Cái khuôn bánh in của nội

Thứ năm, 06/01/2022 20:30

Cái khuôn đúc bánh in làm bằng gỗ mít, mộc mạc, đen đúa đã theo tôi hơn nửa thế kỷ qua. Mỗi lần nhìn cái khuôn này tôi lại nhớ về những ngày giáp Tết cùng cha thức thâu đêm làm bánh. Nhớ về thời trẻ trâu chạy nhảy vui đùa cùng lũ bạn về nhà cầm những cái bánh in nhai ngấu nghiến để chống đói..., và nhớ điều cha tôi thường nhắc "cái khuôn đúc bánh in này không biết có từ bao giờ nhưng đó là của ông nội".

Hai mặt của khuôn đúc bánh in.

1. Là một gia đình xếp vào thành phần bần cố nông, không có một mét đất cắm dùi, suốt đời đi làm thuê, làm mướn... tuy nhiên ông nội tôi đã sở hữu được một cái khuôn đúc bánh in thuộc hàng "hiếm" thời bấy giờ. Cái khuôn này được làm bằng gỗ mít, do bàn tay của nghệ nhân nào đó chạm khắc rất tinh xảo và điêu luyện. Cái khuôn dài 50cm (kể cả tay cầm), rộng 10cm, dày 4cm, được làm 2 mặt (một mặt 4 cái bánh kích cỡ nhỏ với 4 kiểu khác nhau, một mặt 3 chiếc bánh có kich cỡ lớn) được trang trí bằng nhiều họa tiết khá tinh túy. Ông nội tôi mất sớm, cha tôi đương nhiên được thừa hưởng cái khuôn bánh này. Hàng năm vào dịp Tết nguyên đán dù khó khăn đến mấy hoặc bận bịu với công việc đồng áng đến cỡ nào cha tôi cũng dành một khoản kinh phí và thời gian nhất định để làm bánh in, trước là để cúng tổ tiên, ông bà, sau là để đãi khách và có cái ăn cho anh em tôi. Để có bột làm bánh, mẹ tôi phải mua nếp hạt về vo, chờ cho ráo nước đem rang bằng cái trã đất. Lấy đũa khuấy đều đến khi hạt nếp chuyển màu hồng sẫm thì đổ ra mủng, chờ cho hạt nếp nguội hẳn đổ vào cối xay, ray mịn. Thường là ban ngày đi làm, tối về cha lấy bột nếp đã được mẹ chuẩn bị sẵn, dùng dao cạo đường bát. Cạo đường xong trộn đều vào bột và bóp nhuyễn hoặc dùng cáng gỗ tròn lăn qua lăn lại nhiều lần để tới nước đường. Công đoạn tiếp theo là múc bột đổ lên khuôn, dùng hai ngón tay cái ấn mạnh để bột trải đều trên mặt khuôn. Sau khi đã ép bột vào khuôn dùng lưỡi dao gọt nhẹ cho bột bằng phẳng, đồng thời quay đầu cán dao gõ đều trên bề mặt khuôn. Đến khi bánh lỏng khỏi khuôn thì đổ ra nia được lót lá chuối đã chuẩn bị trước. Càng về khuya tiếng gõ càng rõ hơn, mãi đến nửa đêm mới xong mẻ bánh cuối cùng. Sau đó cha tôi bưng cả cái nia ra đặt trên mái tranh để lấy sương cho bánh được cứng hơn.

2. Đang yên, đang lành bỗng nhiên quê hương dậy sóng. Giặc Mỹ xâm lược, đạn bom cày xới ruộng đồng tan hoang, gây nên cảnh chết chóc, tang thương bao trùm lên làng quê nghèo khó. Cha tôi cùng một số người khác trong làng bị giặc bắt giam cầm tại nhà lao Hội An, nhiều lần bị giặc đánh đập, tra tấn, người đầy thương tích. Mẹ tôi biết trong đường bát đen có nhiều vitamin nhất là vitamin B1, B2 và canxi, có tính chất ôn hòa, giúp chống lạnh, bổ máu, nuôi dưỡng cơ thể, tốt cho gan, lá lách và dạ dày... nên mỗi lần đi thăm cha, mẹ tôi không quên mang theo vài cặp đường bát đen. Tuy nhiên bị địch kiểm soát gắt gao, bọn chúng thường dùng lưỡi lê băm nát các bát đường ra thành từng mảnh nhỏ vụn. Dù đã kết tinh thành cục nhưng khi đã bị nát vụn đường bát đen nhanh chảy nước, hạn chế thời gian sử dụng và kém chất lượng. Trước tình cảnh đó, mẹ tôi nảy ra sáng kiến đúc bánh in bằng chính cái khuôn "gia truyền" để làm quà mỗi khi đi thăm cha được hiệu quả hơn. Bởi nếu bị những tên cai ngục bẻ vụn ra để kiểm tra thì cũng không làm cho những chiếc bánh in mất chất lượng. Để có được món quà đầy ý nghĩa này mẹ con chúng tôi phải thức thâu đêm, trong đó mẹ tôi có nhiệm vụ rang, xay và ray bột, em gái tôi thì cạo đường, riêng tôi thì nhào bột và cùng mẹ in bánh. Không chỉ ngày Tết mà vào những lúc có điều kiện đi thăm cha, mẹ tôi không quên làm bánh in để làm quà.

Cầm đùm bánh in trên tay, hai mẹ con tôi lội bộ từ quê nghèo Điện Bình (nay là phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn) đến Hội An với mong muốn được vào thăm cha. Tuy nhiên nhiều khi vì lý do nào đó không được vào thăm thì nhà lao làm thủ tục kiểm soát và tiếp nhận quà chuyển vào cho người tù. "Sáng tạo" này đã giúp cha tôi và một số bạn tù cùng phòng giam nhanh chóng bình phục được những vết bầm trên thân thể, hạn chế được những căn bệnh do chấn thương.

3. Đất nước hoàn toàn giải phóng, tôi gác bút nghiên, tạm xa thầy cô, bạn bè và mái trường thân yêu lên đường tham gia xây dựng quê hương. Hành trang của tôi ngoài một vài bộ đồ nhàu nát, cuốn lưu bút, còn có cái khuôn đúc bánh in của nội. Trên bước đường công tác, những ngày cuối năm tôi tranh thủ làm bánh in mang về cúng ông bà nội và cha tôi, đồng thời phụ giúp mẹ lo cái ăn để cho các em kiếm con chữ.

Vốn đã khó càng khó khăn hơn nhất là sau khi lập gia đình, 2 đứa con lần lượt ra đời trong thời kỳ bao cấp. Để cho các con có thêm nguồn dinh dưỡng thay vì làm bột ngũ cốc pha nước để uống tôi dùng khuôn đúc bánh in để "đánh lừa" thị giác cho các con ăn được tiện hơn. Ban ngày tập trung làm việc, tranh thủ ban đêm hai vợ chồng hì hục, người rang nếp, xay bột, người cạo đường, đúc bánh. Đến nửa khuya công việc đã xong, sáng ra cả một nia bánh in được phơi sương trên mái hiên nhà. Trước khi đi làm chúng tôi không quên mang vào để trên bàn. Trưa về tranh thủ xếp ngay ngắn vào cái thùng giấy để cho các con ăn dần. Đơn giản chỉ là bột nếp và vài bát đường đen nhưng tạo ra được những chiếc bánh xinh xắn, đảm bảo nguồn dinh dưỡng, không chỉ ngon và bổ mà còn bắt mắt giúp cho các con chúng tôi thích ăn hơn. Do đặc thù công viêc, nhiều khi vợ chồng tôi không kịp lo bữa cơm trưa nên chỉ vài cái bánh, uống ngụm nước cũng qua được bữa. Các con tiếp tục đến trường, chúng tôi tiếp tục vào ca.

Thị trường bánh hiện nay nhất là vào các dịp lễ, tết khá đa dạng và phong phú nhưng thi thoảng tôi làm vài chục cái bánh in để cúng ông bà, tổ tiên và cũng là dịp ôn lại những kỷ niệm của một thời gian khó. Mỗi lần như vậy tôi thấm thía với những câu thơ trong bài Gia biến và Lánh nạn của Cao Bá Nhạ "Bình dẫu phá còn lề cốt cách/ Gương dù tan vẫn sạch trần ai".

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC