Căn cứ không quân Myanmar bị nã tên lửa
Ngày 29-4, truyền thông và các nhân chứng cho biết, những kẻ tấn công chưa rõ danh tính đã mở các vụ tấn công nhằm vào hai căn cứ không quân của Myanmar.
Xe tăng quân đội Myanmar tại một cuộc diễn tập chung giữa lục quân và không quân gần vùng Magway đầu năm 2019. Ảnh: AF |
Trên trang Facebook, hãng tin Delta cho biết, trong vụ tấn công đầu tiên, 3 vụ nổ được ghi nhận tại căn cứ không quân của Myanmar gần thị trấn Magway vào đầu giờ sáng 29-4. Theo hãng tin này, 6 binh sĩ Myanmar đã thiệt mạng trong vụ tấn công. Nhân viên an ninh sau đó tăng cường kiểm soát các con đường bên ngoài căn cứ. Tuy nhiên, sau đó, phóng viên hiện trường Than Win Hlaing lại cho biết, 5 quả rocket đã được bắn vào căn cứ không quân chính của Myanmar tại Meiktila, phía Đông Bắc Magway.
Theo Reuters, một nhân chứng đăng tải đoạn băng ghi lại cảnh tên lửa bay trên đầu mình, sau đó là tiếng nổ đi kèm. Theo các nguồn tin, an ninh được thắt chặt sau các vụ tấn công. Mọi lối vào ra vùng Magway đã bị cảnh sát và quân đội phong tỏa. Cảnh sát kiểm soát giấy tờ từng tài xế ô-tô và mô-tô. Bất kỳ ai không chấp hành xuất trình giấy tờ sẽ bị bắn. Đã có 2 nhà sư bị thương vì vượt qua chốt kiểm soát mà không dừng lại.
Hiện chưa tổ chức nào nhận trách nhiệm về các vụ tấn công này. Cũng chưa có báo cáo về thương vong và thiệt hại ở cả hai căn cứ. Phát ngôn viên quân đội Myanmar cũng từ chối đưa ra bình luận. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, có thể các nhóm vũ trang thiểu số đứng sau vụ việc. Trên thực tế, giao tranh giữa quân đội và các tay súng các nhóm vũ trang thiểu số xuất hiện nhiều hơn kể từ sau chính biến quân sự ngày 1-2.
Các vụ tấn công lần này cũng diễn ra vài ngày sau vụ đụng độ dữ dội xảy ra tại một tiền đồn quân đội Myanmar ở miền đông gần biên giới Thái Lan. Liên minh Quốc gia Karen (KNU) - nhóm sắc tộc lớn có vũ trang ở miền Đông Myanmar phóng hỏa và chiếm đồn quân sự của quân đội. KNU gần đây liên tục phát động các vụ tấn công nhằm vào các tiền đồn của quân chính phủ. Trong động thái đáp trả, quân đội Myanmar hôm 28-4 mở các cuộc không kích vào khu vực do KNU kiểm soát. Đợt không kích này diễn ra 2 ngày liên tiếp. Các cuộc giao tranh xảy ra trong bối cảnh lãnh đạo các nước ASEAN hôm 24-4 cho biết, họ đã nhất trí với lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar về một kế hoạch nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Myanmar, gồm ngừng sử dụng hành vi bạo lực với dân thường và chấp nhận sự hỗ trợ nhân đạo.
Myanmar rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng sau vụ chính biến, vốn làm bùng nổ các cuộc biểu tình xảy ra trên diện rộng, liên tiếp và biến thành bạo loạn. Hàng trăm người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ biểu tình. Theo con số thống kê mới nhất của Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân chính trị, đến nay, hơn 750 người thiệt mạng và 3.431 người đã bị giam giữ trong các cuộc biểu tình phản đối đảo chính ở Myanmar.
Hồi cuối tuần trước, 10 quốc gia ASEAN đã họp tại thủ đô Jakarta (Indonesia) cùng với Tổng Tư lệnh quân đội Myanmar - tướng Min Aung Hlaing. Các lãnh đạo ASEAN sau đó đã cùng thống nhất một tuyên bố chung 5 điểm, từng bước chấm dứt bạo lực, thúc đẩy đối thoại giữa các bên tướng lĩnh và lãnh đạo dân sự ở Myanmar. Tuy nhiên chính quyền quân sự Myanmar không chấp nhận các đề xuất này, cho biết sẽ chỉ cân nhắc một khi tình hình ổn định. Trong khi đó, các nhân vật lãnh đạo dân sự, các nghị sĩ bị bãi miễn sau chính biến bác bỏ khả năng đối thoại về khủng hoảng đến chừng nào toàn bộ tù nhân chính trị được thả.
KHẢ ANH