Xét xử “đại án” Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2:

Các luật sư tranh luận những nội dung gì để bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan sau khi bị  đề nghị án chung thân?

Thứ hai, 07/10/2024 08:38

Như Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng đã thông tin, trong phiên xét xử ngày 4-10, đại diện Viện KSND TP HCM giữ quyền công tố tại tòa đã đề nghị mức án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) là tù chung thân về tội:“Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; 12-13 năm tù về tội:“Rửa tiền”; 8-9 năm tù về tội: “Vận chuyển tiền tệ trái phép qua biên giới”. Tổng hợp hình phạt là tù chung thân.

Luật sư Phan Trung Hoài (ngoài cùng bên trái), 1 trong những luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan.
Luật sư Phan Trung Hoài (ngoài cùng bên trái), 1 trong những luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan.

Theo Viện KSND TP HCM, trong giai đoạn 2 của vụ án, bị cáo Trương Mỹ Lan và 33 đồng phạm đã lừa đảo hơn 30.869 tỷ đồng của trái chủ, rửa tiền hơn 445.000 tỷ đồng và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới khoảng 106.730 tỷ đồng. Trong đó, bị cáo Trương Mỹ Lan là người chịu trách nhiệm chính.

Sau khi thân chủ bị VKS đề nghị mức án chung là tù chung thân, Luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan) tranh luận về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Luật sư trình bày về nguyên nhân, bối cảnh xảy ra vụ án giai đoạn 2 và trình bày một số nội dung tranh luận liên quan đến hành vi: “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Theo quan điểm của Luật sư Phan Trung Hoài về xác định số tiền vận chuyển: Trong 3 tỷ USD nhận về và 1,5 tỷ USD chuyển đi (gọi tròn), có những khoản tiền không phải là vận chuyển trái phép qua biên giới. Cụ thể, cuối năm 2014 đến tháng 6-2021 có 5 pháp nhân chuyển tiền về SCB mua cổ phần, tăng vốn điều lệ tại Ngân hàng SCB, gồm: Công ty Noble Capital chuyển 106 triệu USD; Công ty Glory Capital chuyển 33 triệu USD; Công ty Galaxy Capital chuyển 10,6 triệu USD; Công ty Day Glory chuyển 10,5 triệu USD; Công ty Dragon Fund chuyển 10,5 triệu USD. Tổng cộng của 5 công ty này là 170, 5 triệu USD. Sau khi nhận các khoản tiền này thì vốn điều lệ của SCB tăng lên 3.710 tỷ đồng, trong đó 5 pháp nhân nước ngoài chiếm 30% vốn điều lệ. Ngân hàng Nhà nước đã xác nhận về 5 pháp nhân mua vốn góp tại Ngân hàng SCB. Ngoài ra, Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính Việt Vĩnh Phú tham gia mua cổ phần tại SCB và trong công ty Việt Vĩnh Phú có 3 pháp nhân nước ngoài, các công ty này có chuyển tiền ngoại tệ từ nước ngoài về để mua cổ phần với tổng số tiền: 10.159.000 USD (làm tròn).

Như vậy có hơn 180 triệu đô la Mỹ được chuyển vào SCB là dòng tiền hợp pháp. Do đó, Luật sư Phan Trung Hoài đề nghị đại diện VKS xác định lại nội dung này. Ngoài ra có nhiều nguồn tiền từ bị cáo Chu Lập Cơ đưa vào SCB để thanh toán cho các khoản nợ của Công ty An Đông tại SCB, cũng chưa được đại diện Viện Kiểm sát đánh giá, xác định.

Về hành vi cấu thành tội phạm, theo Luật sư Phan Trung Hoài, cáo trạng chưa đề cập đến trách nhiệm của pháp nhân là SCB và các công ty của Vạn Thịnh Phát về hành vi chuyển tiền và nhận tiền từ nước ngoài. Các giao dịch thanh toán chuyển tiền ra nước ngoài được thực hiện tại Ngân hàng SCB trong khuôn khổ pháp luật về quản lý ngoại hối và các cơ quan quản lý nhà nước đều xác định các giao dịch chuyển tiền và nhận tiền từ ngước ngoài không có giao dịch nào đáng ngờ nên đề nghị HĐXX, đánh giá, xem xét lại nội dung này.

Còn Luật sư Giang Hồng Thanh (bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan) tranh luận về hành vi: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo Luật sư Giang, trong số 6 gói trái phiếu đều chưa đến hạn thanh toán tại thời điểm bị cáo Lan bị bắt. Trong Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có nhiều doanh nghiệp khác phát hành gói trái phiếu 3000 tỷ nhưng đã được tất toán trước hạn; Công ty Sunny World, Công ty Phú Châu cũng được tất toán trước hạn. Hành vi này có dấu hiệu phạm vào một tội khác, có thể như tội: “Làm giả tài liệu trong việc công bố, phát hành chứng khoán”.

Bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan về hành vi “Rửa tiền”, Luật sư Nguyễn Huy Thiệp tranh luận, trong vụ án này bị cáo Trương Mỹ Lan hoàn toàn không biết các nguồn tiền từ hành vi: “Tham ô tài sản” (ở giai đoạn 1) và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, không nhận thức số tiền từ phạm tội mà có. Từ đó, không có cơ sở để xác định bị cáo cố tình che giấu, chuyển tiền phạm tội thành tiền hợp pháp. Vì vậy, Luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng, với nhận thức và mức độ sai phạm như vậy, có cần thiết phải xử lý bị cáo Lan thêm tội danh: “Rửa tiền” không? Luật sư đề nghị HĐXX xem xét lại vấn đề này. Còn đối với số liệu tiền chuyển ra nước ngoài trong hành vi: “Rửa tiền”, Luật sư Nguyễn Huy Thiệp đề nghị HĐXX xem xét đánh giá lại vì có sự chênh lệch giữa số tiền chuyển tiền ra nước ngoài USD khác với số tiền quy đổi ra VND.

NGUYỄN QUANG

VKS đề nghị án chung thân đối với bị cáo Trương Mỹ Lan và buộc bồi thường gần 30.870 tỷ đồng

VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan mức án chung thân về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; 12-13 năm tù về tội: “Rửa tiền”; 8-9 năm tù về tội: “Vận chuyển tiền tệ trái phép qua biên giới”. Tổng hợp hình phạt là tù chung thân.

Chủ tọa phiên tòa thông báo giải quyết quyền lợi đối với trái chủ của 6 mã trái phiếu liên quan đến hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”

Ngày 27-9, TAND TP HCM tiếp tục xét xử giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan đối với bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm.

Hai bị can ngoại quốc đang bị truy nã đã tiếp tay Trương Mỹ Lan “tuồn” tiền qua biên giới như thế nào?

Ngày 26-9, TAND TPHCM tiếp tục xét xử giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan đối với bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm. Trong phiên xét xử ngày 26-9, tòa tiến hành thẩm vấn các bị cáo bị truy tố về tội:“Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.