“Cải cách” V-League

Thứ năm, 18/02/2021 15:31

Từ giữa tháng 1-2021, vòng quay trái bóng tròn V-League 2021 đã trở lại. Ở mùa giải này, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) tiếp tục “cải cách” V-League khi áp dụng thể thức thi đấu mới.

Đà Nẵng phải nỗ lực nhiều hơn nếu muốn vào được top tranh vô địch ở mùa giải năm nay.

V-League 2021 sẽ được chia thành 2 giai đoạn, các câu lạc bộ thi đấu vòng tròn 1 lượt ở mỗi giai đoạn để tính điểm. Tại giai đoạn 1, căn cứ vào việc xếp hạng sau 13 vòng đấu, Ban tổ chức sẽ quyết định phân chia các đội thành 2 nhóm: Nhóm A gồm 6 đội có vị trí xếp hạng từ 1 đến 6; nhóm B gồm 8 đội có vị trí xếp hạng từ 7 đến 14. Ở giai đoạn 2, các đội nhóm A sẽ tham gia thi đấu tranh ngôi vô địch, các đội nhóm B sẽ thi đấu giành suất trụ hạng tại mùa giải sau. Số điểm mà câu lạc bộ đạt được tại giai đoạn 1 sẽ được tính vào tổng điểm xếp hạng của câu lạc bộ đó khi thi đấu ở giai đoạn 2 đối với cả nhóm A và nhóm B. Kết thúc giải đấu, sẽ có 1,5 suất buộc phải xuống hạng đối với câu lạc bộ có thành tích kém nhất.

* V.League 2021 có sự góp mặt của 14 đội bóng: Nam Định, Hà Nội, Sông Lam Nghệ An, Becamex Bình Dương, Đông Á Thanh Hóa, Viettel, Hải Phòng, SHB Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, Than Quảng Ninh, Sài Gòn, Hoàng Anh Gia Lai và tân binh Topenland Bình Định.

Thực tế, đây là thể thức thi đấu đã áp dụng ở mùa giải 2020, chỉ khác là số đội tranh ngôi vô địch ở giai đoạn 2 được kéo giảm chỉ còn 6 so với 8. Mùa năm ngoái, do tình hình dịch bệnh kéo dài, quỹ thời gian bị rút ngắn nên VFF đã áp dụng thể thức thi đấu “lạ” đó nhằm đưa giải đấu cán đích thành công. Tuy vậy, thể thức thi đấu “chữa cháy” ấy lại bất ngờ mang đến nhiều cảm xúc cho người hâm mộ khi cuộc tranh đua vô địch diễn ra quyết liệt, kịch tính cho đến vòng đấu cuối cùng.

Hà Nội (phải) không còn “tác oai tác quái” trên đường đến ngôi vị vô địch bởi sự lớn mạnh nhanh chóng của các đối thủ. 

Ông Trần Anh Tú - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) cho hay, bóng đá Việt Nam tiếp tục duy trì thể thức thi đấu của mùa giải 2020 cho mùa giải 2021 có hai lý do. Thứ nhất, quỹ thời gian để tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia 2021 rất khó khăn do hàng loạt giải quốc tế của các đội tuyển quốc gia từ 2020 chuyển sang 2021 do dịch Covid-19. Thứ hai, thể thức mới làm cho giải thực sự hấp dẫn do sự cạnh tranh để đoạt chức vô địch hay tránh suất xuống hạng sẽ gay cấn ngay từ đầu mùa giải, vô hình trung loại bỏ được những trận đấu thiếu tích cực.

Còn nhớ, ở mùa giải năm ngoái, khi thể thức mới được áp dụng, cuộc đua tranh ngôi vị vô địch kịch tính đến vòng đấu cuối cùng khi mà cả Sài Gòn, Hà Nội và Viettel đều lần lượt chiếm ưu thế. Trong đó, đặc biệt khi trọng tài nổi hồi còi mãn cuộc ở trận đấu trong ngày vén màn V-League, cái tên được khắc lên cúp vô địch mới được xác định là Viettel trước sự bám đuổi sát sao của Hà Nội. Với mùa giải 2021, khi cuộc “cải cách” V-League tiếp tục được thực hiện, người hâm mộ có quyền hy vọng vào mùa giải kịch tính, chất lượng không kém. Đá với thể thức mới, tất cả các đội bóng phải dốc toàn lực chạy đua ngay từ ngày khai màn bởi trận đấu nào cũng được xem là trận chung kết. Chỉ với 13 trận, lượt đi sẽ khép lại và xét thành tích để vào nhóm tranh ngôi vô địch và tranh vé ở lại nên nếu bất cứ đội bóng nào sẩy chân ở một trận đấu cũng ảnh hưởng rất nhiều đến thành tích của cả mùa giải. Và quan trọng hơn cả, với thể thức này việc các đội bóng “nhường điểm” hay “dìu” nhau về đích sẽ không còn tiếp diễn.

V-League 2021 tiếp tục đá với thể thức mới.

Dẫu vậy, nói đi cũng phải nói lại, thể thức mới rút ngắn số trận đấu là điều thiệt thòi cho khán giả và các đội bóng. Thay vì mỗi đội phải đá 26 vòng trong một mùa giải thì nay, nhiều nhất cũng chỉ 20 vòng. Khi VPF lấy ý kiến các đội bóng về việc tiếp tục áp dụng thể thức này, nhiều cá nhân cũng đã tranh cãi nhưng rồi, đa số đã thắng thiểu số. 

Ở những mùa giải năm nay, các đội bóng đã bắt đầu đầu tư mạnh mẽ để cạnh tranh ngôi vị cao nhất. Điển hình như câu lạc bộ TP Hồ Chí Minh chi “tiền tấn” ký hợp đồng với những cầu thủ chất lượng, tiêu biểu là Lee Nguyễn. Bên cạnh, ở Hoàng Anh Gia Lai, bầu Đức cũng đem về huấn luyện viên Kiatisak nổi tiếng của Thái Lan. Tất cả những điều đó đã “góp lửa” cho sân chơi V-League 2021 được kỳ vọng “bùng cháy” hơn. Chưa kể đến tân binh mới lên chơi V-League như Bình Định đã nhận được khoảng tài trợ kinh phí dự giải kỷ lục, cùng với Hồng Lĩnh Hà Tĩnh lên chơi V-League ở mùa giải thứ 2 sau thời gian “làm nóng máy” đã sẵn sàng là những chú “ngựa ô”, ngáng đường các ông lớn.

Sân Thiên Trường (Nam Định) được khán giả lấp đầy trong ngày khai màn V-League 2021.

Ở hai mùa giải V-League 2020 và 2021, Việt Nam là niềm khát khao của cả thế giới khi đã vượt qua được những khó khăn về diễn biến xấu của dịch Covid-19 để trái bóng tròn được lăn. Thế cho nên, niềm tự hào này cần được giữ để người hâm mộ thỏa niềm mong mỏi mỗi chiều tối cuối tuần, các cầu thủ có thêm cơ hội để tích lũy kinh nghiệm lẫn chuyên môn.

THẢO NGUYÊN