Bùng phát chợ tự phát

Thứ tư, 01/12/2021 21:02

Trong những ngày đầu tiên mở bán sau dịch, tiểu thương trong các chợ Cẩm Lệ, Hòa Khánh, Bắc Mỹ An… hoạt động trở lại. Tuy nhiên, lượng khách đến các chợ nhìn chung vẫn chưa cao, nhiều sạp hàng rơi vào cảnh ế hàng, vắng người mua vì tâm lý người mua ngại vào chỗ đông người, dễ lây lan dịch bệnh…

Nhiều điểm bán rau, cá tự phát trên vỉa hè.

Trái ngược với cảnh vắng lặng, im ắng trong lồng chợ, nhiều khu vực kinh doanh, chợ tạm, hàng rong tự phát, nhất là ở khu vực xung quanh các chợ nói trên lại tấp nập người bán, người mua. Lý do mà nhiều khách hàng chuộng mua ở khu vực bên ngoài vì chỉ cần tấp xe là mua được, nhanh lẹ mà giá cả thì trong hay ngoài cũng ngang nhau. Điều này khiến nhiều tiểu thương trong lồng chợ bày tỏ bức xúc vì họ tuân thủ đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch trong khi các điểm bán hàng rong bên ngoài thì tuân thủ chưa nghiêm. Do đó, cần có sự đồng bộ trong công tác phòng, chống dịch ở trong và ngoài khu vực các chợ.

Bà Nguyễn Thị Liên, tiểu thương bán hàng tươi sống ở chợ Cẩm Lệ bày tỏ: “Tôi đã chuẩn bị đầy đủ các yêu cầu cần thiết đảm bảo vệ sinh, an toàn phòng, chống dịch… nhưng việc mua bán vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó nhiều sạp bán hàng bên ngoài không đảm bảo các tiêu chí phòng chống dịch nhưng khách hàng vẫn nườm nượp. Vì vậy, tôi mong cơ quan chức năng cần có biện pháp phù hợp, đồng bộ trong công tác phòng, chống dịch ở trong chợ lẫn ngoài chợ để những tiểu thương trong các chợ khỏi chịu cảnh thiệt thòi”. Tương tự, chị Trần Thị T., tiểu thương bán rau chợ Hòa Cầm nêu ý kiến: “Dịch bệnh khó khăn thì ai cũng như nhau. Vì thế, chính quyền địa phương cần xem xét, tăng cường công tác quản lý, không để tình trạng chợ tự phát bùng phát sẽ tiềm ẩn nguy cơ bùng dịch trở lại và gây khó khăn cho những đối tượng kinh doanh trong các chợ truyền thống”.

Theo ông Nguyễn Hữu Chước, cán bộ Ban Quản lý chợ Cẩm Lệ, do ảnh hưởng dịch bệnh, lượng khách vào chợ giảm gần 50% so với trước đây. Vì thế, việc mua bán của nhiều tiểu thương lâm vào cảnh… ế ẩm.  Theo tìm hiểu, đầu năm 2021 khi đại dịch COVID- 19 bùng phát trở lại, Đà Nẵng cùng một số địa phương trong cả nước phải áp dụng nhiều biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, mọi hoạt động đi lại, các chợ truyền thống bị phong tỏa… cũng là lúc một số hộ gia đình có điều kiện trao đổi hàng hóa với một số tiểu thương ở các địa phương khác đã tổ chức mua bán rau củ quả, thực phẩm tươi sống tận dụng nhà ở hoặc vỉa hè để mua bán, phục vụ người dân trong khu dân cư. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây lan cao ở những tụ điểm đông người nên các bà nội trợ có tâm lý e dè, ngại đến các chợ truyền thống thực hiện việc mua bán, trao đổi hàng hóa… Cũng từ đó, những điểm mua bán tự phát này trở thành địa chỉ mua bán quen thuộc của nhiều người. Thậm chí, có những nơi diễn ra cảnh người mua, kẻ bán tấp nập như trên đường Nguyễn Hoàng (P. Vĩnh Trung, Q. Thanh Khê). Bà Thành, chủ quầy hàng tươi sống trên đường Bình Thái 1, Hòa Thọ Đông (Q. Cẩm Lệ), tâm sự: “Vì dịch bệnh bị thất nghiệp, buộc bà phải bươn chải, kiếm sống”…

Thực tế, chợ tự phát theo hình thức bán đang “nở rộ” tại các khu dân cư là hình thức kinh doanh theo diện hộ gia đình và thẩm quyền quản lý thuộc về chính quyền sở tại có ưu điểm là mua bán nhanh gọn nhưng tại những điểm mua bán tự phát này là gần như không được trang bị các phương tiện để phòng chống dịch. Nếu xét về phương diện pháp lý, loại hình kinh doanh này hoàn toàn hợp pháp song nó đã chi phối đến hoạt động việc mua bán bình thường của các tiểu thương tại các chợ truyền thống và không đảm bảo các điều kiện vệ sinh, an toàn phòng, chống dịch…  

Như vậy, dù mang tính nhất thời và có những tiện ích nhất định song các chợ tự phát vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh cao. Vì thế, chính quyền các địa phương cần có phương án quản lý chặt chẽ, không để bùng phát theo hình thức chợ tạm, chợ cóc… sẽ gây mất an toàn giao thông và lây lan dịch bệnh.

M.T