Các nước Châu Á "gồng mình" chống dịch COVID-19

Thứ bảy, 24/07/2021 17:56

Trước sự lây nhiễm của biến thể Delta, các quốc gia châu Á đã tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca mắc mới và buộc phải tăng biện pháp hạn chế để ngăn chặn bùng phát dịch trên diện rộng.

Jakarta vắng vẻ vì siết chặt biện pháp phòng chống đại dịch COVID-19. Ảnh: Bloomberg

Indonesia tiếp tục là điểm nóng ở Châu Á. Ngày 23-7, Bộ Y tế nước này thông báo ghi nhận thêm 1.566 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ, mức cao kỷ lục kể từ khi đại dịch bùng phát vào đầu tháng 3-2020. Mức kỷ lục cũ là 1.449 ca được ghi nhận vào ngày 22-7. Bộ Y tế cũng báo cáo thêm 49.071 ca mắc mới và 267.866 ca nghi nhiễm. Tính đến nay, Indonesia ghi nhận tổng cộng 3.082.410 ca mắc, trong đó có 2.431.911 ca đã bình phục, 80.598 ca tử vong trong khi vẫn còn gần 560.000 bệnh nhân vẫn đang được điều trị tại bệnh viện hoặc tự cách ly ở nhà. Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, chính phủ Indonesia tiếp tục kêu gọi người dân tuân thủ các quy định phòng chống dịch và đến ngay các điểm gần nhất để được tiêm vaccine mà không cần trình thẻ căn cước.

Bộ Y tế Malaysia (MOH), ngày 23-7 cũng thông báo nước này tiếp tục ghi nhận kỷ lục về số ca mắc mới COVID-19 với 15.573 ca được phát hiện trong 24 giờ qua. Như vậy, đến nay, Malaysia ghi nhận tổng cộng 980.941 ca COVID-19, trong đó có 7.718 ca tử vong. Bang Selangor - trung tâm công nghiệp của cả nước, và thủ đô Kuala Lumpur cũng ghi nhận các kỷ lục buồn về số ca nhiễm COVID-19 trong ngày. Cụ thể, lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng phát tại Malaysia, số ca nhiễm bệnh tại bang Selangor vượt mức 7.000 khi bang này ghi nhận tới 7.672 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua. Trong khi đó, thành phố 8 triệu dân Kuala Lumpur có thêm 2.063 ca bệnh, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 tại 2 địa điểm này lên lần lượt là 351.618 và 105.600.

Trong tuần này, thủ đô Jakarta của Indonesia buộc phải gia hạn các biện pháp khẩn cấp, trong khi Bangkok ở Thái Lan ngừng tất cả các chuyến bay ra vào, Kuala Lumpur của Malaysia bước vào tháng thứ hai thực hiện lệnh cấm ra đường và đóng cửa các cửa hàng trong một đợt phong tỏa nghiêm ngặt trên toàn quốc. Các tuyến phố ở đây và thậm chí ở những thành phố nhỏ hơn bỗng chốc trở nên vắng vẻ, khung cảnh tương tự từng thấy ở Châu Âu và Mỹ hồi năm ngoái. Một thực trạng tương tự khác nữa là mỗi ngày khu vực này có hàng nghìn người tử vong hoặc hấp hối vì Covid-19, trong khi hệ thống y tế phải vật lộn đối phó. Thậm chí ở Singapore, nơi một nửa dân số đã được tiêm chủng đầy đủ, đà tăng kỷ lục của các ca nhiễm mới những ngày gần đây buộc chính phủ nước này một lần nữa phải siết các biện pháp giãn cách xã hội.

Tình hình dịch COVID-19 tại Campuchia cũng đang tiếp tục lan rộng và chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt". Ngày 23-7, Bộ Y tế Campuchia ra thông báo ghi nhận thêm 34 ca tử vong và 825 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua, trong đó có 335 ca nhập cảnh và 490 ca lây nhiễm cộng đồng.  Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây nguy hiểm rất lớn cho trẻ em, Campuchia đã đặt mua 5 triệu liều vaccine Sinovac của Trung Quốc để tiêm phòng cho thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi.

Australia cũng cho phép tiêm vaccine của Pfizer cho trẻ em từ 12-15 tuổi trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với đợt bùng phát do biến thể Delta tại 3 bang. Trước đó, Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) và Anh cũng đã có quyết định tương tự. Cho đến nay, Australia mới chỉ cho phép tiêm vaccine của Pfizer cho những người từ 16 tuổi trở lên. So với trong nhóm các nền kinh tế phát triển, Australia được đánh giá là một trong những quốc gia ứng phó tốt với đại dịch COVID-19, với hơn 32.400 ca mắc và 915 ca tử vong. Tuy nhiên, tiến độ tiêm chủng tại Australia vẫn còn chậm. Cho đến nay, chưa tới 15% dân số trưởng thành tại Australia đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19.

Tại Hàn Quốc, dịch bệnh cũng đang diễn biến nghiêm trọng. Các cơ quan y tế nước này ngày 23-7 cho biết đang tích cực chuẩn bị cho tình huống thiếu giường dành cho những bệnh nhân COVID-19 nặng có thể xảy ra trong bối cảnh số ca nhiễm mới hàng ngày đang tăng theo cấp số nhân. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 22-7 đã ghi nhận thêm 1.842 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 1.533 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm ở Hàn Quốc lên 184.153 người. Đây cũng là số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất ở Hàn Quốc kể từ đầu năm 2020. Dù đang áp dụng giãn cách xã hội cấp độ 4 (mức cao nhất), nhưng khu vực thủ đô Seoul vẫn ghi nhận trên 70% số ca nhiễm trên cả nước.

KHẢ ANH