Cái giá của việc cho vay lãi nặng

Thứ hai, 11/11/2024 08:00

Vì hoàn cảnh khó khăn, rơi vào tình huống bí bách về kinh tế mà nhiều người phải tìm đến “tín dụng đen” để có tiền giải quyết công việc. Còn các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” thì triệt để lợi dụng điều đó để cho vay tiền với lãi suất “cắt cổ”. Nhưng, cái kết của những kẻ cho vay nặng lãi đều không có hậu.

TAND tỉnh Đắk Lắk tuyên bị cáo Đoàn Thị Thanh Thủy phạm tội: “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
TAND tỉnh Đắk Lắk tuyên bị cáo Đoàn Thị Thanh Thủy phạm tội: “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Mới đây, TAND tỉnh Đắk Lắk đã xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Đoàn Thị Thanh Thủy (1967, trú xã Ea Drơng, H. Cư Mgar, Đắk Lắk) về tội: “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Theo cáo trạng, trong quá trình sinh sống, kinh doanh tại địa phương, Đoàn Thị Thanh Thủy thấy việc cho người dân vay tiền với lãi suất cao nhanh được thu lợi nên đã tổ chức cho vay tiền với hình thức “vay tiền đứng” (trả lãi trước, giữ nguyên nợ gốc đến hết kỳ hạn mới thanh toán phần nợ gốc). Lãi suất thỏa thuận giữa Thủy và người vay tùy theo từng khoản vay, cao nhất là 20.000 đồng/1 triệu đồng/ngày.

Để hoạt động cho vay tiền, Thủy thường sử dụng tài khoản zalo của mình để trao đổi việc vay, trả tiền với người vay. Việc vay tiền, trả tiền gốc và tiền lãi chủ yếu được chuyển khoản qua lại giữa tài khoản ngân hàng của Thủy với tài khoản của người vay tiền và một phần giao nhận bằng tiền mặt. Khi người vay nhận tiền thì Thủy thường yêu cầu người vay phải viết giấy vay tiền đưa cho Thủy giữ; thời hạn vay thường từ 1 đến 30 ngày, người vay tiền phải thanh toán tiền lãi và tiền gốc cho Thủy. Bằng hình thức, thủ đoạn trên, bị can Thủy đã cho nhiều người vay tiền với lãi suất cao.

Cụ thể, vào ngày 12-5-2022, chị L.T.T.T. (1982, trú TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đã vay của Thủy 450 triệu đồng, với lãi suất 20.000 đồng/1 triệu đồng/1 ngày (tương đương với lãi suất 730%/năm); thời hạn vay từ ngày 12 đến ngày 19-5-2022. Khoản vay này Thủy đã thu 8 ngày tiền lãi với tổng số tiền 72 triệu đồng.

Tương tự, ngày 11-7-2023, chị H.Y.N. (1984, trú xã Ea Drơng, H. Cư Mgar) vay của Thủy 300 triệu đồng, với lãi suất 50 triệu đồng/1 tháng (tương đương với lãi suất 202,7%/năm); thời hạn vay từ ngày 11-7 đến 11-9-2023. Khoản vay này, Thủy thu trước tiền lãi của tháng đầu tiên là 50 triệu đồng nên Thủy chỉ chuyển cho chị Y. số tiền 250 triệu đồng, Thủy đã thu lợi bất chính số tiền hơn 45 triệu đồng). Sau đó, Thủy giảm tiền lãi của tháng tiếp theo xuống còn 45 triệu đồng/tháng (tương đương với lãi suất 182,5%/năm). Đến ngày 11-9-2023, chị Y. trả cho Thủy số tiền gốc là 300 triệu đồng và 45 triệu đồng tiền lãi, Thủy đã thu lợi bất chính số tiền hơn 40 triệu đồng. Như vậy, chỉ trong 2 tháng cho chị Y. vay số tiền 300 triệu đồng thì Thủy đã thu lợi bất chính hơn 85 triệu đồng.

Theo cáo trạng, từ tháng 5-2022 đến tháng 9-2023, Đoàn Thị Thanh Thủy đã cho 2 người vay tiền với lãi suất cao vượt quá quy định của Nhà nước, với tổng số tiền cho vay 750 triệu đồng; tổng tiền lãi đã thu 167 triệu đồng, tổng số tiền thu lợi bất chính hơn 155 triệu đồng.

Tại phiên tòa, HĐXX TAND tỉnh Đắk Lắk nhận định hành vi của bị cáo là coi thường pháp luật, coi thường quyền sở hữu về tài sản của người khác; cố ý xâm phạm trật tự quản lý kinh tế trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng; đồng thời gây ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT tại địa phương. Sau khi xem xét, đánh giá tính chất, mức độ, hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, HĐXX đã tuyên bị cáo Đoàn Thị Thanh Thủy phạm tội: “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, bị phạt 200 triệu đồng; truy thu hơn 70 triệu đồng để trả lại cho chị T.; truy thu hơn 761 triệu đồng sung quỹ nhà nước (số tiền gốc và lãi mà bị cáo đã thu của người vay).

Đ.L