Bục khai báo thay thế vành móng ngựa: Cải cách mang tính nhân văn

Thứ năm, 04/01/2018 15:20

Vành móng ngựa (VMN) từ lâu đã trở thành một hình ảnh đặc trưng khi nói đến các phiên tòa hình sự. VMN là chỗ người phạm tội đứng để tòa án phán xử. Tuy nhiên, từ ngày 1-1-2018, hình ảnh chiếc VMN chỉ còn là quá khứ, bởi được thay thế bằng bục khai báo. Đây  một trong những nội dung trong Thông tư 01/2017/TT-TANDTC, của TAND Tối cao quy định về phòng xử án. Việc thay đổi này được xem là một cải cách đột phá trong hoạt động pháp lý, mang tính nhân văn...

Từ ngày 1-1-2018, vành móng ngựa được thay bằng bục khai báo.

Thông tư quy định rõ, bục khai báo của bị cáo tại phiên tòa được làm bằng gỗ tự nhiên hoặc gỗ công nghiệp, màu nâu với kích thước cao 1m, dài 0,6m, rộng 0,5m. Việc thay VMN bằng bục khai báo về cơ bản không thay đổi bản chất của phiên tòa; sự đổi mới này đã được lãnh đạo các cơ quan tố tụng là Bộ Công an, TANDTC và VKSNDTC cũng như các nhà khoa học, chuyên gia pháp lý đồng thuận ủng hộ. Bục này nằm phía dưới vị trí của đại diện VKS và người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự. Tại tòa, người tham gia tố tụng khác cũng có thể đứng tại chỗ để khai báo theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa.

Ở Việt Nam, chiếc VMN có từ bao giờ cũng chưa ai xác định chắc chắn nhưng đều cho rằng nó du nhập vào nước ta từ khi bị thực dân Pháp xâm lược. Thực dân Pháp chính thức áp đặt bộ máy thống trị tại Việt Nam và sử dụng VMN trong những vụ án xét xử người phạm tội... Từ đó đến nay, trong các phiên tòa hình sự, bị cáo đều phải đứng vào "vành móng ngựa" dành riêng cho họ. Về hình thức, nó được tạo dáng giống hình cái móng ngựa, do đó mới được gọi là "vành móng ngựa". Và cũng từ đó, thành ngữ trước "vành móng ngựa" được hiểu là trước tòa án, trước pháp luật và một người phải chịu sự phán quyết của pháp luật.

Thực tiễn xét xử ở nước ta cho thấy, tại một số phiên tòa hình sự đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ bị cáo đứng trước VMN mà nhiều khi các chiến sĩ cảnh sát tư pháp cũng đứng áp sát bị cáo trong VMN để đề phòng bất trắc xảy ra. Chính hình ảnh này khiến người dự phiên tòa thấy rất phản cảm. Mặt khác, đa số mọi người định kiến rằng cất cứ ai đứng trước VMN đều bị hiểu là có tội và phải bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc nên đối xử với họ như với người có tội. Việc thay thế VMN bằng bục khai báo là dựa trên thực tiễn xét xử ở nước ta và dựa vào tinh thần của Hiến pháp, Bộ luật Hình sự và tinh thần của cuộc cải cách tư pháp. Trong đó, pháp luật Việt Nam hiện hành quy định rằng, bị cáo khi chưa bị tuyên án bằng một bản án có hiệu lực của tòa án thì vẫn được coi là chưa có tội cho nên thay thế bục khai báo nhằm đảm bảo tính khách quan của các vụ án hình sự.

Ghi nhận sự thay đổi này từ góc nhìn của những người dự khán, bà Nguyễn Thị Hường (1954, trú Hòa Vang, Đà Nẵng) cho rằng, trước giờ nhìn thấy VMN là thấy tính nghiêm minh của pháp luật đối với bị cáo. Nay không sử dụng VMN thực sự nhìn chưa quen. Số còn lại khi được hỏi đều cho rằng việc thay đổi này là hợp lý, tránh được sự nặng nề, gò bó, áp lực cả đối với bị cáo lẫn những người thân.  Đối với các hội thẩm nhân dân tham gia xét xử hầu hết đều cho rằng việc bố trí bục khai báo đối với người tham gia tố tụng là cần thiết, vì nó sẽ vừa tránh được tâm lý "đã có tội" vừa tạo thuận lợi cho người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo dõi diễn biến phiên tòa. Ngoài ra, nó góp phần nâng cao trách nhiệm của người tham gia tố tụng khi khai báo tại phiên tòa, đồng thời tăng cường vai trò trung tâm của hội đồng xét xử trong việc điều hành và duy trì trật tự phiên tòa.

Từ lâu chúng ta sử dụng VMN trong các phiên tòa xét xử với các ý nghĩa như nó tượng trưng cho sự công tâm; chịu trách nhiệm trước pháp luật, khai báo thành thật, đúng tội, nếu khai báo sai sự thật sẽ phải gánh chịu những hình phạt. "Trên thực tế, thay VMN bằng cái bục thì về cơ bản không thay đổi về nội dung phiên tòa. Người đứng trước VMN hay đứng trước bục đều là bị cáo vì vậy, để phù hợp với nguyên tắc suy đoán vô tội thì việc thay VMN bằng "bục khai báo" là rất phù hợp, đảm bảo tính khách quan, công bằng. Không chỉ vậy, thay VMN bằng bục khai báo còn có chỗ cho bị cáo để tài liệu, có chỗ để chứng cứ tranh tụng.  Ví dụ như vụ án "Buôn lậu gỗ" mà TAND TP Đà Nẵng xét xử, bị cáo có rất nhiều giấy tờ, phụ lục, có bục khai báo này sẽ rất thuận tiện cho cả bị cáo lẫn HĐXX trong quá trình trình bày, giải quyết vụ án...", một luật sư nhận xét.

Trao đổi với PV Báo Công an TP Đà Nẵng về việc thực hiện Thông tư 01/2017/TT-TANDTC, quy định về phòng xử án, ông Trần Đình Quảng- Phó Chánh án TAND TP Đà Nẵng cho biết: TAND hai cấp TP Đà Nẵng đã thực hiện Thông tư (bắt đầu từ năm 2013 khi đưa trụ sở mới vào hoạt động), theo đó phòng xử án được bố trí trang nghiêm, bảo đảm an ninh trật tự phiên tòa đồng thời đảm bảo quyền bình đẳng trước tòa án, đảm bảo nguyên tắc tranh tụng, quyền bào chữa của bị cáo, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng và phù hợp với yêu cầu xét xử từng loại án. Riêng nội dung thay thế VMN, từ ngày 1-1-2018 TAND hai cấp TP Đà Nẵng đã thực hiện. Theo ông Quảng, việc thay thế VMN  phù hợp với định hướng cải cách tư pháp theo hướng tôn trọng quyền của người tham gia tố tụng, quyền của bị cáo theo nguyên tắc "Suy đoán vô tội" được quy định trong Hiến pháp năm 2013: "Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật".

TRANG TRẦN