C2 Hòa Vang - một thời hoa lửa

Thứ hai, 23/03/2015 08:34

(Cadn.com.vn) - Sáng 22-3, tạm gác những bộn bề lo toan của cuộc sống thường nhật, gần 300 cựu binh C2 Hòa Vang (Đà Nẵng) cùng với đồng chí Nguyễn Văn Chi, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra T.Ư Đảng, lãnh đạo huyện qua các thời kỳ... có buổi gặp mặt đầy ấm áp, xúc động. Gặp nhau, tay bắt, mặt mừng, rưng rưng, họ sẻ chia những câu chuyện của người lính năm xưa. Theo ông Hoàng Minh Nghiêm, nguyên Chính trị viên trưởng C2, những ký ức về một thời lửa đạn luôn gợi nhớ chiến công cùng sự đau thương mất mát song hành trong hơn ngàn ngày đánh Mỹ và cho đến tận bây giờ.

Có nhiều người lính C2 năm 1961 khi đó mới tuổi 15-16, quần đùi, áo lót, súng mang trên vai còn chấm đất vẫn dũng cảm hành quân ra trận. Với nhiều năm ròng rã trụ bám trên chiến trường ác liệt, từ trận đầu bắt sống Mỹ ở thôn Nam Thành (xã Hòa Bình cũ) năm 1962, đến trận đánh cuối cùng chiếm quận lỵ Hòa Vang, đơn vị đã góp vào chiến công giải phóng Đà Nẵng. Gắn liền với những chiến công đó, gần 300 CBCS C2 Hòa Vang đã nằm lại với đất Mẹ, cùng với hàng trăm đồng đội khác hiện vẫn còn mang trên mình nhiều thương tật... Ký ức những năm tháng gian khổ mà hào hùng mãi ghi dấu ấn sâu đậm trong tâm khảm mỗi người lính C2. Họ nhớ từng tấc đất, cung đường; những ngày "ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng" khi tham gia các trận đánh với địch càn quét hoặc công đồn... Mỗi lần gặp mặt là dịp để họ sống lại kỷ niệm về một thời hoa lửa.

Ông Trần Thanh Bình, nguyên Đại đội trưởng C2 nhớ lại: "Chúng tôi vẫn nhớ đinh ninh ngày 28-1-1973, trong lúc bộ đội và nhân dân Hòa Vang đồng loạt cắm cờ giữ đất thì tại khu vực An Tân, Dương Lâm vẫn còn xảy ra cuộc chiến với địch quyết liệt, 3 đồng chí Nguyễn Thị Xuân Mai, Hồ Thị Vân, Ông Thị Nguyệt đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, quyết không lọt vào tay địch". Ông Bình chia sẻ: "Tôi không nhớ mình đã làm bao nhiêu cuộc đồng hành cùng đồng đội tìm về quá khứ, cứ mỗi lần như vậy trong tôi lại tràn dâng những cảm xúc dạt dào".

Đồng chí Nguyễn Văn Chi gặp lại những người lính C2 năm xưa.

Buổi gặp mặt C2 Hòa Vang năm nay có điểm đặc biệt là trình chiếu Video clip "Một thời để nhớ" mà từ tác giả kịch bản Trần Chiến Chinh, đạo diễn Nguyễn Lê Tâm đến các diễn viên tham gia đều là các cựu binh C2.  Nhòa trong nước mắt, ông Chinh tâm sự, cứ sau mỗi trận đánh hoặc lúc dừng chân trên đường hành quân, ông đều tranh thủ viết nhật ký, ghi lại những năm tháng gian khổ ác liệt diễn ra ở Huyện đội Hòa Vang nói chung và C2 Hòa Vang nói riêng. Hôm nay, trở về đời thường, ông thao thức lật lại từng trang nhật ký đã thể hiện tấm lòng thủy chung cách mạng và trọn nghĩa tình với đồng đội để cùng nhau hồi tưởng "quá khứ gọi ta về"...

Chiến tranh đã dần lùi xa, những người lính C2 với tất cả nhiệt huyết tuổi thanh xuân ngày nào, giờ cũng đã lên chức "ông, bà". Thế nhưng, tình cảm đồng đội trong họ vẫn còn nguyên vẹn như xưa. Họ sẻ chia những vui buồn trong cuộc sống, động viên nhau vượt qua những khó khăn hiện tại. "Mỗi người lính, khi ở trong mưa bom bão đạn, họ cảm thấy cuộc đời đẹp nhất trên trận tuyến đánh quân thù, còn khi trở lại với cuộc sống đời thường, nghĩa tình đồng đội là điều cháy bỏng nhất trong mỗi trái tim của họ", bà Lê Thị Mười, y tá Trạm xá C2 khẳng định. Và, không biết bao lần nhìn mái tóc pha sương của các cựu binh C2 Hòa Vang, lòng chúng tôi lại trào dâng niềm tự hào về lớp lớp cha anh đã có một thời hoa lửa để độc lập tự do được kết trái trên Tổ quốc thân yêu, là những bài học về tình yêu, sự hy sinh cho đất nước, là những tấm gương sáng ngời dù trên chiến trường xưa hay trong cuộc sống xây dựng, tái thiết đất nước hôm nay.

Các cựu binh C2 quây quần trong ngày vui gặp mặt.

An Dương

* Sáng 22-3, tại nhà văn hóa Quân khu 5, Ban liên lạc Biệt động thành Đà Nẵng tổ chức gặp mặt truyền thống, nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng Đà Nẵng. Tại buổi gặp mặt, các CBCS ôn lại truyền thống vẻ vang của Biệt động Đà Nẵng với nhiều chiến công hiển hách trong công cuộc giải phóng quê hương. Đặc biệt, trận đánh của 7 dũng sĩ Thanh Khê với huyền thoại Mẹ Nhu anh hùng đã làm nên sự kiện chấn động lịch sử.

Từ đây, lực lượng Biệt động cùng quân và dân Đà Nẵng đã nổi dậy tổng tiến công, chiếm lĩnh các mục tiêu quan trọng trong thành phố, nhanh chóng đè bẹp và làm tan rã trên 10 vạn quân địch, giải phóng thành phố Đà Nẵng, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975. Buổi gặp mặt còn là dịp để những chiến sĩ biệt động tưởng nhớ và tri ân những đồng đội đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng đất nước, cũng như động viên nhau phát huy phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng, tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, chung tay góp sức xây dựng thành phố, xứng đáng là tấm gương tiêu biểu cho thế hệ hôm nay học tập, noi theo.

Xuân Phan