C. QUẬN CẨM LỆ

Chủ nhật, 04/10/2015 07:20

 C. QUẬN CẨM LỆ

Hạ tầng kỹ thuật gồm: Hệ thống cấp, thoát nước, cáp ngầm, điện hạ thế, đèn cao áp của các sơ đồ trên toàn quận đầy đủ.

I. KHU ĐÔ THỊ SINH THÁI HÒA XUÂN (Sơ đồ số 19): 07 đường.

1. Đoạn đường có điểm đầu là đường 10,5m chưa đặt tên, điểm cuối là đường 7,5m chưa đặt tên: Mặt đường bằng bê tông nhựa, chiều dài 420m, rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.

- Đề nghị đặt tên đường: TRẦN THÚC NHẪN

TRẦN THÚC NHẪN (1841-1883)

Ông có tên thật là Trần Thúc Bình, sau được vua Tự Đức ban đổi ra Thúc Nhẫn, quê ở làng Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên.

Năm 1876, ông đỗ Cử nhân, sau đó làm quan đến chức Tham tri Bộ Lễ. Khi quân Pháp đem thủy quân đánh cửa Thuận An để thị uy nước ta, ông nhận lệnh triều đình làm Trưởng phái đoàn cùng với Phạm Như Xương và các tùy viên đi thương thuyết. Vừa đến Trấn Hải đài, phái đoàn không sao tiếp xúc được với sĩ quan chỉ huy giặc Pháp. Chúng dùng hỏa lực áp đảo quân ta, rồi đổ bộ tiến công. Ngày 20/8/1883, chúng chiếm đóng thành Trấn Hải (Đà Nẵng).

Nghe tin thất thủ, đau buồn trước vận mệnh đất nước và sứ mệnh không hoàn thành, ông quay thuyền trở về, đến ngang đoạn Ngã ba Sình, ông gieo mình xuống sông Hương tuẫn tiết cùng với Lâm Hoành và các nghĩa sĩ khác. Ông được sĩ phu và người đời xưng tụng là bậc tiết nghĩa.

*Tài liệu tham khảo chính:

- Đinh Xuân Lâm-Nguyễn Văn Khánh-Nguyễn Đình Lễ, Đại cương lịch sử Việt Nam (Tập 2). NXB Giáo dục, 2006.

- Dương Phước Thu, Huế - tên đường phố xưa và nay, NXB Thuận Hóa, 2004, trang 431.

- Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Đình Tư, Đường phố thành phố Hồ Chí Minh, NXB Văn hóa Thông tin, 2001.

2. Đoạn đường có hình chữ L, có điểm đầu là đường 7,5m chưa đặt tên, điểm cuối là đường 10,5 chưa đặt tên: Mặt đường bằng bê tông nhựa, chiều dài 1.060m, rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.

- Đề nghị đặt tên đường: PHAN TRIÊM

PHAN TRIÊM (1916-2001)

Ông còn có bí danh là Mười, Kỳ Nam, Năm Quảng Nam, Anh Sáu Triêm; quê ở làng Bảo An Tây, phủ Điện Bàn, nay thuộc xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Năm 1936, ông là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1938, ông được bổ sung vào Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, phụ trách khu vực quận II. Năm 1940, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ và bị đàn áp dã man, ông bị địch bắt giam ở Khảm Lớn (Sài Gòn), sau đó đày ra Côn Đảo rồi về an trí ở trại Ly Hy (Thừa Thiên).

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ông ra tù và được Xứ ủy Nam Kỳ phân công về Tỉnh ủy Bến Tre, làm Chủ nhiệm Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Bến Tre. Năm 1946, ông được điều về làm Chính trị viên - Phó phòng Mật vụ Nam Bộ, tức Ban Quân báo Nam Bộ. Năm 1950, ông được cử làm Chánh Văn phòng Xứ ủy Nam Bộ. Năm 1952, ông làm Phó Trưởng ban Tổ chức Xứ ủy Nam Bộ.

Năm 1954, ông tập kết ra Bắc và được điều động về công tác tại Ban Tổ chức Trung ương. Năm 1959, ông làm Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Năm 1974, ông được điều sang làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất Trung ương, phụ trách công tác cán bộ. Năm 1978, ông được điều động làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Liên lạc kinh tế với nước ngoài, Ủy viên Ban Cán sự Đảng về công tác Lào.

Ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất.

* Tài liệu tham khảo chính: Quảng Nam - Những tấm gương cộng sản, tập 1, NXB Đà Nẵng, 2010.

3. Đoạn đường có điểm đầu là đường 7,5m chưa đặt tên, điểm cuối là đường Thanh Lương 4 (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê tông nhựa, chiều dài 650m, rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.

- Đề nghị đặt tên đường: NGUYỄN SẮC KIM

NGUYỄN SẮC KIM (1918-1950)

Ông còn có bí danh là Hạ, quê ở làng Tịnh Sơn, phủ Tam Kỳ, nay thuộc thôn Thạch Trung, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

Năm 1937, ông là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và làm nhiệm vụ tuyên truyền, phát triển đảng viên mới.

Năm 1940, ông cùng đồng chí Võ Toàn thành lập Ban Vận động Phụ nữ phản đế Phủ Tam Kỳ. Năm 1942, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam được củng cố do đồng chí Võ Toàn làm Bí thư, ông được cử làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Năm 1943, ông bị địch bắt và kết án 25 năm tù giam và đày đi Buôn Ma Thuột. Năm 1945, ông được ra tù, vừa về đến Bình Thuận ông đã bắt đầu triển khai các biện pháp khôi phục phong trào cách mạng và vận động thành lập Ban Vận động Việt Minh lâm thời tỉnh Bình Thuận. Cũng trong năm 1945, ông chủ động phối hợp với các tỉnh Ninh Thuận và Lâm Viên để thành lập Ban Liên lạc ba tỉnh.

Cuối năm 1945, Hội nghị Bình An được tổ chức và quyết định thành lập Chi đội 1, Chi đội 2 và Chi đội 3, ông được cử làm Chính trị viên Chi đội 1 (Chi đội 1 phụ trách tỉnh Bình Thuận và cả Đồng Nai Thượng). Năm 1946, ông được cử làm Chính trị viên Trrung đoàn 82. Năm 1948, ông nằm trong Ban Chỉ huy Liên Trung đoàn 81 + 82 làm nhiệm vụ Ủy viên Chính trị. Năm 1950, ông được điều động về làm Chính ủy Trung đoàn 803.

Ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương Chiến thắng hạng Nhì.

* Tài liệu tham khảo chính: Quảng Nam - Những tấm gương cộng sản, tập 2, NXB Đà Nẵng, 2010.

4. Đoạn đường có điểm đầu là đường 7,5m chưa đặt tên, điểm cuối cũng là đường 7,5m chưa đặt tên: Mặt đường bằng bê tông nhựa, chiều dài 120m, rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.

- Đề nghị đặt tên đường: THANH LƯƠNG 1

Thanh Lương trước đây là tên của một xã thuộc tổng An Lưu, từ tháng 2/1948, xã Thanh Lương và xã Thanh Xuân hợp lại thành xã Hòa Xuân (nay là phường Hòa Xuân). Trích lịch sử Đảng bộ phường Hòa Xuân

5. Đoạn đường có điểm đầu là đường Phan Triêm (đường dự kiến đặt tên đợt này), điểm cuối là đường 10,5m chưa đặt tên: Mặt đường bằng bê tông nhựa, chiều dài 110m, rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.

- Đề nghị đặt tên đường: THANH LƯƠNG 2

6. Đoạn đường có điểm đầu là đường Phan Triêm (đường dự kiến đặt tên đợt này), điểm cuối là đường 10,5m chưa đặt tên: Mặt đường bằng bê tông nhựa, chiều dài 110m, rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.

- Đề nghị đặt tên đường: THANH LƯƠNG 3

7. Đoạn đường có điểm đầu là đường Phan Triêm (đường dự kiến đặt tên đợt này), điểm cuối là đường 10,5m chưa đặt tên: Mặt đường bằng bê tông nhựa, chiều dài 110m, rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.

- Đề nghị đặt tên đường: THANH LƯƠNG 4

II. KHU DÂN CƯ NAM CẦU CẨM LỆ (Sơ số đồ 20): 19 đường.

1. Đoạn đường có điểm đầu là đường Trần Nam Trung, điểm cuối là đường 10,5m chưa đặt tên: Mặt đường bằng bê tông nhựa, chiều dài 1.500m, rộng 15m; vỉa hè mỗi bên rộng 9m.

- Đề nghị đặt tiếp tên đường: TRẦN NAM TRUNG

2. Đoạn đường có điểm đầu là đường Võ An Ninh (đường dự kiến đặt tên đợt này), điểm cuối là đường Võ Quảng: Mặt đường bằng bê tông nhựa, chiều dài 680m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: VÕ SẠ

VÕ SẠ (1910-1991)

            Ông có tên thật là Lương Công Sạ, bí danh Thắng; quê ở ấp Vân Sơn, làng Vân Trai, tổng Đức Hòa, phủ Tam Kỳ, nay là xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

            Năm 1930-1935, ông dạy học ở làng Bình An Trung, nay là thôn An Hiệp, xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Trong thời gian dạy học, ông viết nhiều bài diễn thuyết lên án chế độ phong kiến, tay sai, chống sưu cao thuế nặng, chống nạn mù chữ.

            Năm 1937, ông được kết nạp vào Đảng. Tháng 7/1938, Chi bộ ghép Vân Trai - Thọ Khương tách ra thành lập 2 chi bộ độc lập, gồm Chi bộ Vân Trai và Chi bộ Thọ Khương, ông được cử làm Bí thư Chi bộ Vân Trai. Tháng 9/1939, ông bị địch bắt giam ở nhà lao Hội An. Sau đó, ông lại bị chuyển về nhà lao Lao Bảo cùng các đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ, Nguyễn Như Khuê và Nguyễn Phùng. Năm 1941, địch lại chuyển ông đến nhà tù Buôn Ma Thuật, tháng 7/1942, ông lại bị chuyển về lại nhà lao Hội An, rồi về khu an trí Trà Khê, Phú Yên.

            Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, ông ra tù và được giao nhiệm vụ tổ chức phong trào quần chúng chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền. Đầu tháng 8/1945, ông được cử tham gia Ban vận động giành chính quyền phủ Tam Kỳ, phụ trách liên lạc giữa hai tổng An Hòa, Đức Hòa. Ngày 19/8/1945, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Phủ ủy Tam Kỳ được thành lập, ông được cử làm Ủy trưởng giáo dục. Sau đó, ông được cử giữ chức Phó Chủ tịch, lúc này Chủ tịch là đồng chí Lê Thuyết.

Ngày 06/01/1946, Tổng tuyển cử đầu tiên trong cả nước, ông cùng 14 vị đại biểu của tỉnh Quảng Nam và là một trong 2 đại biểu của Tam Kỳ được Ủy ban Mặt trận Việt Minh tỉnh Quảng Nam tín nhiệm giới thiệu ra ứng cử và trúng cử với số phiếu rất cao, trở thành một trong những đại biểu Quốc hội đầu tiên của tỉnh Quảng Nam.

Tháng 2/1946, ông làm Phó Chủ tịch - kiêm phụ trách ủy viên giáo dục, công chính, y tế, Bí thư Đảng đoàn chính quyền huyện Tam Kỳ. Năm 1951-1954, ông được cử làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Liên Việt huyện Tam kỳ. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc và công tác tại Bộ Nội Vụ, nay là Bộ Lao Động, Thương binh và Xã hội.

Ông đã được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất...

* Tài liệu tham khảo chính: Quảng Nam - Những tấm gương cộng sản, tập 2, NXB Đà Nẵng, 2010.

3. Đoạn đường có điểm đầu là đường Võ Chí Công, điểm cuối là đường 10,5m chưa đặt tên: Mặt đường bằng bê tông nhựa, chiều dài 2.430m; rộng có đoạn 7,5m, có đoạn 10,5m; vỉa hè mỗi bên có đoạn rộng 4m, 4,5m và 5m.

- Đề nghị đặt tên đường: MẸ THỨ

MẸ THỨ (1904-2010)

Mẹ Thứ tên thật là Nguyễn Thị Thứ, quê ở làng Thanh Quýt, xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Mẹ là mẹ Việt Nam điển hình về đức hy sinh, chịu đựng, sự can trường cho đất nước trong những năm tháng khói lửa đạn bom.

Mẹ có chồng, 9 người con trai, 1 con rể và 1 cháu là liệt sỹ, là người mẹ có nhiều con cháu hy sinh nhất trong các cuộc kháng chiến. Mẹ là bà mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu, được lấy làm nguyên mẫu xây dựng tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng tại Núi Cấm, thuộc thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Trong các cuộc chiến tranh, tại khu vườn của nhà Mẹ có 5 hầm bí mật, nơi Mẹ và con gái đầu Lê Thị Trị nuôi giấu nhiều cán bộ, bộ đội, du kích Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Trên miệng hầm Mẹ thả hàng chục con bò ăn cỏ ngay trong vườn. Lúc không có quân đối phương, hai mẹ con Mẹ Thứ mở hé cửa hầm cho cán bộ cách mạng dễ thở, khi có động thì lại giả vờ đi coi bò để chỉnh sửa, ngụy trang lại miệng hầm.

Năm 1994, Mẹ Thứ đã được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Bức tượng Mẹ được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

* Tài liệu tham khảo chính:

- Cổng thông tin điện tử Thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam).

- Báo Đà Nẵng online, Thứ sáu, 10/12/2010 và Thứ Hai, 13/12/2010.

4. Đoạn đường có điểm đầu là đường Võ An Ninh, điểm cuối là đường Võ Văn Ngân (02 đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê tông nhựa, chiều dài 710m, rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.

- Đề nghị đặt tên đường: TRẦN VIỆN

TRẦN VIỆN (1913-1991)

Ông có bí danh là Hồng Việt, tên thường gọi là Xã Giảng; quê ở thôn Lộc Đại, xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Từ tháng 5/1936 - 12/1938, ông tham gia phong trào Thanh niên Dân chủ trong Mặt trận bình dân tỉnh Quảng Nam. Với sự cố gắng nỗ lực của bản thân, ông chính thức được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 02/1940.

Năm 1942, ông cùng với đồng chí Nguyễn Sắc Kim tiến hành treo cờ Đảng và cờ Việt Minh ở Ngọc Khô (Thăng Bình) gây được tiếng vang mạnh mẽ, được đông đảo quần chúng ủng hộ. Tháng 6/1942, ông bị địch bắt và đưa về nhà lao Hội An, sau đó, bị địch kết án 10 năm tù rồi giam ở nhà lao Hội An, rồi bị đày đi nhà lao Buôn Ma Thuột.

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, đồng chí Võ Toàn (Võ Chí Công) về Quế Sơn triệu tập và chủ trì hội nghị tại nhà ông. Hội nghị đã đi đến quyết định thành lập Ban Vận động khởi nghĩa của huyện Quế Sơn, ông được cử làm Phó trưởng ban, phụ trách xây dựng căn cứ và tài chính. Sau đó, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện Quế Sơn được thành lập, ông được cử làm Phó Chủ tịch. Ngày 2/9/1945, tại buổi lễ ra mắt Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Nam, ông được cử làm Ủy trưởng tài chính.

Ngày 06/01/1946, Tổng tuyển cử đầu tiên trong cả nước, ông cùng 14 vị đại biểu của tỉnh Quảng Nam và là đại biểu của Quế Sơn được Ủy ban Mặt trận Việt Minh tỉnh Quảng Nam tín nhiệm giới thiệu ra ứng cử và trúng cử với số phiếu rất cao, trở thành một trong những đại biểu Quốc hội đầu tiên của tỉnh Quảng Nam.

Từ tháng 10/1945 - 1948, ông được bổ sung vào Tỉnh ủy, phân công làm Ủy viên Tài chính Ủy ban nhân dân Cách mạng tỉnh Quảng Nam. Tháng 6/1948 - 1953, ông lần lượt giữ các chức vụ: Chủ tịch Ủy ban hành chính, Thường vụ Huyện ủy Tiên Phước, Ủy viên thường vụ Việt Minh tỉnh Quảng Nam, cán bộ Ban Tổ chức Liên khu ủy 5.

Năm 1954, ông tập kết ra Bắc và công tác tại Bộ Công an; năm 1957, ông làm Giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy Nông trường Chí Linh, Hải Dương. Năm 1962-1969, ông vào Nam công tác, làm Ủy viên Ban kinh tế - tài chính Khu 5, Thường trực Đảng ủy Ban kinh tế - tài chính Khu 5.

Ông là Đại biểu Quốc hội các khóa I, II, III.

Ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Quyết thắng hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất và Huân, Huy chương cao quý khác.

* Tài liệu tham khảo chính:Quảng Nam - Những tấm gương cộng sản, tập 2, NXB Đà Nẵng, 2010.

5. Đoạn đường có hình chữ L, có điểm đầu là đường 7,5m chưa đặt tên, điểm cuối là đường Dương Loan (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê tông nhựa, chiều dài 920m; rộng có đoạn 7,5m, có đoạn 10,5m; vỉa hè mỗi bên có đoạn rộng 4m, có đoạn 5m.

- Đề nghị đặt tên đường: VÕ VĂN NGÂN

VÕ VĂN NGÂN (1902-1938)

Ông quê ở xã Bình Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn, nay thuộc tỉnh Long An.

Xuất thân trong một gia đình nông dân, lúc trẻ cùng với anh ruột là Võ Văn Tần theo học chữ Hán, chữ Quốc ngữ… Năm 1925, ông tham gia Hội kín Nguyễn An Ninh. Năm 1926, ông tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội và trở thành một trong số hội viên cốt cán đầu tiên ở quận Đức Hoà, có công đi tuyên truyền gầy dựng Thanh niên trong quận và tỉnh Chợ Lớn.

Năm 1929, ông và anh trai Võ Văn Tần trở thành đảng viên của tổ chức An Nam Cộng sản Đảng. Hai anh em là người đầu tiên lập ra chi bộ Cộng sản sớm nhất ở Đức Hoà. Năm 1930, ông tiếp tục cũng Võ Văn Tần và các đồng chí trong Quận uỷ Đức Hoà đứng ra huy động quần chúng nông dân cả làng tiến về quận lỵ biểu tình “xin thuế” và chống địch đàn áp. Cuộc biểu tình đã thành công buộc tên quận trưởng Sảnh chấp nhận yêu sách.

Năm 1931-1932, ông được cử giữ chức Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định, rồi sau đó là Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn. Tháng 3/1935, ông được cử vào cơ quan Xứ uỷ Nam Kỳ và trực tiếp về phụ trách Thành uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn, rồi được bầu làm một trong hai đại biểu chính thức cùng thay mặt cho toàn Đảng bộ Nam Kỳ đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất họp ở Ma Cao.

Sau Đại hội, ông được cử trực tiếp làm Bí thư Xứ uỷ lãnh đạo toàn Đảng bộ Nam Kỳ. Sau đó, cùng các đồng chí chuẩn bị xây dựng căn cứ ở vùng nông thôn ngoại thành cho Trung ương Đảng về đóng để thuận tiện việc chỉ đạo phong trào cách mạng.

Năm 1936, Mặt trận bình dân Pháp giành thắng lợi trong cuộc bầu cử vào Nghị viện ở chính quốc, ông cùng các đồng chí ở Xứ uỷ trực tiếp chỉ đạo một cuộc biểu tình lớn ở Sài Gòn - Chợ Lớn, gồm hàng chục ngàn đồng bào thành phố và các tỉnh Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Mỹ Tho kéo về tham dự, tạo nên một không khí chính trị sôi động đòi quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận, tự do hội họp, đòi giảm thuế, tăng lương, bớt giờ làm việc.

Năm 1938, ông bị bệnh nặng mất tại quê nhà. Hai năm sau, anh ruột ông là Võ Văn Tần đương chức Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ cũng bị Pháp giết ở Hóc Môn.

* Tài liệu tham khảo chính:

- Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Đình Tư, Đường phố thành phố Hồ Chí Minh, NXB Văn hóa Thông tin, 2001.

- Trang thông tin điện tử UBND quận Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh).

6. Đoạn đường có điểm đầu là đường Võ An Ninh (đường dự kiến đặt tên đợt này), điểm cuối là đường Văn Tiến Dũng: Mặt đường bằng bê tông nhựa, chiều dài 1.320m; rộng có đoạn 10,5m, có đoạn 7,5m; vỉa hè mỗi bên có đoạn rộng 5m, có đoạn 4m.

- Đề nghị đặt tên đường: DƯƠNG LOAN

DƯƠNG LOAN (1920-1999)

Ông còn có tên khác là Dương Quy, Liên, bí danh là Phụng; quê ở xã Long Bình, tổng An Hòa, phủ Tam Kỳ, nay là xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

Ông tham gia cách mạng từ năm 1938. Năm 1940, ông là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau đó, ông làm Bí thư Chi bộ Việt Minh xã Tịch Tây, tổng Đức Hòa. Năm 1943, ông bị địch bắt giam tại nhà lao Tam Kỳ. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, ông được ra tù và tiếp tục xây dựng lực lượng ở địa phương.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông làm Ủy viên Mặt trận Việt Minh xã Tịch Tây. Năm 1951, ông làm Trưởng đoàn Dân công Liên khu 5, Phó Trưởng ban Dân công Mặt trận xuân - hè tác chiến trên mặt trận An Khê (Gia Lai).

Năm 1961, ông làm Phó Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu 5 và được phong quân hàm Trung tá. Năm 1964, ông làm Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu 5, trực tiếp làm Tổng đại diện Quân khu 5 chuẩn bị hậu cần - địa bàn cho Mặt trận B3 (Mặt trận Tây Nguyên). Sau đó, ông làm Chủ nhiệm Chính trị Mặt trận B3.

Năm 1965, ông làm Ủy viên Ban đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Trung Trung Bộ. Năm 1970, ông được phong quân hàm Đại tá. Năm 1972, ông làm Cục trưởng Cục Hậu cần Quân khu 5, sang năm 1973, ông làm Phó Tư lệnh, Chính ủy Đoàn 773, thuộc Quân khu 5.

Năm 1976, ông làm Cục trưởng Cục xây dựng kinh tế. Năm 1977-1979, ông là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Quân khu 5, Trưởng Ban Thanh tra Quân khu.

Ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương Quân công hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; Huân chương Chiến thắng hạng Nhì; Kỷ niệm chương Chiến sĩ tình nguyện quân Việt- Lào...

* Tài liệu tham khảo chính: Quảng Nam - Những tấm gương cộng sản, tập 3, NXB Đà Nẵng, 2010.

7. Đoạn đường có điểm đầu là đường 7,5m chưa đặt tên, điểm cuối cũng là đường 7,5m chưa đặt tên: Mặt đường bằng bê tông nhựa, chiều dài 1.660m; rộng có đoạn 7,5m, có đoạn 10,5m; vỉa hè mỗi bên có đoạn rộng 4m, có đoạn 5m.

- Đề nghị đặt tên đường: VÕ AN NINH

VÕ AN NINH (1907-2009)

Ông có tên thật là Vũ An Tuyết, quê ở phố Hàng Gai, Hà Nội; ông là một nghệ sĩ tài hoa, cây đại thụ của làng nhiếp ảnh Việt Nam. Ông sở hữu những bộ ảnh giá trị không chỉ đối với nền nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam mà còn có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử của đất nước như bộ ảnh về nạn đói năm Ất Dậu 1945, bộ ảnh về Hồ Gươm...

Ông từng làm phóng viên nhiếp ảnh Sở Kiểm lâm Hà Nội thời Pháp thuộc, khu Triển lãm Trung ương và Xưởng phim Đèn chiếu Việt Nam (1954 - 1970); Ủy viên Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam; Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam Khóa III.

Năm 1938, tác phẩm Đẩy thuyền ra khơi của ông được Giải thưởng ngoại hạng triển lãm ảnh Paris-Pháp. Cuối năm 1938, ông được Bằng khen tại triển lãm ảnh nghệ thuật quốc tế Bồ Đào Nha cho tác phẩm Chợ bán nồi đất và Huy chương vàng trong cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật cá nhân tại Huế. Bộ ảnh ghi lại nạn đói năm 1945 là một thành công trong sưu tập ảnh: bức ảnh hai em bé ngồi bên cây số hai Thái Bình chờ chết. Năm 1960, ông được Huy chương đồng tại triển lãm ảnh quốc tế tại Liên Xô với tác phẩm Nước ròng bãi Trà Cổ; năm 1965, triển lãm ảnh quốc tế BIFOTA đã tặng Bằng khen cho ông với tác phẩm Đôi nét thủy mặc Sa Pa.

Ông nổi tiếng về ảnh phong cảnh và đã tạo nên phong cách nghệ thuật riêng của mình: sâu lắng, thanh thoát, êm ả, trữ tình, như: Bác Hồ những ngày đầu dựng nước (1945 - 1946), toàn quốc kháng chiến 1946, nhân dân Sài Gòn đuổi tàu chiến Mỹ (1950)... về Hồ Gươm như: Hồ Gươm buổi sớm, Hồ Gươm bốn mùa, có những bức man mác nét cổ hoài như: Thu về, Nhớ xưa, những bức ảnh về thiếu nữ như: Thiếu nữ Hà Nội, Trong vườn si đền Voi Phục, Một nét quê hương, Hương lúa... Nhiều bức ảnh khác chụp ở những vùng đất khác nhau trên khắp mọi miền đất nước như: Thác Bản Giốc (Cao Bằng), Đỉnh Phan-xi-păng, Xuân về trên dãy Hoàng Liên Sơn, Phơi lưới trên sông Cấm, Biển bạc (Đà Nẵng), Suối nắng rừng thông (Đà Lạt), Nhà thờ Đức Bà

Ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huy chương vì sự nghiệp Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, Huy chương vì sự nghiệp Văn hóa - Thông tin, Huy chương vì sự nghiệp phát triển Nghệ thuật Nhiếp ảnh Việt Nam và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt I năm 1996.

* Tài liệu tham khảo chính:

            - Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Thứ sáu, 05/06/2009.

            - Báo Thể thao Văn hóa, Thứ bảy, 06/06/2009.

            - Báo Tiền Phong, Thứ sáu, 05/06/2009.

>> tiếp theo...