Các điểm đến của Đà Nẵng "thay áo" đón khách dịp tết Nguyên đán
Khu du lịch làm mới dịch vụ
Tiếp tục đà khởi sắc trong những cao điểm 2023, các khu điểm du lịch lớn của Đà Nẵng như Sun World Bà Nà Hills, Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài, Công viên Châu Á, Da Nang Mikazuki đã chủ động đầu tư, làm mới các sản phẩm để mang lại cảm giác mới mẻ cho du khách.
Với chủ đề "Hội ngộ muôn sắc hoa", Lễ hội Mùa xuân 2024 kéo dài từ 20-1 đến 31-3 tại Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills mang đến cho du khách những trải nghiệm giữa không gian mùa xuân rực rỡ với các loài hoa như tulip, hoa hồng, hướng dương, cẩm tú cầu... Biểu tượng của Bà Nà Hills là hoa đào chuông khoe sắc sẽ tạo nên sức hút riêng và gia tăng sức hấp dẫn cho điểm đến 4 mùa trong 1 ngày của Đà Nẵng. Trong dịp tết Nguyên đán, khách du lịch thỏa sức ngắm vườn hoa tulip rực rỡ hơn 100.000 bông của hơn 10 loại khác nhau, chụp ảnh với những mô hình thiên thần mùa xuân mô phỏng các loài hoa, trải nghiệm không gian văn hóa Tết cổ truyền Việt Nam với hình ảnh bánh chưng, pháo đỏ, mâm ngũ quả, hoa đào hay những trò chơi dân gian đậm đà bản sắc Việt cũng như thưởng thức ẩm thực, mâm cơm cổ truyền tại các nhà hàng trên đỉnh Bà Nà. Ông Nguyễn Lâm An - Giám đốc Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills cho biết, điểm nhấn của Lễ hội mùa xuân 2024 là chuỗi các chương trình nghệ thuật đặc sắc mừng Xuân Giáp Thìn vừa mang đậm nét văn hóa truyền thống Việt Nam vừa mang âm hưởng nghệ thuật châu Âu hiện đại diễn ra nhiều nơi tại khu du lịch. Trong ngày, chương trình nghệ thuật "Bản giao hưởng mùa xuân" diễn ra tại khu vực quảng trường Nhật Thực lúc 11 giờ 20 và 13 giờ 20 sẽ mang lại những trải nghiệm khó quên cho du khách trong và ngoài nước. "Mỗi năm du khách tới Bà Nà Hills sẽ chứng kiến một diện mạo mới. Chúng tôi luôn mong muốn mang tới cho mọi người những xúc cảm tươi mới, sự thư thái để khởi đầu một năm mới thật hạnh phúc và nhiều may mắn"- ông An chia sẻ.
Trong khi đó, ngay sau cao điểm lễ 2-9 và chào năm mới 2024, Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài đã bắt tay làm mới dịch vụ để sẵn sàng đón lượng lớn khách trong dịp tết cổ truyền. Bà Lê Thị Bích Hương - Giám đốc Truyền thông & Marketing của khu du lịch, Lễ hội Thần Tài năm nay được tổ chức với quy mô lớn với mong muốn mang đến cho du khách những trải nghiệm mới lạ. Du khách đến đây sẽ "không có thời gian nghỉ" khi hoà mình vào các hoạt động như múa lân sư rồng và trống hội, hái lộc đầu năm, treo dây ước ngược, khai bút đầu xuân; thưởng thức buổi biểu diễn nghệ thuật Bài Chòi, những điệu múa tung tung za zá của đồng bào Cơ Tu.
Để mang không khí tết đến với du khách lưu trú, nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng trên đìa bàn thành phố, đặc biệt là khu vực ven biển đang tung ra các chương trình ưu đãi, các gói trải nghiệm ẩm thực phù hợp với từng nhóm khách cặp đôi, gia đình, các nhóm khách lẻ tự thiết kế tour và chọn dịch vụ.
Trải nghiệm Tết quê - Tết phố
Năm nay, UBND huyện Hòa Vang sẽ tổ chức "Lễ hội Tết Việt Giáp Thìn 2024" với mục đích tái hiện nhiều hoạt động, không khí tết cổ truyền đến với người dân, du khách, đặc biệt là những người trẻ. Từ ngày 26 đến 29-1, lễ hội sẽ diễn ra tại trung tâm hành chính huyện, tuyến đường Quảng Xương và Phố đêm Túy Loan. Trong không gian ngoại ô Đà Nẵng, du khách sẽ được tham quan, trải nghiệm màu sắc Tết Việt, mua bán tại gian hàng sản phẩm đặc trưng địa phương, hoà mình vào các trò chơi dân gian, hô hát Bài Chòi, xin chữ, thưởng thức ẩm thực truyền thống quê hương, hội hoa xuân… Lãnh đạo UBND huyện Hoà Vang cho biết, với Lễ hội Tết Việt năm nay, ban tổ chức mong muốn quảng bá hình ảnh quê hương, tái hiện không gian văn hóa truyền thống của dân tộc, thu hút du khách, người dân tham quan, mua sắm, trải nghiệm các hoạt động vui xuân, đón Tết, hiểu thêm về ý nghĩa và các nghi thức trong ngày Tết cổ truyền.
Tại trung tâm thành phố, sau các điểm check - in được lắp đặt ở các khu vực vệ tinh cầu rồng kể từ dịp Giáng sinh, chào năm mới 2024, nhiều vị trí điểm nhấn trên tuyến đường du lịch sẽ được lắp đặt linh vật Rồng bằng chất liệu khác nhau.
Những ngày này, nhóm nghệ nhân Làng gốm Bát Tràng (Hà Nội) đang chế tác hình tượng Rồng thời Lý để kịp thời chuyển về Đà Nẵng trưng bày, phục vụ Tết Giáp Thìn 2024. Theo phương án trang trí đã được duyệt, linh vật của năm Giáp Thìn 2024 sẽ được lắp đặt, trang trí tại khu vực trên cầu chữ T, trước 42 đường Bạch Đằng, ngay bên bờ sông Hàn. Ngoài hình tượng chính là tượng Rồng bằng gốm Bát Tràng cao 5m sẽ có các khu vực tiểu cảnh, trang trí hoa, điện chiếu sáng xung quanh. Linh vật mà Cty TNHH MoNo BoGo Việt Nam tặng thành phố Đà Nẵng là hình mẫu Rồng thời nhà Lý, tên tác phẩm là Khát vọng Việt Nam với mong muốn đất nước hưng thịnh, thành phố ngày càng phát triển. Hiện việc chế tác đang được khẩn trương thực hiện với sự tham gia của hàng chục nghệ nhân, họa sỹ tại Làng gốm Bát Tràngi.
Tại "công trường chế tác" nằm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận Ngũ Hành Sơn), hàng chục công nhân đang gấp rút, tăng công suất làm việc để kịp hoàn thiện linh vật rồng chào đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Nhiều sản phẩm linh vật với đủ kích cỡ, màu sắc, chất liệu đang vào giai đoạn hoàn thiện để đưa đi lắp đặt tại nhiều khu vực trên địa bàn thành phố, phục vụ người dân và du khách tham quan. Ông Hồ Đình Cư - Chỉ huy trưởng công trình đường hoa Tết Đà Nẵng cho biết, sẽ có tổng cộng 21 vị trí được trang trí hoa, điện chiếu sáng, lắp đặt linh vật của năm Giáp Thìn. Trong đó, hình tượng rồng lớn nhất với chiều dài 30m sẽ được thiết kế đặc biệt và lắp đặt tại khu vực đầu Cầu Rồng phía đường Trần Hưng Đạo, đuôi cầu rồng sẽ đặt linh vật rồng dài 8m.
Dịp Tết Nguyên đán năm nay, UBND TP Đà Nẵng đầu tư hơn 19 tỷ đồng cộng thêm nguồn xã hội hoá để trang trí hoa và điện chiếu sáng phục vụ Tết Giáp Thìn 2024. Dự kiến các hạng mục công trình trang trí hoa và điện chiếu sáng sẽ hoàn thành trước ngày 28 âm lịch và tổ chức phục vụ người dân đến tham quan, thưởng lãm.
Bảo Nam