Buông lỏng quản lý, rừng phòng hộ Phú Ninh bị tàn phá
(Cadn.com.vn) - Thời gian gần đây, lực lượng chức năng phát hiện nhiều vụ khai thác nhựa thông, phá rừng chiếm đất trồng cây keo và khai thác vàng trái phép trong lâm phận rừng phòng hộ (RPH) Phú Ninh (Quảng Nam). Mức độ vi phạm của những vụ việc đã phát hiện được đánh giá là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến RPH Phú Ninh và danh thắng Di tích cấp quốc gia hồ Phú Ninh.
Điều đáng nói, trong nhiều vụ việc được cơ quan chức năng phát hiện gần đây đều thuộc lâm phận RPH Phú Ninh nhưng đơn vị quản lý là Ban quản lý (BQL) RPH Phú Ninh vẫn không hay biết. Báo cáo về tình hình khai thác nhựa thông, phá rừng chiếm đất trồng keo và khai thác vàng trái phép trong lâm phận RPH Phú Ninh của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam lập ngày 28-8-2015, có đề cập: Việc khai thác nhựa thông của Cty TNHH MTV Tiến Thiên Tân (viết tắt: Cty Tiến Thiên Tân, đóng tại xã Tam Xuân 2, H. Núi Thành, Quảng Nam) tại khoảnh 5, Tiểu khu 592 (xã Tam Xuân 2) và khoảnh 1, Tiểu khu 599 (xã Tam Thạnh, H. Núi Thành) sai quy trình, không đúng hồ sơ thiết kế được duyệt. Do đó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Núi Thành kiểm tra, xử lý Cty Tiến Thiên Tân về hành vi khai thác rừng trái phép.
Rừng thông Phú Ninh bị xâm hại để trồng keo. |
Được biết, trong thời gian Cty Tiến Thiên Tân thực hiện khai thác nhựa thông, BQL RPH Phú Ninh đã tổ chức 5 đợt kiểm tra, trong đó có 2 đợt phối hợp với Hạt Kiểm lâm Núi Thành đều khẳng định: Cty Tiến Thiên Tân khai thác sai quy trình, không đúng với hồ sơ thiết kế, nhưng BQL RPH Phú Ninh lại không báo cáo và đề xuất xử lý vụ việc trên.
Không những để xảy ra sai phạm liên quan đến việc khai thác nhựa thông, mà ngành lâm nghiệp tỉnh còn phát hiện, trong tổng số 121,13ha rừng tự nhiên ở xã Tam Sơn (H. Núi Thành) mà BQL RPH Phú Ninh quản lý và giao khoán cho các nhóm hộ dân quản lý, bảo vệ và khoanh nuôi tái sinh tự nhiên chỉ còn có 28,652ha, nghĩa là diện tích rừng tự nhiên bị tàn phá lên đến 92,505ha. Trong số rừng tự nhiên bị tàn phá nói trên được phát hiện tại khoảnh 5, Tiểu khu 596, có 12,39ha giao cho nhóm hộ Tô Đức Kiểm đã bị phá hoàn toàn, trong đó 11ha bị phá để trồng keo. Còn tại khoảnh 6, tiểu khu 596 có 82,36ha giao cho nhóm hộ Nguyễn Lương Đào (cả hai đều trú thôn Thuận Tây Yên, xã Tam Sơn) thì có đến 72,471ha bị phá để trồng keo. Ở tiểu khu này ông Kiểm còn được giao 5 lô với diện tích 38,77ha thì có đến 20,034ha đã bị tàn phá để trồng keo.
Trước sự việc trên, Hạt Kiểm lâm Núi Thành đã khởi tố vụ án và chuyển hồ sơ cho CAH Núi Thành tiếp tục điều tra, xử lý theo thẩm quyền. Ngoài ra, một số người dân cũng vào khu vực RPH Phú Ninh đốn gỗ, khai thác vàng sa khoáng trái phép và được các ngành chức năng ngăn chặn, xử lý.
Mở đường trong RPH ảnh hưởng đến nhiều diện tích rừng thông. |
Về trách nhiệm của BQL RPH Phú Ninh, Chi cục Kiểm lâm nhận định: BQL RPH Phú Ninh thực hiện chưa đầy đủ các trình tự về khai thác lâm sản (nhựa thông). Cụ thể, bàn giao hiện trường khi chưa có quyết định cấp phép; thiếu sót trong việc đánh dấu sơn lên thân những cây thông được phép khai thác nhựa. Không có các biện pháp xử lý cây keo tái sinh xen lẫn dưới tán rừng thông. Thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát, nghiệm thu các hạng mục lâm sinh... Còn đối với Hạt Kiểm lâm Núi Thành: Việc tổ chức kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, khi phát hiện vi phạm nhưng chưa kịp thời xử lý hoặc báo cáo, đề xuất xử lý. Công tác chỉ đạo và kiểm tra giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của công chức Kiểm lâm địa bàn để xảy ra tình trạng phá rừng tự nhiên với diện tích lớn, diễn ra trong thời gian dài nhưng chậm phát hiện và đề xuất xử lý...
Được biết khu vực RPH Phú Ninh có nhiều đơn vị quản lý như: BQL RPH Phú Ninh, Hạt Kiểm lâm Phú Ninh, Hạt Kiểm lâm Núi Thành, Đồn CA Phú Ninh... thế nhưng việc vi phạm trên diễn ra trong thời gian dài mà không được xử lý kịp thời, dẫn đến hàng chục héc-ta RPH, rừng tự nhiên, rừng thông... bị phá hủy. Thiết nghĩ đã đến lúc các ngành chức năng cần điều tra, xử lý rốt vấn đề, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
B.Bình