Cải lương thời công nghệ số
Ngay khi ra đời (1918), cải lương đã mang tôn chỉ “Cải cách hát ca cho tiến bộ - Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”, nghĩa là luôn cải cách, đổi mới cho phù hợp với thời đại, kết hợp truyền bá loại hình nghệ thuật này. Chính vì thế, từ những năm 60-70 của thế kỷ trước, khi cải lương đang ở thời kỳ “hoàng kim”, soạn giả kiêm ông bầu Thu An đã thổi vào gánh Hương Mùa Thu của mình những làn gió mới mẻ, táo bạo bằng cách cho ca múa, điện ảnh xuất hiện trên sân khấu.
Đến thập niên 1990, sân khấu 5B (TP Hồ Chí Minh) dựng vở “Ai giết nàng Kiều” làm mới bằng cách thể nghiệm diễn tại không gian thu nhỏ... Năm 2007, đạo diễn - NSƯT Hoa Hạ, dựng “Kim Vân Kiều” và “Chiếc áo thiên nga” đã thể nghiệm phối hợp cải lương với dàn nhạc giao hưởng, đem vở diễn vào sân vận động, thiết kế những đại cảnh giống như phim trường.
Cách đây vài năm, NSƯT Quế Trân (vừa được phong tặng NSND - P.V) và rapper Chị Cả đã có sự kết hợp khá táo bạo giữa cải lương với các thể loại hiện đại như rap, R&B, EDM, pop... làm nên “Cô gái bán sầu riêng” gây bùng nổ tại trường quay trong chương trình “King of Rap”. Và ngay trong thời điểm dịch dã vẫn còn hoành hành, TS.NSND Bạch Tuyết - được mệnh danh là “Cải lương chi bảo” đã có sự đột phá mạo hiểm khi kết hợp với ca sĩ Hoàng Dũng, rapper 14 Casper thực hiện MV “Về nghe mẹ ru”, hài hòa giữa cải lương với chất nhạc R&B, rap, khắc họa nỗi nhớ trông con của người mẹ, lời tâm sự của người con sau nhiều năm bôn ba giữa đời, thèm được trở lại ngày thơ bé, muốn về nhà để được nghe mẹ ru. MV “Về nghe mẹ ru” này tạo nên cơn sốt lan tỏa khắp mạng xã hội với hơn 18 triệu lượt xem trên YouTube và đã đoạt giải thưởng “Sự kết hợp xuất sắc” tại Làn sóng xanh 2022. Từ sự đột phá mang lại hiệu quả này, NSND Bạch Tuyết kết hợp với rapper Wowy cho ra mắt MV “Tia sáng cuối cùng” vào tháng 6-2023. Tuy nhiên, lần trình làng này, MV hòa trộn giữa thể loại pop, rap, world music và cải lương truyền tải “mật ngữ” về sự sống và cái chết đã gặp phải những phản ứng trái chiều từ dư luận lẫn giới chuyên môn. Phần nhiều là chê...
Dông dài cốt để nói rằng, ở bất kỳ giai đoạn nào kể cả thời điểm hưng thịnh lẫn khó khăn nhất, những người làm nghệ thuật cải lương vẫn luôn đau đáu mong muốn làm sao để thực hiện đúng mục đích tôn chỉ đã đặt ra cách đây hơn 100 năm có lẻ. Và hẳn nhiên, nói như NSƯT Trần Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng), bao giờ cũng vậy, người dám làm mới thì thường gặp nhiều ý kiến trái chiều. Trong xu thế phát triển thời đại công nghệ số, khi cải lương nói riêng, các loại hình sân khấu nghệ thuật truyền thống nói chung không còn đáp ứng được với thị hiếu nghệ thuật mới của lớp khán giả hiện đại thì việc làm mới là nhu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, dù cách tân, đổi mới đến đâu đi chăng nữa cũng không được làm méo mó, khiến thế hệ trẻ hiểu sai lệch về loại hình nghệ thuật sân khấu này. Bởi bất kỳ loại hình nghệ thuật nào cũng đều có những chuẩn mực riêng tạo nên sự độc đáo, riêng có của nó. Theo quan điểm của NSƯT Trần Ngọc Tuấn, “làm mới là đưa yếu tố mới vào để thế hệ hôm nay dễ cảm nhận nhưng về nghệ thuật thì không được phép làm méo mó”; hay nói như nghệ sĩ Bạch Long rằng, làm mới sao để “đừng làm mất gốc cải lương” là được...
Trước những ý kiến trái chiều về việc “làm mới” loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống này, NSND Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM cho rằng, cải lương cần phải thay đổi từ nội dung đến hình thức cho phù hợp thời đại. Tuy nhiên, khi thực hiện phải cẩn thận, bởi “nếu không giữ được đặc trưng của cải lương thì lớp trẻ sẽ hiểu sai lệch về cải lương, sẽ tưởng cải lương “là như vậy” - điều đó nguy hiểm vô cùng”. Trong dòng chảy của đời sống đương đại, cải lương cũng như những loại hình sân khấu truyền thống khác vẫn đang loay hoay, nỗ lực tìm hướng đi để không chỉ bảo tồn mà còn phát huy được giá trị đặc sắc của nó trong đời sống đương đại. Với tư cách là người ngoại đạo, người viết trộm nghĩ, để cải lương không bị “bơ vơ” trong thời công nghệ số không chỉ nên “làm hay” như ý kiến của soạn giả Hoàng Song Việt, mà cần song hành với việc “làm mới”, miễn sao giữ được những nét đặc trưng riêng, chuẩn mực cơ bản của loại hình nghệ thuật này. Để làm được điều này hẳn nhiên là rất khó. Nhưng khó cũng phải dấn thân bước tiếp, bởi nghệ thuật là dòng chảy sáng tạo không ngừng.
KHÁNH YÊN