Các kịch bản báo thù của Iran sau khi tướng Soleimani bị Mỹ ám sát
Iran sẽ không tổ chức tấn công hàng loạt ngay lập tức. Có thể sẽ xảy ra các vụ quấy rối trên eo biển Hormuz. Đáng lo ngại là các lực lượng bán quân sự dòng Shiite ủng hộ Iran ở Syria, Lebanon và Iraq.
Các tay súng lực lượng Hachd al-Chaabi tấn công Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad (Iraq) hôm 31-12-2019 - Ảnh: AFP |
Nhận định về sự kiện quân đội Mỹ tiêu diệt tướng Qasem Soleimani - tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds (Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran) hôm 3-1-2020, tiến sĩ Pascal Boniface - giám đốc Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp (IRIS) - tóm tắt trong một câu:
"Tiêu diệt nhân vật số hai của chế độ Iran trên lãnh thổ Iraq chỉ có thể được hai nước này xem như hành động chiến tranh. Ông Trump không phải là người ra trận nhưng ông ấy vừa phát động chiến tranh mà không tham vấn các đồng minh".
Khuấy động nhưng không tấn công
Tiến sĩ Didier Billion - phó giám đốc IRIS - đánh giá: "Dĩ nhiên người Iran sẽ không im lặng với những gì họ đánh giá là vụ tấn công nghiêm trọng nhất đối với Iran trong nhiều năm qua". Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei đã tuyên bố sẽ "trả thù tàn khốc" cho tướng Soleimani.
Tuy nhiên, chuyên gia về Trung Đông này giải thích: "Điều đó không có nghĩa là họ sẽ trả đũa ngay lập tức bằng cách tổ chức các vụ tấn công hàng loạt. Đó hoàn toàn không phải cách Iran sẽ phản ứng".
Ông nhận định trong thời gian đầu, các nhà lãnh đạo Iran sẽ chứng tỏ họ là những người biết giữ bình tĩnh, sau đó hành động trả đũa mới xảy ra.
Ông dự báo tấn công các căn cứ của Mỹ trong khu vực không thể là phản ứng trả đũa của Iran nhưng "rõ ràng các căn cứ Mỹ chắc chắn sẽ trở thành mục tiêu theo cách này hoặc cách khác".
Iran cũng có thể sẽ hành động theo cách quấy rối các lợi ích của Mỹ trong khu vực, ví dụ như khuấy động trên eo biển Hormuz. Chuyện đi lại của các tàu chở dầu siêu hạng có thể sẽ gặp khó khăn, hoặc sẽ xảy ra một số vụ cướp quyền điều khiển tàu buôn.
Các vụ quấy rối trên eo biển Hormuz có thể sẽ xảy ra - Ảnh: REUTERS |
Các đồng minh của Mỹ lãnh đủ
Iran vẫn luôn hăm dọa nếu Israel hoặc Mỹ tấn công Iran, các nước quân chủ vùng Vịnh đồng minh với Mỹ sẽ bị trả giá ngay lập tức.
Chính vì vậy, các đồng minh của Mỹ có thể phải gánh chịu hậu quả từ vụ Mỹ ám sát tướng Soleimani, đặc biệt là Saudi Arabia và Israel.
Có nhiều giả thuyết được nêu ra. Đầu tiên các cơ sở hóa dầu - động cơ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực có thể sẽ trở thành mục tiêu. Kế đến là các cơ sở lọc nước mặn thành nước ngọt.
Theo tiến sĩ Didier Billion, vụ ám sát tướng Soleimani mới xảy ra nên rất khó dự đoán hành động trả đũa của Iran, tuy nhiên "chắc chắn từ nay về sau chúng ta sẽ chứng kiến hàng loạt các vụ xung đột và căng thẳng mới ở Trung Đông" với hậu quả "sẽ lan rộng và cực kỳ tiêu cực đối với các nước trong khu vực".
Các lực lượng dân quân Hồi giáo nhất trí sẽ trả thù
Kênh truyền hình Euronews (Pháp) ghi nhận tướng Soleimani là người đã xây dựng các lực lượng bán quân sự dòng Shiite ủng hộ Iran chiến đấu ở Syria, Lebanon và Iraq. Các lực lượng này rất sùng bái tướng Soleimani nên tất cả đều nhất trí sẽ trả thù.
Tại Iraq, chỉ huy lực lượng Hachd al-Chaabi đã thúc giục lực lượng "đánh đuổi quân đội nước ngoài ra khỏi Iraq". Hay nói cách khác, mục tiêu chính là 5.000 lính Mỹ đồn trú tại Iraq.
Tại Lebanon, Hassan Nasrallah - thủ lĩnh tổ chức Hezbollah - đã cam kết "trừng phạt thích đáng bọn tội phạm giết người".
Nasrallah cho rằng Israel có "dính máu ăn phần" trong vụ ám sát tướng Soleimani vì Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã nhanh nhảu hoan nghênh quyết định tiêu diệt tướng Soleimani của Tổng thống Donald Trump.
Hiện tại, các tác nhân thù địch trong khu vực đang quan sát lẫn nhau. Bất kỳ can thiệp vũ trang nào dù nhỏ nhất cũng có thể dẫn đến tình hình leo thang.
Theo tuoitre