Bước ngoặt lịch sử!
(Cadn.com.vn) - Cách đây 5 năm, trung tuần tháng 1-2010, nhân hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tổ chức ở Đà Nẵng, tôi đặt câu hỏi với các Bộ trưởng tham dự họp báo quốc tế về một ý tưởng khá thú vị: Đồng tiền chung ASEAN.
Lúc bấy giờ ASEAN đề cập có hàng loạt ý tưởng để xây dựng Cộng đồng ASEAN, đồng tiền chung ASEAN là một trong số đó. Bản thân các vị Bộ trưởng Ngoại giao lúc đó cũng bày tỏ quyết tâm chưa từng có tiền lệ: Đi xe buýt từ Mukdakhan (Thái Lan) qua Savanakhet (Lào), ghé thăm Lao Bảo (Quảng Trị), thành phố Huế (TT-Huế) rồi đến Đà Nẵng dự họp. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao là hội nghị quan trọng nhất trong cơ chế hợp tác ASEAN, chuẩn bị nội dung cho hội nghị cấp cao. Bởi lẽ đó, động thái của các vị Bộ trưởng lúc bấy giờ đã phản ánh sự háo hức, kỳ vọng, có phần nào đó là sốt sắng về Cộng đồng ASEAN...
Trở lại với câu chuyện đồng tiền chung ASEAN, tôi đặt câu hỏi: Trên thế giới mới có một đồng tiền chung, đồng EUR, giờ đến ASEAN cũng đề cập đồng tiền này. Châu Âu từ lâu đã thực sự trở thành một liên minh, có trình độ phát triển cao và khá đồng đều, việc họ sử dụng một đồng tiền chung có thể hình dung được. Nhưng còn ASEAN, với sự đa dạng, khác biệt và trình độ chênh lệch nhau, việc sử dụng đồng tiền chung có khả thi không? Trong số 10 vị Bộ trưởng Ngoại giao tham dự họp báo hôm đó thì có 3 vị Bộ trưởng trả lời câu hỏi của chúng tôi. Trong đó, ông Bộ trưởng Ngoại giao Singapore, nước có trình độ phát triển cao nhất khối và là trung tâm tài chính hàng đầu thế giới, trả lời khá ngắn gọn: “Đồng tiền chung là ý tưởng hay, nhưng đó không phải là việc làm ngay”.
Cho tới thời điểm đó, ASEAN đã đi một lộ trình dài hơn 40 năm từ khác biệt và thậm chí có những thời điểm thù địch để nay trở thành một trong những liên kết nổi bật nhất thế giới, có lẽ chỉ xếp sau Liên minh Châu Âu, bằng Tuyên bố Kuala Lumpur lịch sử hôm 22-11 vừa qua: Tuyên bố hình thành Cộng đồng ASEAN vào ngày 31-12-2015. Theo TTXVN, Tuyên bố “khẳng định cam kết của các nước thành viên đối với Hiến chương ASEAN, phản ánh mong muốn và ý chí tập thể nhằm chung sống trong một khu vực hòa bình, an ninh và ổn định dài lâu, tăng trưởng kinh tế bền vững, thịnh vượng chung và tiến bộ xã hội... đánh dấu một bước ngoặt lịch sử mới trong quá trình phát triển của ASEAN, phản ánh được sự lớn mạnh của ASEAN sau gần 48 năm hình thành, phát triển và vươn lên trở thành một Cộng đồng liên kết chặt chẽ trên cả 3 trụ cột là chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội với vị thế ngày càng cao ở cả khu vực và thế giới”.
Cùng với Tuyên bố Kuala Lumpur, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và ba Kế hoạch Tổng thể triển khai Tầm nhìn trên 3 trụ cột với chủ đề “ASEAN 2025: Cùng Vững vàng Tiến bước” định hướng và tạo cơ sở và khuôn khổ cho liên kết của ASEAN trong 10 năm tới. Các nhà lãnh đạo cam kết triển khai hiệu quả các văn kiện này, đồng thời cũng nhất trí cần tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch Tổng thể về Kết nối và Sáng kiến Liên kết ASEAN về thu hẹp khoảng cách phát triển để hỗ trợ cho tiến trình xây dựng Cộng đồng.
Tất cả những diễn biến trong hai ngày 21 và 22-11 vừa qua tại Malaysia, trên đại thể, dường như đã kết thúc một tiến trình tìm hiểu và thiết kế cơ chế hợp tác ASEAN, giờ đây, đã khởi đầu cho một tiến trình mới, biến những công dân của các nước thành viên thành “công dân ASEAN”. Tất nhiên vẫn sẽ còn những khác biệt và khoảng cách nhưng một cộng đồng chung giờ đây đã hiện hữu. Và, biết đâu đấy, trong thị trường chung, những “công dân ASEAN” sẽ tiến đến dùng một đồng tiền chung. Đó có thể sẽ là dấu mốc (hay bước ngoặt lịch sử) tiếp theo trong tiến trình phát triển của Cộng đồng ASEAN.
Nguyễn Lê