nào, chỉ có mẫu số chung là sự gan dạ, tinh thần quả cảm của những người tham gia. Những trận đánh đó tôi vẫn còn nhớ rõ như chỉ mới ngày hôm qua. Bởi, mỗi một trận là một lần tôi và đồng đội đứng trên lằn ranh sinh tử, kết quả trận đánh là mắt xích quan trọng trong cuộc chiến giằng co giữa hai bên”. Sau vài giây phút chững lại, bà Nguyệt cho biết, trận đánh ghi lòng tạc dạ nhất là trận tập kích Đồn bà Lẫm. “Tôi và 4 đồng đội bị vấp mìn ở ngã ba Cây Mùn (nay thuộc thôn Trung Phước 2, Quế Trung), đồng đội bị thương nặng nhưng tôi phải kìm lòng, bám nắm tình hình, tiếp tục chiến đấu. Những lúc như vậy, có nỗi đau nào bằng việc phải mạnh mẽ gạt qua niềm riêng để kiên cường chiến đấu?"- bà Nguyệt nghẹn ngào thổ lộ.
Từ năm 1966, địch tổ chức nhiều trận đánh ác liệt. Để đánh, chống địch càn quét lấn chiếm vào vùng giải phóng xã Sơn Thọ, AHLLVTND Nguyễn Vũ Minh Nguyệt phối hợp tổ chức nhiều trận phục kích, tấn công địch đổ bộ tại Cầu Chức, dốc Chùi, Khe Canh,… Và, trận gài bom núi Chúa là một trận đánh thể hiện trí thông minh, sáng tạo, lòng quả cảm của bà và du kích xã Sơn Viên.
Sau nhiều năm chiến đấu tại quê hương, năm 1969, AHLLVTND Nguyễn Vũ Minh Nguyệt được điều động nhận nhiệm vụ tại Huyện Đội Quế Sơn (gồm cả Hiệp Đức và Nông Sơn bây giờ)…
Sau giải phóng, bà từng giữ chức vụ Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân TP Đà Nẵng (cũ, từ năm 1994 -1997). Sau khi về hưu, năm 2008, AHLLVT Nguyễn Vũ Minh Nguyệt thành lập Văn phòng công chứng Bảo Nguyệt (TP Đà Nẵng).
Chiến tranh đã lùi xa. Dù những vết thương vẫn đau nhức khi trái gió trở trời nhưng ý chí người lính Cụ Hồ của “Bông hồng núi Chúa” Minh Nguyệt vẫn không hề sờn. Bà luôn đau đáu món nợ ân tình, biết ơn những anh hùng, liệt sĩ và đồng đội của mình đã anh dũng ngã xuống, hy sinh xương máu để có được hòa bình độc lập như ngày hôm nay…
Những dịp lễ, tết, đặc biệt là Ngày Thương binh – Liệt sĩ 27- 7, AHLLVT Nguyễn Vũ Minh Nguyệt luôn về quê hương ở xã Sơn Viên, Quế Lộc thắp nhang tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ. Năm 2020, bà Nguyệt ủng hộ và tặng 200 triệu đồng cho Đoàn xã Sơn Viên thực hiện chương trình “Trái tim đồng đội”, trang trí, thay bình hoa gần 800 phần mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ xã,...Bước chân khập khiễng vì bom đạn chiến tranh, người du kích bé nhỏ ngày ấy đi đến từng mộ phần, tự tay đặt hoa, thắp nén hương thơm. “Mỗi lần về đây, bên các anh hùng liệt sĩ, lòng tôi không khỏi bồi hồi, xúc động. Ở đây có những đồng đội, đồng chí cùng vào sinh ra tử của tôi nằm lại. Qua cuộc chiến, mình còn sống là điều may mắn, lẽ nào lại quên ơn những đồng đội năm xưa” – bà Nguyệt xúc động trải lòng.
Với tấm lòng vì cộng đồng, bà Nguyệt còn thăm hỏi, động viên, giúp đỡ những gia đình khó khăn, sinh viên nghèo vượt khó, ủng hộ trẻ mồ côi khuyết tật ở Đà Nẵng, đóng góp phòng chống dịch bệnh Covid-19,…
Anh Đỗ Duy Hoàng – Bí thư Đoàn xã Sơn Viên cho biết, AHLLVT Nguyễn Vũ Minh Nguyệt luôn dõi theo, đồng hành và hỗ trợ rất lớn cho các hoạt động, phong trào của tuổi trẻ xã nhà. Vừa qua, trong buổi ra mắt tập sách “Bông hồng thép” do Chi hội Văn học nghệ thuật Nguồn Việt (TP. Đà Nẵng) phối hợp tổ chức, AHLLVTND Nguyễn Vũ Minh Nguyệt đã giao lưu với đoàn viên xã Sơn Viên. “Tinh thần quả cảm, kiên cường, tấm lòng thơm thảo đáng trân quý của AHLLVT Nguyễn Vũ Minh Nguyệt là tấm gương sáng để thế hệ trẻ hôm nay học tập, noi theo. Qua từng câu chuyện, sẻ chia của người nữ anh hùng Minh Nguyệt, tuổi trẻ chúng tôi như được tiếp thêm lửa và thấy được trách nhiệm của mình trong việc dựng xây quê hương ngày một tốt đẹp hơn” – anh Hoàng bộc bạch suy nghĩ.
Tâm Lê – Minh Thông