Căn cứ An Lâm: Dấu xưa còn đó…
Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương, tại Quảng Nam các sĩ phu yêu nước đứng đầu là tiến sĩ Trần Văn Dư cùng với Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến, Nguyễn Thành... với phong trào Nghĩa hội đã tập hợp nhân dân, xây dựng căn cứ, trực tiếp cầm quân đánh Pháp, ghi dấu vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc nhiều mốc son chói lọi. Trong thời gian hoạt động của mình, Nghĩa hội Quảng Nam đã cho lập căn cứ ở một số nơi có vị trí thuận lợi cả trong phòng thủ và đánh giặc, trong đó căn cứ An Lâm (thuộc thôn An Lâm, xã Thăng Phước, huyện Hiệp Đức ngày nay), được coi như đại bản doanh cuối cùng của Nghĩa hội Quảng Nam...

Lần theo sử liệu các căn cứ của Nghĩa hội Quảng Nam
Bia di tích Sơn phòng Dương Yên ở xã Trà Dương, thuộc huyện Bắc Trà My ghi rất rõ: Cuối năm 1884, Trần Văn Dư được triều đình Huế đặc phái về Quảng Nam giữ chức Chánh Sơn phòng sứ Dương Yên. Việc này xuất phát từ một mưu đồ nào đó của phái chủ chiến trong triều đình mà Trần Văn Dư thuộc phái này. Năm 1885, Đồng Khánh, một vị vua thân Pháp đã nhận ra việc cử Trần Văn Dư làm Sơn phòng sứ Quảng Nam là điều bất lợi cho xu thế “hợp tác” với Pháp nên đã ra dụ hoán đổi ông sang làm Bố chánh tỉnh Bình Thuận nhưng ông không nhận… Ông từ quan, đứng ra thành lập Nghĩa hội Quảng Nam với Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến, Nguyễn Thành… và được tiến cử làm Hội chủ.
Như vậy có thể khẳng định Sơn phòng Dương Yên ở Bắc Trà My ngày nay chính là căn cứ đầu tiên của Nghĩa hội Quảng Nam. Để tiêu diệt Nghĩa hội Quảng Nam, triều đình Huế câu kết thực dân Pháp nhiều lần tấn công lên căn cứ này. Một trong những cuộc tấn công gây tổn thất nặng nề cho Nghĩa hội Quảng Nam đó là cuộc tấn công vào đầu tháng 12-1885 của quân Pháp và triều đình vào căn cứ Sơn phòng Dương Yên. Ngày 13-12-1885, tiến sĩ Trần Văn Dư bị Pháp bắt và xử bắn…
Lịch sử Đảng bộ huyện Nam Trà My cũng đã ghi: Tháng 8-1885, Nghĩa hội Quảng Nam do Tiến sĩ Trần Văn Dư làm Hội chủ đã tổ chức Sơn phòng Dương Yên thành trung tâm chỉ huy phong trào Cần vương cứu nước ở Quảng Nam. Và từ vùng căn cứ Dương Yên, một mũi quân lớn của Nghĩa hội tiến ra đánh chiếm tỉnh thành Quảng Nam đóng tại làng La Qua, Điện Bàn. Đến tháng 12-1885, sau khi Hội chủ Trần Văn Dư bị sát hại, quân Pháp mới chiếm lại Sơn phòng Dương Yên.
Sau khi Hội chủ Trần Văn Dư mất, Nghĩa hội Quảng Nam cử Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu lên làm Hội chủ. Nguyễn Duy Hiệu cho xây dựng nhiều căn cứ kháng chiến, đánh nhiều trận, gây cho Pháp nhiều thiệt hại, nhưng căn cứ chính của Nghĩa hội là Sơn phòng Dương Yên cũng bị thất thủ. Nguyễn Duy Hiệu tìm nơi hiểm yếu khác tại làng Thanh Lâm, xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước lập căn cứ… nhưng rồi cũng thất thủ nên ông mới xây dựng tiếp những căn cứ mới, lúc đầu ở một số ngôi làng địa thế hiểm yếu ở Đại Lộc rồi sau là Nghi Thượng, xã Quế Hiệp, thung lũng Trung Lộc (còn gọi là Tân Tỉnh) ở xã Quế Lộc.
Tháng 9-1887, quân Pháp và triều đình huy động lực lượng tấn công và chiếm được căn cứ Trung Lộc. Nghĩa hội Quảng Nam do Nguyễn Duy Hiệu cầm quân rút về vùng rừng núi cao hơn. Từ đó An Lâm, thuộc xã Thăng Phước, huyện Hiệp Đức ngày nay trở thành căn cứ của Nghĩa hội Quảng Nam. Nhưng rồi căn cứ An Lâm cũng thất thủ, Phan Bá Phiến tự vẫn, Nguyễn Duy Hiệu bị thực dân Pháp và Nam triều bắt, kết án tử hình vào ngày rằm tháng 8 năm Đinh Hợi (nhằm ngày 15-10-1887, an táng tại Hội An), phong trào Nghĩa hội đi vào giai đoạn suy vong, các khu căn cứ Nghĩa hội dần chìm vào quên lãng.
An Lâm - Dấu xưa và những câu chuyện kể
Trải qua gần 140 năm, nhưng những dấu tích về căn cứ An Lâm ngày nay vẫn còn tồn tại. Đó là bốn đoạn tường thành khá kiên cố nằm trong chu vi khoảng vài chục mét. Phía mặt tiền nhà bia di tích có 2 đoạn tường thành khá dày, cao trên 2m, một mặt phẳng, một mặt hình vòng mô phỏng kiểu một gian thờ. Cạnh đó là một đoạn bức tường thành nữa dày khoảng hơn 2 gang tay, dài gần 2m, phẳng lỳ như đá, nhưng những chỗ hư hỏng, bong tróc phát lộ bên trong là những lớp gạch chín chắc chắn. Phía sau nhà bia chếch về phải cũng còn sót lại hai đoạn tường thành dày tương tự phía trước nhà bia. Kết cấu xây dựng khá giống nhau… Căn cứ vào các mốc điểm thời gian từ khi căn cứ Trung Lộc thất thủ đến khi về căn cứ An Lâm và khi thủ lĩnh phong trào bị bắt thọ hình thì thời gian không dài nhưng trên thực tế, dấu vết còn lại tại căn cứ An Lâm cho thấy, căn cứ này đã được đầu tư xây dựng rất kiên cố và phải được xây dựng trong thời gian dài...
Theo người viết bài này, một giả thuyết đặt ra không phải đợi khi căn cứ Trung Lộc (Tân Tỉnh) thất thủ Nguyễn Duy Hiệu mới quay về An Lâm lập căn cứ mà từ thời ở Sơn phòng Dương Yên (Trà My), rồi Thanh Lâm (Tiên Phước), các thủ lĩnh phong trào đã tính toán cho xây dựng căn cứ An Lâm. Một mối liên hệ dễ thấy từ Tiên Phước qua An Lâm rất gần chỉ cách bến đò Tam Cấp nay là cầu treo Tam Cấp. Nghĩa trủng Nghĩa hội Quảng Nam nằm ở đồi Gò Cao, khu vực núi Chổm Bồ (thôn 1 Tiên Mỹ, Tiên Phước) cách đó cũng không xa. Lăng đường của Nghĩa trủng Nghĩa hội Quảng Nam nơi này nay chỉ là một phế tích gạch đá sập sệ, tróc lở nham nhở, định vị lưng chừng núi. Bức bình phong trước gian thờ đắp nổi hình một con hổ trong tư thế dũng mãnh song phi. Khắc trên vòm cửa bằng hình thức dán men sành sứ là bốn từ “đống xương vô định”.
Một cứ liệu lịch sử nữa là, theo sách: “Phong trào Nghĩa hội Quảng Nam” của tác giả Nguyễn Sinh Duy, do NXB Đà Nẵng ấn hành 1998 thì: Căn cứ địa Trung Lộc dù là đất "thiên hiểm" trước nay, nhưng sau khi bị quân Pháp và quân của triều đình tiến đánh thì Tân Tỉnh cũng không còn là đất "thiên hiểm" nữa. Vì lẽ đó mà Nguyễn Duy Hiệu và Phan Bá Phiến đã đem đại đội nhân mã và những người tâm phúc rút lên sơn phận An Lâm, lập đồn cứ hiểm. Lệnh triệt thoái về bên kia đèo Le được ban ra, sau khi doanh trại, căn cứ Tân Tỉnh được lệnh tiêu thổ. Về Hiệp Đức, Nguyễn Duy Hiệu cho đóng quân ở các điểm: Ang Vang, An Lâm, Ang Tráng, Bình Huề, Mỹ Lưu. Trong đó An Lâm được chọn làm cứ điểm chính.
Tìm về căn cứ An Lâm tình cờ tôi gặp ông Phan Tấn Lục - nguyên chiến sĩ Trung đoàn 29, Sư 307, từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia, nay là một thương binh tại địa phương. Ông Lục cho hay, theo các cụ cao niên, An Lâm xưa là căn cứ rộng lớn, địa thế thuận lợi có núi cao, hào sâu, đặc biệt dòng sông Tiên từ Tiên Phước chảy qua, phân chia nơi đây thành hai vùng rừng núi. Địch tập kích bên này ta có thể qua đò Tam Cấp để lui về phía bên kia cố thủ, rồi tập kích trở lại. Nay bến đò Tam Cấp đã có cầu treo đi lại thuận lợi còn xưa chỉ mỗi phương tiện đò, nên ta thì chủ động còn địch thì rất bị động.
Ông Lê Văn Hùng - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thăng Phước, huyện Hiệp Đức, gắn bó nhiều năm ở địa phương cho biết, di tích Nghĩa hội An Lâm đã được khoanh vùng bảo vệ từ khá sớm, đến 2005 mới được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh. Trước khi đón bằng di tích, địa phương bỏ kinh phí khắc bia rồi xây dựng nhà bia nhằm để người dân địa phương ai cũng biết mà có ý thức bảo vệ. Theo ông Hùng, đây còn là niềm tự hào, nhắc nhớ muôn đời cho con cháu mai sau, không được lãng quên mảnh đất này cha ông đã không tiếc máu xương, sống, chiến đấu chống giặc ngoại xâm ngay từ những ngày đầu kháng Pháp.
Nghĩa hội Quảng Nam đặt đại bản doanh ở An Lâm trong thời gian ngắn nhưng nó lại mang một ý nghĩa rất đặc biệt khi nơi đây là đại bản doanh cuối cùng của Nghĩa hội và là của một phong trào yêu nước trong cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc trên đất Quảng Nam (có sự trùng hợp khá thú vị cũng tại huyện Hiệp Đức, thời chống Mỹ có căn cứ Khu ủy khu V là đại bản doanh cuối cùng của Khu ủy Khu V)…
Với tất cả những ý nghĩa trên, rất mong cơ quan chức năng và chính quyền các cấp cần có sự đầu tư tương xứng để gìn giữ, bảo vệ, tôn tạo di tích này. Trước mắt đó là một vòng tường rào bảo vệ khu vực di tích cùng những mái che các đoạn tường thành còn sót lại để các yếu tố ngoại cảnh không làm hư hỏng, biến dạng những hiện vật quý giá còn lưu lại như hiện có.
Võ Văn Trường