Buôn lậu hàng gốm sứ, nữ giám đốc trả giá đắt

Thứ năm, 12/09/2024 07:38

Để qua mắt lực lượng chức năng, Lưu Thị Hồng Ly (Giám đốc Công ty Kanamori) nhập khẩu các mặt hàng gốm sứ đã qua sử dụng từ Nhật Bản về Việt Nam để bán lại kiếm lời. Tuy nhiên, do quy định của pháp luật không cho phép nhập khẩu mặt hàng gốm sứ đã qua sử dụng nên Ly khai báo là hàng mới. Chiều 10-9, TAND TP Đà Nẵng xét xử đối với bị cáo Lưu Thị Hồng Ly (1994, trú thị trấn Nam Phước, H. Duy Xuyên, Quảng Nam) về tội: “Buôn lậu”.

Bị cáo Lưu Thị Hồng Ly tại phiên tòa xét xử.
Bị cáo Lưu Thị Hồng Ly tại phiên tòa xét xử.

Theo cáo trạng, nhận thấy nhu cầu sử dụng các sản phẩm gốm sứ của người Việt Nam tăng cao nên Lưu Thị Hồng Ly cùng với Lưu Văn Sữu (1964, trú H. Duy Xuyên, cha của Ly) góp vốn thành lập Công ty TNHH Kanamori VN để nhập khẩu các sản phẩm gốm sứ mới từ Nhật Bản về Việt Nam bán kiếm lời. Lưu Thị Hồng Ly đại diện Công ty Kanamori VN ký hợp đồng kinh tế với Công ty Kanamori Icn (Nhật Bản), là công ty gia đình bên chồng của Ly (chuyên kinh doanh các mặt hàng gốm, sứ, đồ điện tử, máy cắt cỏ, máy may). Theo đó, 2 công ty này ký kết hợp đồng với nội dung là hàng hóa nhập khẩu gồm bình, tách, đĩa, chén. Chất lượng hàng hóa thực hiện theo tiêu chuẩn sản xuất xuất khẩu của bên bán (không nêu hàng cũ hay hàng mới), kèm theo khối lượng hàng hóa và giá trị hợp đồng. Thực tế, những sản phẩm Ly nhập khẩu thường là hàng bị lỗi hoặc tồn kho lâu ngày có giá rẻ hơn hàng loại 1, được mua bán theo ký, trà trộn và không có tem niêm phong.

Để làm thủ tục hải quan cho lô hàng khập khẩu, Ly thuê Đỗ Văn Khánh (1976, trú Q. Hải Châu, Đà Nẵng) hoặc Công ty TNHH Maxpeed Việt Nam- Văn phòng đại diện tại TP Đà Nẵng do Lê Trương Hùng (1995, nhân viên Công ty Maxpeed Việt Nam) liên hệ làm thủ tục Hải quan cho lô hàng.

Thông qua mạng xã hội Zalo, Ly cung cấp các chứng từ hợp đồng kinh tế, hóa đơn, danh sách hàng hóa, vận đơn tàu biển, giấy giới thiệu qua Zalo cho Đoàn Văn Khánh, Lê Trương Hùng. Trên cơ sở thông tin lô hàng do Ly cung cấp là hàng gốm sứ mới, Khánh và Hùng tiến hành mở tờ khai hải quan cho các lô hàng tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Đà Nẵng với hàng hóa nhập khẩu được kê khai theo đúng thông tin mà Ly cung cấp.

Ngày 14-9-2023, Ly đã sử dụng tư cách pháp nhân của Cty Kanamori VN nhập khẩu 18.355,4 kg hàng hóa gồm sứ đã qua sử dụng (tách, đĩa, chén, bình) trị giá hơn 454 triệu đồng và 215,25 kg các loại hàng hóa khác chưa qua sử dụng (các sản phẩm bằng nhựa, thủy tinh, gỗ, kim loại và các sản phẩm dệt may...) trị giá hơn 5,4 triệu đồng, qua Cảng Đà Nẵng.

Ly khai báo trên tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Đà Nẵng, lô hàng chứa trong container với hàng hóa nhập khẩu gồm bình trang trí bằng sứ; Tách bằng sứ dùng cho nhà bếp; Đĩa ăn bằng sứ dùng cho nhà bếp; Chén ăn bằng sứ dùng cho nhà bếp… tất cả hàng đều mới 100%. Lô hàng đã bị cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra thực tế và tạm giữ vào ngày 20-9-2023.

Ngoài ra, ngày 28-6-2023 Ly còn có hành vi nhập khẩu 181,1kg hàng gồm sứ đã qua sử dụng (chén, tô, lỵ, đĩa, bình) trị giá hơn 4,4 triệu đồng nhưng khai báo trên tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu là bình trang trí bằng sứ; Tách bằng sứ dùng cho nhà bếp; Đĩa ăn bằng sứ dùng cho nhà bếp; Chén ăn bằng sứ dùng cho nhà bếp… tất cả đều hàng mới 100%. Số hàng hóa này đã bị Cơ quan chức năng thu giữ khi tiến hành khám xét vào ngày 30-1-2024.

Qua làm việc, Ly thừa nhận, số hàng gốm sứ nhập khẩu về đều đã qua sử dụng nhưng vì pháp luật không cho phép nên khai báo là hàng mới để qua mắt lực lượng chức năng và đem về bán kiếm lời.

Từ khi thành lập cho đến nay, Công ty của Ly đã nhập khẩu tổng cộng 7 lô hàng từ Nhật Bản về Việt Nam. Tổng trị giá hàng hóa nhập khẩu mà Ly phải chịu trách nhiệm hình sự là 463.890.000 đồng.

Xét toàn diện vụ án, HĐXX TAND TP Đà Nẵng đã tuyên Lưu Thị Hồng Ly mức án 4 năm tù về tội “Buôn lậu".

MINH QUANG